Kỹ năng sống

Gặp thầy Kiều Vũ Mạnh - Người

Từ khi công bố điểm chuẩn đại học, những lớp học có kết quả đỗ Đại học 100%, đỗ ngay ở nguyện vọng 1,… luôn là câu chuyện được sự quan tâm đông đảo từ mọi người. Ở tỉnh Hòa Bình cũng có một lớp học như vậy! 31/31 học sinh tại lớp chuyên Sinh, trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) đều đỗ vào những ngôi trường hàng đầu Hà Nội như: Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách Khoa, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Tài chính, Học viện Quân Y, Đại học Thương Mại…

Thầy và trò lớp chuyên Sinh đang sống trong những ngày tháng tươi đẹp nhất, trong niềm hân hoan, hạnh phúc trào dâng khi đạt được kết quả xuất sắc. Có được thành tích như trên không chỉ ở sự nỗ lực của học sinh mà công lao thầm lặng của người thầy cũng quan trọng không kém.

Hãy cùng trò chuyện với thầy giáo Kiều Vũ Mạnh – người đã chắp cánh cho ước mơ của các em bay cao, bay xa trên chặng đường chinh phục học thuật!

Gặp thầy Kiều Vũ Mạnh - Người lái đò đưa tập thể 31 học sinh đỗ toàn Đại học top đầu cả nước - Ảnh 1.

Lớp 12 chuyên Sinh (trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ) do thầy Kiều Vũ Mạnh chủ nhiệm.

"Thầy cô chỉ là người đưa ra định hướng, quan trọng nhất vẫn là ở bản thân các em…"

- Cảm xúc của thầy khi biết tin học sinh của mình trúng tuyển vào những trường Đại học top đầu ra sao? Theo thầy, đâu là yếu tố quyết định sự thành công?

Tôi rất vui và tự hào! Hạnh phúc vỡ òa khi nghe từng em báo tin vui. Lớp tôi chủ nhiệm có 31 học sinh, gồm 8 học sinh nam và 23 học sinh nữ. Các em đều đồng đều kiến thức, ý thức học tập tốt, luôn chăm chỉ rèn luyện.

Các em có năng lực tự học tốt, không hề bị áp lực đi học thêm nhiều. Và tôi cũng không khuyến khích các em đi học thêm bởi rất tốn thời gian. Thầy cô chỉ đưa ra định hướng, phương pháp học, các dạng bài cùng kỹ năng luyện đề còn học sinh mới là nhân tố chính quyết định sự thành công.

Một điều khác mà tôi cho rằng cũng góp phần giúp các em đạt thành tích cao là được sự quan tâm, chăm lo của phụ huynh. Bởi ngoài kiến thức thầy cô trang bị và tự lĩnh hội thì vấn đề tinh thần là vô cùng cần thiết. Đó đơn giản là việc phụ huynh chăm lo giấc ngủ, bữa ăn, đặc biệt là khi bước vào giai đoạn "chạy nước rút". Điều này giúp các em càng nỗ lực hơn trong việc chinh phục những mục tiêu đã đặt ra.

Gặp thầy Kiều Vũ Mạnh - Người lái đò đưa tập thể 31 học sinh đỗ toàn Đại học top đầu cả nước - Ảnh 2.

31/31 học sinh đều đỗ Đại học, trong đó có nhiều em đỗ trường top đầu.

- Thưa thầy, đâu là phương pháp giúp học sinh tiếp thu bài giảng tốt mà thầy đã áp dụng?

Tôi luôn chú trọng phát huy sự trao đổi với học sinh. Kiến thức rất nhiều, nếu các em học theo kiểu nhồi nhét sẽ không hiệu quả. Và cách học này khiến các em loai hoay xử lý khi gặp các dạng đề mới lạ. Vì vậy, quan điểm của tôi là trang bị cho học sinh kỹ năng cùng phương pháp tiếp cận kiến thức bằng cách tự lĩnh hội bài học theo sơ đồ.

Mỗi môn học sẽ có một cách thức học hiệu quả. Chẳng hạn như môn Sinh, tôi thường lấy ví dụ thực tiễn trong cuộc sống để các em có thể tự giải thích được kiến thức, giúp hiểu bài lâu hơn. Và tôi luôn nhắc học sinh tránh lối học vẹt, học tủ.

Một phương pháp học tập khác mà tôi thấy các em đã áp dụng là học nhóm. Những hôm có 4 tiết buổi sáng, được về sớm hay vào các buổi chiều, các em thường ở lại trường thêm khoảng 1 tiếng để cùng học tập với các bạn lớp chuyên Toán. Các bạn chuyên Sinh sẽ giảng bài, giải đáp những thắc mắc cho các bạn chuyên Toán và ngược lại. Đây là cách học hiệu quả, giúp học sinh không bị áp lực phải đi học thêm nhiều.

- Trong thời đại 4.0, học sinh thường sử dụng thiết bị điện tử nhiều. Đâu là cách thầy giúp các em học sinh tránh bị tác động bởi chúng?

Sử dụng điện thoại thông minh có 2 mặt gồm lợi và hại. Các thiết bị thông minh đem lại lợi ích to lớn về mặt tiếp cận kiến thức, tìm nguồn kiến thức mới hoặc là công cụ để trao đổi với nhau. Tuy nhiên có một điều bất cập là nếu không quản lý được quỹ thời gian sử dụng sẽ bị sa đà vào phim ảnh, game, mạng xã hội,… dẫn đến việc học xao nhãng.

Quan điểm của tôi là lúc cần sử dụng điện thoại thì được phép mang đến trường, còn lại thì không nên mang đi học. Điều này hoàn toàn được phụ huynh ủng hộ. Chẳng hạn như hôm nào có tiết học tiếng Anh hay tiết học khác cần tra cứu thông tin trực tiếp, thảo luận chủ đề thì các em được mangđến trường. Tôi muốn học sinh biến điện thoại thành công cụ đắc lực, chứ không phải phụ thuộc vào nó.

Gặp thầy Kiều Vũ Mạnh - Người lái đò đưa tập thể 31 học sinh đỗ toàn Đại học top đầu cả nước - Ảnh 3.

Thầy Vũ Mạnh không khuyến khích việc học sinh mang điện thoại đến trường.

Người thầy công tâm giữa khen và phạt khiến học sinh nể phục

- Chủ nhiệm một lớp nhiều học sinh nữ, thầy đã gặp phải những khó khăn gì?

Lớp đông các bạn nữ nên tôi luôn phải đề cao tinh thần đoàn kết. Nếu để chia bè, chia nhóm sẽ ảnh hưởng lớn đến học tập. Vì thế, tôi chủ động xây dựng nội quy gồm các hình thức khen thưởng và kỷ luật nhất định. Tất cả các em đều chấp hành và hình thành nên tính kỷ luật nghiêm túc.

Để hạn chế việc chia bè, chia cánh, giáo viên chủ nhiệm cần lắng nghe nguyện vọng của học sinh. Ngoài giờ học, tôi giống như một người cha gần gũi để lắng nghe tâm tư nguyện vọng. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên tổ chức sinh nhật tháng, sinh nhật quý, Tết Trung thu để các em thêm hiểu nhau hơn. Qua những hoạt động như vậy, các em sẽ đoàn kết và giúp đỡ nhau trong học tập.

Vì là lớp đông học sinh nữ nên các em khó tránh khỏi sự rung động trước bạn khác giới. Đây là điều hoàn toàn bình thường, tôi luôn trao đổi nhẹ nhàng rằng: "Thầy không cấm yêu nhưng không được để ảnh hưởng tới học tập và cần nhận giữ giới hạn tình bạn, đảm bảo tình bạn luôn trong sáng". Tôi cũng đưa ra một số trường hợp cụ thể để học sinh các em biết tự điều chỉnh bản thân.

Gặp thầy Kiều Vũ Mạnh - Người lái đò đưa tập thể 31 học sinh đỗ toàn Đại học top đầu cả nước - Ảnh 4.

- Vậy đâu là những hình thức kỷ luật khi học sinh của mình mắc lỗi, thưa thầy?

Với những học sinh không học bài cũ, không chịu làm bài tập, tôi sẽ áp dụng hình thức nhắc nhở, trực nhật lớp học, quét sân trường, quét hành lang lớp. Lúc đầu, có nhiều em không vui vì phải ở lại muộn để lao động. Nhưng sau đó, các em đã hiểu ra giá trị việc học tập nghiêm túc, chỉn chu.

Còn khi các em đạt được điểm số cao hay thành tích nổi bật, tôi thường đi Hà Nội tìm mua những cuốn sách chuyên môn bổ ích hoặc đặt mua online để tặng các em. Chi hội trưởng Hội phụ huynh cũng đứng ra đại diện để thưởng tiền trực tiếp cho các em mua dụng cụ học tập, chi tiêu hàng ngày. Hoặc đôi khi tôi dẫn học sinh của mình đi ăn chè, uống trà sữa,…

- Trong suốt 3 năm gắn bó với các em, đâu là quãng thời gian khó khăn nhất của thầy và trò?

Có 2 thời điểm thầy và trò phải đối mặt với khó khăn, đó là khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và khi các em chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Hòa Bình là tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hơn các tỉnh khác. Tuy nhiên trong mỗi đợt dịch, các em phải học trực tuyến khoảng 4 – 6 tuần. Học trực tuyến khiến việc tiếp thu kiến thức bị hạn chế nhưng các em luôn nỗ lực khắc phục. Các em rất tự giác, tham gia buổi học đầy đủ, tích cực thực hiện theo yêu cầu của giáo viên nên không bị hổng kiến thức.

Còn khi đi học trực tiếp, 100% học sinh phải đeo khẩu trang nên khả năng giao tiếp bị hạn chế. Các em gặp trở ngại khi trao đổi với giáo viên, bạn bè cùng lớp bởi qua lớp khẩu trang rất khó nghe. Ngược lại, giáo viên cũng cần nói to hơn để đảm bảo chất lượng truyền đạt tốt. Đồng nghiệp chúng tôi thường nói đùa rằng đây là quãng thời gian "mất sức".

Gặp thầy Kiều Vũ Mạnh - Người lái đò đưa tập thể 31 học sinh đỗ toàn Đại học top đầu cả nước - Ảnh 5.

Thầy Vũ Mạnh luôn đồng hành cùng học sinh trong những giai đoạn khó khăn nhất.

Ngoài ra, còn một giai đoạn áp lực hơn là khoảng 3 tháng cuối trước khi bước vào kỳ thi. Thời điểm này, các em bị áp lực thi cử, áp lực điểm số, phải giải quyết khối lượng lớn bài tập thầy cô giao. Nhiều em rơi vào tình trạng ăn không ngon, mất ngủ triền miên. Thấy các em như vậy, tôi đã trao đổi với phụ huynh rằng không nên tạo lực cho con. Phụ huynh cần cổ vũ tinh thần để con luôn thoải mái, tự tin. Thầy cô và phụ huynh phải trở thành người bạn thân thiết mới có thể giúp các em đạt được mong ước.

- Lời sau cùng, thầy muốn gửi gắm điều gì đến học trò của mình?

Đối với tập thể lớp 12 chuyên Sinh, tôi chúc các em bước sang môi trường mới – một môi trường mà thầy cô, phụ huynh ít quan tâm sát sao thì các em cần học thật tốt, tự tin vững bước trên con đường đã lựa chọn. Hãy tiếp tục nâng cao tinh thần tự giác, tự chủ trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Còn với các em học sinh nói chung, tôi muốn nhắn nhủ rằng, trong quá trình học tập sẽ luôn có những áp lực vô hình. Nhưng các em cần bình tĩnh và thoải mái về tâm lý để có thể gặt hái nhiều thành quả ngọt ngào.

Ảnh: NVCC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm