Xếp hạng Việt Nam mức BB+
S&P Global Ratings vừa công bố xếp hạng tín dụng dài hạn ở mức BB+ đối với Việt Nam và trong ngắn hạn ở mức B. Triển vọng về xếp hạng dài hạn của Việt Nam vẫn là ổn định.
Các đánh giá của tổ chức này được đưa ra dựa trên cơ sở nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong 12 tháng tới khi nhu cầu toàn cầu phục hồi và đất nước dần giải quyết được những thách thức trong nước.
"Chúng tôi kỳ vọng điều kiện nhu cầu toàn cầu lành mạnh hơn sẽ hỗ trợ mức tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam là 5,8% trong năm 2024", đơn vị xếp hạng tín nhiệm nhận định.
Cũng theo S&P Global Ratings, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nhu cầu bên ngoài và nhu cầu này đang dần vững chắc.
Ngoài ra, chu kỳ tăng trưởng của ngành bán dẫn cũng sẽ đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay khi xuất khẩu của ngành này tăng lên.
Về mặt dịch vụ, S&P Global Ratings nhận định du lịch xuyên biên giới cũng đang phục hồi, trong đó có sự gia tăng đột biến của khách du lịch Trung Quốc.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng 165% trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023.
S&P Global Ratings cũng kỳ vọng đầu tư công sẽ tăng tốc dần trong những năm tới, chủ yếu từ ngân sách nhà nước. "Sự chậm trễ trong việc thực hiện các dự án vốn trước đây đã cản trở chi tiêu công của Việt Nam và làm giảm hỗ trợ cho tăng trưởng", đơn vị xếp hạng nhìn nhận.
Tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ quay trở lại xu hướng dài hạn 6,5 - 7%
Trong 3 đến 4 năm tới, S&P Global Ratings cũng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ quay trở lại xu hướng dài hạn là 6,5 - 7%.
Tổ chức này còn dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 4.500 USD vào cuối năm 2024.
Xu hướng tăng trưởng, được đo bằng mức tăng GDP thực bình quân đầu người trung bình trong 10 năm của đất nước, khoảng 5%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của các nước cùng ngành tại mức thu nhập tương tự.
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng đa dạng, với lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ và phần lớn được tài trợ bởi FDI, theo S&P Global Ratings.
Sức hấp dẫn của Việt Nam được tổ chức xếp hạng quốc tế ví như một điểm đến thu hút FDI ở Đông Nam Á với lực lượng lao động trẻ, có trình độ học vấn ngày càng cao và có tính cạnh tranh sẽ giúp duy trì sự phát triển lâu dài.
Chưa kể, sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam và mạng lưới hậu cần xuất khẩu phát triển tốt đã hỗ trợ ngành sản xuất trở nên hấp dẫn đối với các công ty toàn cầu trong các ngành điện tử, điện thoại di động và dệt may.
Các phân khúc định hướng FDI này tiếp tục thúc đẩy hoạt động trong nước, với cơ hội việc làm tốt hơn và mức lương cao hơn thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng cá nhân, theo S&P Global Ratings.