Một đêm tháng 9, phóng viên Báo CAND theo chân cán bộ Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 6, Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt đối với vi phạm về nồng độ cồn…
Chỉ trong thời gian từ 20h30 đến 22h30, chúng tôi đã chứng kiến không ít những tình huống "dở khóc, dở cười" khi các "ma men" gây khó lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Đêm nay, tổ công tác lập chốt kiểm tra tại đường Nguyễn Huệ, TP Lào Cai, điểm giáp ranh với ngã 6-tuyến giao thông huyết mạch của thành phố. 20h30 phút, tổ công tác ra tín hiệu, dừng phương tiện, kiểm tra một chiếc xe ôtô lưu thông từ ngã 6 và trung tâm TP Lào Cai. “Vợ chồng tôi sang nhà ông bà ngoại ăn cơm, có uống một chút bia. Nhà mẹ vợ tôi ở ngay đầu cầu, mong các anh thông cảm…”, người đàn ông trung tuổi tên L.V.T gãi đầu, gãi tai giải thích, sau khi bị dừng phương tiện để kiểm tra.
Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai tuần tra, làm nhiệm vụ trên các cung đường.
Khi cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai yêu cầu thổi nồng độ cồn, anh ta lấy lý do vừa ốm dậy, đau ngực, không thổi được hơi dài vào máy đo nồng độ cồn. Khi máy đo sẵn sàng, người này nhiều lần thổi không ra hơi để máy không nhận dữ liệu. Trong tình huống đó, cán bộ Đội CSGT số 6 Công an tỉnh Lào Cai vừa mềm mỏng giải thích; đồng thời cũng cương quyết yêu cầu người đàn ông chấp hành nghiêm các quy định… Sau nửa giờ đồng hồ thuyết phục, người đàn ông cũng buộc phải chấp hành, với nồng độ cồn đo được là 0,371 mg/l khí thở.
Khi được hỏi, anh Hoàng Hồng H (trú tại phường Kim Tân, TP Lào Cai) chia sẻ: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết rằng Công an tỉnh Lào Cai đang tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; đặc biệt đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma tuý… Thế nhưng, hôm nay có mấy anh em từ Hà Nội lên, đơn vị tổ chức gặp mặt chẳng nhẽ lại không có chén rượu. Từ lần sau, tôi sẽ chủ động đi xe taxi về nhà.
Trường hợp thứ ba là một thanh niên chừng hơn 30 tuổi, đi cùng với một người bạn. Khi cán bộ Đội 6, Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai yêu cầu thổi nồng độ cồn, anh ta cùng một người bạn thay phiên nhau gọi điện thoại để nhờ sự “trợ giúp”. Gần nửa giờ đồng hồ, sau nhiều lần lực lượng CSGT mời vào làm việc, người điều khiển phương tiện mới miễn cưỡng ngồi vào bàn làm việc… “Tôi có ký biên bản thì cũng phải sau 7 ngày mới lấy được xe ôtô. Bây giờ tôi đi về nhà, ngày mai lên ký được không”, giọng khê đặc mùi rượu, người đàn ông cất giọng nói. Một lần lữa, cán bộ CSGT tiếp tục giải thích cho người đàn ông các trình tự xử lý theo quy định của pháp luật… Nhưng phải sau gần một giờ đồng hồ, người đàn ông mới đồng ý ký tên vào biên bản xử phạt hành chính.
Đây chỉ là một trong những câu chuyện dở khóc, dở cười; những tình huống "khó đỡ" mà các cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai phải đối mặt thường xuyên kể từ khi triển khai cao điểm xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông, theo Kế hoạch của Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai. Trên thực tế, các trường hợp sau khi uống rượu thì có thái độ ứng xử như trên là chuyện thường ngày lực lượng CSGT phải đối mặt. Khi bị xử phạt, không ít người tỏ ra khó chịu nhưng họ không biết rằng, điều này để tốt cho họ. Bởi khi tham gia giao thông nếu có nồng độ cồn thì nguy cơ bị tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào - Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai cho biết.
Ở đây là thành phố, với các huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn như Bắc Hà, Simacai thì việc xử lý còn gian nan hơn nhiều. Có trường hợp, một người bị bắt, cả chục người trong dòng họ, gia đình kéo nhau ra hiện trường để xin CSGT không xử phạt. Cùng với nồng độ cồn, tình trạng thanh, thiếu niên có hành vi lạng lách, đánh võng, tụ tập đua xe trái phép… Tại huyện Simacai, khi đoàn công tác lên kiểm tra thì cũng rơi vào cảnh "dở khóc dở cười". Bố, mẹ các cháu đi làm ăn xa, để lại các con ở nhà không có người trông nom. Mấy đứa trẻ đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới khi thấy bố mẹ để xe máy ở nhà thì lén lấy xe máy đi trên đường… Các trường hợp vi phạm sau khi bị xử lý đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nên việc xử lý không dễ dàng.
Lào Cai là tỉnh miền núi phía Bắc, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, do ảnh hưởng của phong tục tập quán, người dân có thói quen uống bia, rượu trong các ngày hội hè, ma chay, cưới hỏi. Cá biệt, tại một số địa bàn, một số người dân còn có thói quen rủ nhau đi ăn sáng cũng làm vài chén rượu… Để thay đổi một thói quen đã ăn sâu vào nền nếp của người vùng cao trong một thời gian ngắn vốn không dễ dàng.
Từ đặc điểm tình hình địa bàn, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, Phòng CSGT Công an tỉnh đã tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung tuần tra, kiểm soát trên các tuyến trọng điểm, địa bàn phức tạp, đảm bảo khép kín địa bàn tuần tra, kiểm soát. Trong đợt cao điểm, sau 22h các ngày từ 1/9, các tổ công tác còn thực hiện theo Kế hoạch 595 tiến hành kiểm tra hành chính đối với người và phương tiện tham gia giao thông… Từ đó, đã bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực của người tham gia giao thông; tai nạn giao thông được kiềm chế và có xu hướng giảm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số vụ tai nạn, va chạm giao thông bắt nguồn từ việc sử dụng rượu, bia; tình trạng tác động, can thiệp vào công tác của lực lượng CSGT.
“Cấm lãnh đạo, CBCS thuộc các đơn vị trong Công an tỉnh tác động, can thiệp vào hoạt động, công tác xử lý vi phạm của lực lượng CSGT và các lực lượng khác có chức năng xử lý về TTATGT. CBCS CSGT và các lực lượng khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải có thái độ kiên quyết, xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm, đồng thời báo cáo lãnh đạo đơn vị về việc có sự tác động, can thiệp vào công tác xử lý của các cá nhân…”, đó là chỉ đạo của Đại tá Lưu Hồng Quảng, Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai. Kiên quyết xử lý các vi phạm, đảm bảo TTATGT…
Với quan điểm đó, cùng với việc tổ chức tuyên truyền cho người dân trên trang thông tin điện tử của Công an tỉnh Lào Cai, mạng xã hội như zalo, facebook, Công an tỉnh Lào Cai đã yêu cầu CBCS trong Công an tỉnh trực tiếp hoặc có người thân tham gia hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT. Phòng CSGT chủ trì tham mưu xây dựng và tổ chức cho toàn thể CBCS Công an tỉnh ký cam kết thực hiện các nội dung trên đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình, người thân gương mẫu chấp hành.
Cụ thể, đã tuyên truyền đến 151 nhà hàng, 47 doanh nghiệp, 139 cá nhân, 5 nhà máy… chở hàng hoá đúng trọng tải thiết kế của xe, không cơi nới thùng xe, tháo, cắt thùng xe về đúng thiết kế. Trong dịp này, hơn 1.000 tổ tuần tra, kiểm soát của Công an tỉnh Lào Cai đã lập biên bản hơn 1.500 trường hợp vi phạm về TTATGT…
Những ngày này, cường độ làm việc của cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai càng thêm căng thẳng. Cùng với việc thực hiện công việc thường nhật của CSGT như chống ùn tắc giao thông, xử lý các vụ va chạm và tai nạn giao thông trên các tuyến, địa bàn phụ trách, họ còn căng mình thực hiện các đợt cao điểm… Vào những ngày cuối tuần, vào dịp nghỉ lễ khi khách du lịch đến với Lào Cai đông thì công việc của cán bộ đơn vị càng thêm vất vả, nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt. Với các anh, có lẽ ai cũng muốn sau một ngày làm việc vất vả được đoàn tụ bên người thân trong gia đình, ăn một bữa cơm đầm ấm. Song dẫu phải làm thêm giờ, không có ngày nghỉ, mỗi cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai vẫn không nề hà, họ chỉ mong sao các cung đường yên bình.