Ngày 7/6, Adam D'Angelo, CEO mạng xã hội hỏi đáp Quora, viết trên Twitter rằng nguyên nhân Nvidia tăng trưởng mạnh là do thị trường đang thiếu bộ xử lý đồ họa (GPU) và chip tăng tốc tính toán và thuật toán AI (TPU).
"Sự thiếu hụt này đang giới hạn khả năng của các hệ thống đào tạo cũng như sản phẩm AI nhưng những điều này không nhìn thấy được. Thay vào đó, những gì chúng ta thấy là giá trị của Nvidia tăng vọt. Nhưng mọi thứ sẽ thay đổi khi cung gặp cầu".
Elon Musk đáp lại: "Đúng vậy. Nhiều chip tăng tốc mạng thần kinh (NN-Chip) khác cũng đang được phát triển. Nvidia sẽ không độc quyền chip đào tạo AI mãi được".
Musk không nêu tên các đối thủ tiềm năng của Nvidia trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo The Street, ông ám chỉ việc tăng trưởng của công ty này chỉ là nhất thời và sẽ sớm có sản phẩm đối thủ với tính năng thu thập, phân loại và xử lý dữ liệu với tốc độ rất nhanh hơn.
Hiện các bộ xử lý đồ họa của Nvidia là thành phần quan trọng và gần như độc quyền về sức mạnh trong hạ tầng của nhiều nền tảng AI tạo sinh, như ChatGPT. Nhờ cơn sốt AI, Nvidia vượt nhiều hãng chip khác để trở thành công ty bán dẫn đầu tiên cán mốc vốn hóa nghìn tỷ USD trên thị trường chứng khoán.
Reuters dẫn lời nhà phân tích Jim Kelleher của Argus Research rằng chính "sự phát cuồng AI" là bệ phóng đưa Nvidia lên đỉnh cao. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu công ty đã tăng hơn 166%. Hai công ty khác trong cùng lĩnh vực là AMD và TSMC cũng đang gặt hái nhiều thành công. Trong khi đó, Intel chưa đạt mức tăng ấn tượng do đứng trước thách thức về hàng tồn kho, định hướng phát triển.
Theo Fortune, quy mô thị trường AI toàn cầu trong năm 2022 đạt 428 tỷ USD, dự kiến đạt 515,31 tỷ USD năm nay và có thể lên 2,02 nghìn tỷ USD năm 2030. Sự tăng trưởng này có được từ việc AI giúp cắt giảm đáng kể chi phí hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra việc làm mới nhưng cũng xóa sổ nhiều công việc hiện có.
(theo The Street)