Sáng 8/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. Trước đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) tranh luận với Bộ trưởng Bộ GTVT về giải pháp giảm chi phí logictics và nâng cao hiệu quả hoạt động.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu
Dẫn ví dụ, số lần cất cánh, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sửa chữa lại ít hơn trước khi sửa, ông Hiếu cho biết: Trước khi sửa, trung bình một giờ sân bay này có thể có từ 44 đến 46 lần cất hạ cánh. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn có 40 đến 42 lần cất hạ cánh trong một giờ.
“Chúng ta bỏ ra mấy nghìn tỷ để nâng cấp đường băng mà số lượng cất, hạ cánh lại giảm đi. Đấy là một sự điều tiết không đúng. Chính vì vậy, tôi nghĩ Bộ trưởng cần phải lưu ý hơn trong việc giảm chi phí logictics cho Việt Nam”, ông Hiếu đề nghị.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định thông tin đại biểu nêu về tần suất hạ cánh ở cảng Tân Sơn Nhất là chính xác. Ông cho biết, do đường cất, hạ cánh Tân Sân Nhất xuống cấp nên năm 2019 đã thực hiện việc nâng cấp. Việc nâng cấp các đường bay đảm bảo mục tiêu cất hạ cánh an toàn, trước đây đường bay ở tiêu chuẩn CAT 1, khi nâng cấp đưa lên CAT 2.
Thông tin thêm, ông Thắng cho biết, khi bay với tần suất 44-46 chuyến thì nhà ga hành khách của Tân Sơn Nhất không đáp ứng được và cả đường kết nối từ nhà ga ra ngoài sân bay cũng không đáp ứng được. Do đó, Cục Hàng không phối hợp với ACV điều chỉnh, đẩy 1 số chuyến ra ngoài giờ vàng để giảm ùn tắc. Việc ùn tắc cũng được giải quyết.
“Sắp tới khi nhà ga T3 hoàn thiện, thì sẽ đẩy tần suất các chuyến bay lên”, ông Thắng thông tin.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
Chi phí logictics đã tiệm cận chỉ tiêu Chính phủ đề ra
Về chi phí logictics, ông Thắng cho hay, theo thông lệ quốc tế thì chi phí logictics được so sánh với chỉ số GDP. Năm 2022, chi phí logictics của Việt Nam là 16,8% GDP, tỷ lệ còn cao so với bình quân chung, nhưng cũng đã tiệm cận được chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra.
Thời gian tới, ông Thắng cho biết Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các giải pháp: Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đầu tư các cảng cạn, trung tâm logistic để đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Lần đầu tiên Việt Nam ban hành 4 quy hoạch về giao thông. Còn quy hoạch về cảng hàng không đã trình Chính phủ. 5 quy hoạch này khi triển khai Bộ GTVT phối hợp với địa phương sẽ kết nối đầu tư. Trong 5 quy hoạch này, lấy quy hoạch hàng hải, các cảng biển làm trung tâm kết nối với đường bộ, đường sắt.
Riêng đường thủy, phải giải quyết câu chuyện "tĩnh không" để thông thoáng luồng thủy nội địa. Phía Bắc khó khăn nhất chính là "tĩnh không" một số cầu, kết nối giữa đường vào cảng thủy.
Ngoài ra rà soát giảm giá các phí vận tải như: Giảm phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng hạ tầng cảng biển... Ứng dụng thông tin cũng đóng vai trò quan trọng để giảm thủ tục, thuận lợi cho các chủ hàng, chủ tàu. Có những cảng biển đã đạt chuẩn trong khu vực như cảng Lạch Huyện, Cái Mép có năng lực xử lý tương đương một số cảng biển lớn trong khu vực của Singapore, Malaysia. Đây là những nỗ lực cố gắng và là trăn trở của Bộ GTVT.
Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp với địa phương trong đầu tư, khai thác hạ tầng tránh dàn trải, gây cạnh tranh không lành mạnh.