Công nghệ

Facebook ép nhân viên nghỉ việc

Theo WSJ, Meta đang cắt giảm nhân viên, nhưng tránh việc sa thải hàng loạt bằng cách đưa ra "chính sách 30 ngày". Những người bị đưa vào danh sách này sẽ có 30 ngày để tìm một vị trí mới bằng cách nộp hồ sơ vào các bộ phận mình cần, hoặc chọn cách nghỉ việc.

Thực tế, chính sách này được hãng áp dụng rộng rãi trong nhiều năm, nhưng chủ yếu dành cho những người có năng lực kém hoặc không phù hợp với các vị trí đã tuyển dụng. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết gần đây, kể cả những người tài năng vẫn có tên trong danh sách.

CEO Meta Mark Zuckerberg. Ảnh: AP

CEO Meta Mark Zuckerberg. Ảnh: AP

Phát ngôn viên Meta cho biết việc sa thải hoặc luân chuyển vẫn được công ty thực hiện hàng năm. Đối với "chính sách 30 ngày", người này dẫn tuyên bố của CEO Mark Zuckerberg trước đó rằng đây là một trong những cách phân bổ lại nguồn lực công ty trong bối cảnh doanh thu lần đầu sụt giảm.

"Kế hoạch của chúng tôi là cắt giảm đều đặn về số lượng nhân viên trong những năm tới. Nhiều bộ phận sẽ bị thu hẹp để chuyển nguồn lực sang lĩnh vực khác", Zuckerberg cho biết trong báo cáo tài chính quý II/2022 hồi tháng 7.

Trước đó, một số nguồn tin nội bộ từ Meta tiết lộ với Business Insider rằng các nhân viên đang chuẩn bị cho một đợt sa thải lớn, có thể tới 10% trong năm nay. Vào tháng 7, một thông báo nội bộ của Meta bị rò rỉ cho thấy công ty có thể cho nghỉ việc nhân viên không đạt như kỳ vọng.

Bên cạnh nhân viên chính thức, nhiều nhân viên hợp đồng cũng bị sa thải ngẫu nhiên dựa trên thuật toán. Theo báo cáo, có ít nhất 60 nhân viên theo dạng hợp đồng của Facebook tại văn phòng Austin (Mỹ) nhận được thông báo sẽ bị mất việc. Những người này làm cho Facebook thông qua Accenture - công ty chuyên cung cấp cho mạng xã hội nhân sự kiểm duyệt nội dung và công việc liên quan đến kinh doanh.

Từ giữa năm, Meta đẩy mạnh cắt giảm chi phí trong bối cảnh doanh thu và tăng trưởng chậm lại. Đầu tháng 5, công ty lần đầu thông báo đóng băng tuyển dụng. Tính đến cuối tháng 3, số nhân viên của Meta là 77.805 người.

Gần đây, các lãnh đạo cao cấp của công ty, trong đó có CEO Mark Zuckerberg, đã lên tiếng kêu gọi nhân viên thích ứng với văn hóa làm việc mới, nhấn mạnh về "cường độ làm việc cao hơn", đánh giá hiệu suất chặt hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

Làn sóng sa thải đang bao trùm tại nhiều công ty công nghệ Mỹ, từ các công ty khởi nghiệp cho đến những doanh nghiệp có truyền thống "chống sa thải" như Netflix cũng phải điều chỉnh nhân sự trong những tháng đầu năm. Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh ảm đạm, chi phí nhân sự tăng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm