Ngày 22/9, ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - xác nhận với Tiền Phong đã có văn bản số 2590/SCT-QLTM trình Bộ Công Thương xem xét kiến nghị của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.
Trước đó, Sở Công Thương đã tiếp nhận văn bản đồng kiến nghị của 13 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kiến nghị giải quyết nhiều bất cập trong thực trạng kinh doanh xăng dầu tại địa phương.
Cụ thể, các doanh nghiệp đã cùng nhau kiến nghị về tình hình kinh doanh, chính sách chưa hợp lý và cho rằng không thể tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới nếu không có gì thay đổi và tiếp tục lỗ chồng lỗ.
Các doanh nghiệp này phản ánh, đã hơn 8 tháng nay, các cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp đều gặp phải tình trạng kinh doanh thua lỗ do giá bán lẻ tại cửa hàng thấp hơn giá mua và chi phí vận chuyển. Trung bình các doanh nghiệp lỗ từ 15 - 80 triệu đồng/tháng, tùy vào lượng hàng bán ra nhiều hay ít.
Để duy trì hoạt động của cửa hàng xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân, doanh nghiệp vẫn phải trang trải chi phí lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, chi phí điện, nước, khấu hao sửa chữa… Như vậy, ngoài lỗ chi phí kinh doanh, doanh nghiệp còn lỗ thêm chi phí vận hành, tiền lương.
Theo quy định, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân đầu mối hoặc một thương nhân phân phối xăng dầu... Quy định trên khiến cho doanh nghiệp không có quyền được lựa chọn giá tốt từ nhiều nhà cung cấp để mua. Chưa kể, khi thương nhân cung cấp hết hàng, doanh nghiệp cũng không thể mua từ nhà cung cấp khác, dẫn đến tình trạng bị thiếu hàng cục bộ.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, thậm chí là 0 đồng, hoặc nếu có cũng chỉ từ 70 - 200 đồng nên không có lãi. Đồng thời, nguồn cung cũng bị hạn chế, không thể lấy thêm dư lượng hàng như trước.
Từ những bất cập nêu trên, các doanh nghiệp cùng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét thay đổi chính sách điều hành giá bán lẻ xăng dầu, nhằm đảm bảo giá bán lẻ bán ra phải đủ để doanh nghiệp bù đắp những chi phí cần thiết nhằm duy trì hoạt động của cửa hàng xăng dầu.
Các doanh nghiệp kiến nghị cũng đưa ra ý kiến, trong trường hợp sau ngày 25/11 nếu vẫn không được xem xét và có những thay đổi phù hợp, thì cả 13 doanh nghiệp đều đóng cửa các cửa hàng bán lẻ do không thể gánh thêm chi phí.
Nhận định kiến nghị của các doanh nghiệp trên là có cơ sở, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét ý kiến của các doanh nghiệp và cho ý kiến chỉ đạo.
Thông tin với Tiền Phong, chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói biết đang phải gồng gánh để duy trì kinh doanh. Hiện nay, chiết khấu mà nhà phân phối trích cho doanh nghiệp là 0 đồng/lít. Chiết khấu đã không có nhưng doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí vận chuyển, lương, điện nước, khấu hao… thì bán ra sẽ bị lỗ. Lỗ nhiều hay ít tùy thuộc vào lượng hàng bán ra hằng ngày. Nhiều muốn nghỉ bán nhưng cơ quan chức năng không cho phép ngừng hoạt động.
Lượng xăng dầu được phân phối về cửa hàng không được dồi dào như trước. Hiện nay, muốn nhập bao nhiêu xăng dầu thì doanh nghiệp phải gửi báo cáo bán hàng hàng ngày, sau khi tổng kho tại TPHCM duyệt thì hàng mới về. Do đó, trước mỗi kỳ điều chỉnh giá, doanh nghiệp có thể lấy dư thêm lượng hàng để giữ vốn nhưng hiện nay thì hoàn toàn không làm được.