Chứng khoán

Fed tăng lãi suất kỷ lục, chứng khoán Việt sẽ ra sao?

Kể từ khi tạo đáy vào giữa tháng 7, chỉ số VN-Index đã củng cố xu hướng hồi phục và tăng 6,3% trong tháng 8 cùng thanh khoản có chuyển biến tích cực với giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 18.541 tỷ đồng, tăng 35,6% so với tháng trước đó.

Tuy nhiên, bước sang những phiên giao dịch đầu tháng 9, thanh khoản thị trường có xu hướng giảm và có thời điểm thanh khoản sàn HoSE xuống mức thấp nhất 2 tháng tại phiên 21/9 với 9.774 tỷ đồng. Điều này cho thấy, việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 từ 29/8 và cho giao dịch lô lẻ từ 12/9 dường như chưa tạo được động lực để kích dòng tiền trở lại khi tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trong bối cảnh thị trường diễn biến khó lường.

Đóng cửa phiên 21/9, VN-Index dừng tại 1.210,55 điểm với nhiều nhóm ngành chìm trong sắc đỏ và số lượng cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế trên toàn thị trường. Diễn biến càng khó đoán định khi đêm 21/9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất kỷ lục nhằm hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ. Quyết định này cũng đánh dấu quá trình thắt chặt chính sách mạnh tay nhất của Fed kể từ thập niên 80 để kiềm chế lạm phát.

Trao đổi với Nhadautu.vn , ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược Thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, đầu tiên, việc Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư bởi trong 2 năm trở lại đây, chứng khoán Việt Nam thường ảnh hưởng tương quan với chứng khoán toàn cầu.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá khiến đồng USD có xu hướng tăng mạnh lên, tăng áp lực điều hành tỷ giá cho ngân hàng nhà nước. Nếu không ổn định được tỷ giá và giữ niềm tin cho nhà đầu tư vào đồng nội tệ thì sẽ dẫn đến hệ quả là dòng vốn bị rút ròng và lạm phát nhập khẩu bị gia tăng, gây áp lực lên lạm phát trong nước.

"Với vị thế là nền kinh tế hàng đầu thế giới, nếu Fed thắt chặt chính sách quá nhanh sẽ dẫn đến những ảnh hưởng lan tỏa đến nền kinh tế khác. Trong bối cảnh Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, diễn biến trên cũng khiến tăng trưởng nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng", ông Trần Đức Anh đánh giá.

Theo chuyên gia KBSV, trong phiên hôm nay thị trường chứng khoán trong nước sẽ điều chỉnh khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi thông tin Fed tăng lãi suất. Trong thời gian tới kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 khởi sắc sẽ là điểm tựa để thị trường hồi phục.

Còn theo ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV, nhìn chung động thái Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến chứng khoán toàn cầu, khi lãi suất tăng lên, định giá tài sản tài chính sẽ đi xuống.

"Về mặt định giá, việc Fed quyết định nâng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp ở mức 0,75% có thể khiến chứng khoán Mỹ giảm 3%, còn với thị trường Việt Nam sự biến động còn phụ thuộc vào mức độ tương quan", ông Trần Thăng Long nói.

Về phần mình, ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổng giám đốc CTCP Tư vấn Đầu tư S-Talk cho rằng, trong ngắn hạn, chứng khoán Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất nhỏ trước động thái của Fed. Còn về trung và dài hạn phải xét thêm nhiều yếu tố.

Một là, vĩ mô Việt Nam hiện nay tương đối sáng sủa khi lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ giá chưa quá nóng và lãi suất chỉ tăng cục bộ.

Hai là, thế giới trong đó nổi bật là Mỹ dù đang gặp phải những thách thức về nhiều vấn đề, trong đó có việc duy trì lãi suất cao, tuy nhiên đây không còn là vấn đề mới làm bất ngờ giới đầu tư. Đồng USD sau thời gian tăng kỷ lục đang có dấu hiệu đi xuống. Chỉ số mang tính định hướng toàn cầu DJ dù đang trong giai đoạn điều chỉnh, nhưng cũng đang cận kề vùng hỗ trợ đáy.

Ba là, về mặt định giá chứng khoán Việt Nam đang ở mức rẻ nhất trong vòng 5 năm khi có P/E trung bình toàn thị trường khoảng 13. Với sự tăng trưởng lợi nhuận của nhiều nhóm ngành, đặc biệt dòng ngân hàng khoảng 25% trong năm 2022 sẽ đưa chỉ số P/E forward về mức 10.

Cuối cùng, dòng tiền yếu thể hiện lực cầu không đủ mạnh, nhưng ở khía cạnh khác lại không đủ hàng để "đạp sâu". Bối cảnh hiện tại khác hẳn thời VN-Index lập đỉnh 1.536 và xuống dốc không phanh. Lúc đó thanh khoản cao cũng là "con dao 2 lưỡi" trong trường hợp tâm lý bán tháo xảy ra.

"Tóm lại Fed đã đưa ra thông điệp đa chiều. Việc tin và lập luận như thế nào sẽ ảnh hưởng quyết định đầu tư của mỗi người", ông Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh.

Trong các báo cáo mới đây, phần lớn các công ty chứng khoán cũng đưa ra góc nhìn thận trọng trước động thái của Fed.

Cụ thể, Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường sẽ tiếp tục giằng co và biến động mạnh do ảnh hưởng từ cuộc họp của Fed. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của thị trường chung vẫn ở mức cao cho nên áp lực giảm vẫn còn rất lớn, nhưng mức 1.200 điểm của chỉ số VN-Index là mức hỗ trợ mạnh. Ở kịch bản tích cực, nếu chỉ số chính tiếp tục biến động trong vùng 1.200–1.213 điểm thì rủi ro ngắn hạn có thể sẽ giảm dần. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa cải thiện.

Tương tự, TPS nhận định VN-Index sẽ tiếp tục biến động giằng co trên ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.200 điểm và vẫn chưa thể bứt phá khỏi đây. Cùng với đó, việc thanh khoản một lần nữa sụt giảm và rơi về mức thấp nhất trong năm nay chứng tỏ sự thận trọng của nhà đầu tư trước cuộc họp của Fed. Điều này cho thấy rủi ro của thị trường vẫn đang ở mức cao.

Trong khi đó, TVSI đánh giá hiện tại, tương quan giữa lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro vẫn chưa đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư ngắn hạn nên dù lạc quan về triển vọng thị trường sau quyết định của Fed, TVSI vẫn khuyên nhà đầu tư ngắn hạn nên kiên nhẫn thêm.

Tương tự, theo SGI Capital, giai đoạn tháng 9 và 10/2022 có thể sẽ là bài thử mạnh với thị trường chứng khoán trước rủi ro đến từ thị trường tài chính toàn cầu khi Fed tăng tốc hút tiền. Tuy nhiên, SGI Capital cho rằng giai đoạn áp lực tỷ giá và lãi suất căng thẳng và bất ngờ nhất có thể đang dần đi qua. Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa điều hành từ cuối quý 4 khi tốc độ thắt chặt tiền tệ chậm lại trên toàn cầu. Khi đó, thanh khoản thị trường được kỳ vọng sẽ được cải thiện rõ rệt hơn, thị trường sẽ dần ổn định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm