Tài chính

Một ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất tiết kiệm lần thứ ba trong tháng 6

Một ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất tiết kiệm lần thứ ba trong tháng 6- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động tiền gửi mới từ ngày hôm nay 21/6 với việc điều chỉnh tăng ở một số kỳ hạn ngắn. Đây là lần thứ ba Eximbank nâng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn trong tháng 6, sau khi điều chỉnh tăng vào ngày 7/6 và 14/6.

Cụ thể, tại sản phẩm tiền gửi online - sản phẩm có lãi suất cao nhất, Eximbank tăng 0,2%/năm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6-9 tháng, lên mức 4,5%/năm.

Lãi suất các kỳ hạn khác được giữ nguyên. Trong đó, kỳ hạn 1 - 2 - 3 tháng lần lượt là 3,5% - 3,7% - 3,8%/năm. Kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 5,0%/năm, kỳ hạn 18 tháng lãi suất 5,1%/năm, kỳ hạn 24 - 36 tháng lãi suất cao nhất 5,2%/năm.

Trước đó, từ ngày 14/6, Eximbank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn từ 1-3 tháng với mức tăng trung bình 0,2%/năm và giữ nguyên tại các kỳ hạn còn lại. 

Trong ngày 7/6, Eximbank cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn 1 - 9 tháng, nhưng giảm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 15-36 tháng.

Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tiếp tục nối dài trong tháng 6. 

Tính từ đầu tháng 6 đến nay, thị trường đã ghi nhận hơn 20 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm: TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, Techcombank và ACB.

Trong đó, nhiều nhà băng đã tăng lãi suất huy động 2 - 3 lần như GPBank, VIB, MB, BaoViet Bank, Eximbank, OceanBank, NCB, TPBank, LPBank.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS cho biết, lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, tuy nhiên mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn mức trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch Covid-19 (5,05%).

Theo VCBS, lãi suất huy động không còn dư địa giảm thêm dưới áp lực của tỷ giá và lạm phát. Cụ thể, áp lực lạm phát dự kiến sẽ tăng từ thời điểm quý 3/2024 dưới áp lực đến từ giá lương thực – thực phẩm tăng; giá điện, giá nhà tăng khi thị trường BĐS hồi phục và điều chỉnh lương cơ sở. Bên cạnh đó, áp lực chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD/VND khiến mặt bằng lãi suất khó có thể giảm thêm.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm