Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán VNDirect, nguyên nhân khiến DXY tăng cao là do CPI Mỹ cao hơn dự kiến và dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo khiến kịch bản Fed hạ lãi suất điều hành sớm đẩy lùi.
Mặc dù, lạm phát của Mỹ đã giảm đáng kể so với mức đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022 nhưng biên bản cuộc họp tháng 1 của Fed cho thấy các thành viên FOMC vẫn đang cân nhắc nên duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong bao lâu.
CPI tháng 1 của Mỹ tăng 3,1% so với cùng kỳ, vượt mức dự kiến 2,9%. CPI lõi không đổi ở mức 3,9% so với cùng kỳ, vượt mức dự kiến 3,7%. Trong khi CPI tăng vượt dự báo, PCE lõi tháng 1, thước đo yêu thích của Fed, tăng 2,8% so với cùng kỳ đánh dấu mức tăng svck thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Doanh số bán lẻ của Mỹ giảm 0,8% trong tháng 1, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài hai tháng, thấp hơn mức dự báo là giảm 0,1% của các nhà kinh tế. Số liệu doanh số bán lẻ yếu hơn kỳ vọng khiến thị trường hoài nghi về sức khỏe nền kinh tế, điều này chủ yếu là do thời tiết lạnh giá trên khắp nước Mỹ vào tháng 1, kéo giảm chi tiêu mua sắm sau giai đoạn bùng nổ trong dịp nghỉ lễ.
Trước các dữ liệu kinh tế trái chiều, liệu số liệu tháng vừa qua có phải là yếu tố giúp xoay trục chính sách hay không là một câu hỏi hóc búa mà Fed đang phải đối mặt. Trong biên bản cuộc họp tháng 1 của FOMC đã cho thấy các quan chức Fed sẽ cần xem xét cẩn thận các số liệu sắp tới thay vì chỉ số liệu những tháng đầu năm vốn không thể hiện toàn bộ bức tranh kinh tế.
Từ đó, thị trường bắt đầu đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất muộn hơn vào tháng 6 thay vì tháng 3 hoặc tháng 5 như trước đây. Với cuộc họp FOMC sắp tới vào ngày 19 - 20/3, chỉ có 2,5% khảo sát tin Fed sẽ cắt giảm lãi suất.
Việc nhà đầu tư không còn kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 3 khiến DXY tăng cao hơn trong tháng 2 do CPI của Mỹ cao hơn dự kiến và dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo làm giảm khả năng Fed hạ lãi suất trước tháng 6.
Với Việt Nam, ngoài việc DXY tăng cao còn có giá vàng trong nước tăng mạnh và duy trì mức chênh lệch giá cao so với giá vàng quốc tế cũng gây áp lực lên tỷ giá VND. Do đó, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng lên mức 24.650 vào ngày 29/02/2024. Với mức tăng của tỷ giá, VND đã giảm 0,9% tính từ đầu tháng và giảm 1,6% tính từ đầu năm.
Không chỉ Việt Nam, hầu hết các quốc gia đều có đồng tiền mất giá so với USD. Trong đó, Nhân dân tệ Trung Quốc đã mất giá khoảng 1,2% so với đầu năm và là đồng tiền mất giá ít hơn so với VND.
Còn lại các đồng tiền khác trong khu vực đều mất giá nhiều hơn VND như: Rupiah Indonesia, mất giá 2,1% tính từ đầu năm, Ringgit Malaysia mất giá 3,2% tính từ đầu năm và Thai Bath mất giá 4,8% tính từ đầu năm.
Các chuyên gia từ VNDirect đánh giá VND vẫn nằm trong số những đồng tiền ổn định nhất khu vực nhờ 4 nguyên nhân.
Thứ nhất, thặng dư thương mại cao của Việt Nam vẫn ở mức cao, trong năm 2023 là 28,3 tỷ USD và hai tháng đầu năm nay tuy có giảm những vẫn xuất siêu 4,2 tỷ USD.
Hai là, cán cân thanh toán cao, năm 2023 đạt xấp xỉ 5 - 6% GDP.
Thứ ba, vốn FDI giải ngân mạnh, trong năm 2023 đạt 23,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước và trong hai tháng đầu năm cũng tăng trưởng mạnh. Trong tháng 2, vốn FDI thực hiện tăng133,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia dự báo vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh vĩ mô của Việt Nam. Vốn FDI đăng ký tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhờ số lượng dự án mới tăng nhanh. Dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục ổn định nhờ việc Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt, ổn định kinh tế vĩ mô và có nhiều chính sách hỗ trợ thu hút dòng vốn đầu tư.
Và cuối cùng là dòng kiều hối ổn định, năm 2023 đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.