Thị trường chứng khoán diễn biến giằng co trong tuần qua với các phiên tăng giảm đan xen. Từ mức đóng cửa 1.258 của tuần trước, VN-Index đã vươn lên chạm mốc cao nhất trong tuần tại 1.278 trong phiên ngày 6/3.
Áp lực bán vùng 1.270 – 1.280 đã đẩy lùi nỗ lực tăng điểm của tuần và VN-Index trong phiên cuối tuần (8/3) giảm mạnh 21,11 điểm, tương đương 1,7% để chốt tuần tại 1.247,35 điểm. So với tuần trước, chỉ số đã giảm 10,93 điểm, tương ứng với mất 0,83%.
Giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường ở mức 28.052 tỷ đồng, tăng 16,1% so với tuần trước và 44,1% so với trung bình 5 tuần gần đây. Đây cũng là tuần giá trị bình quân phiên ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 4/2022.
Sau nhiều tuần “gồng gánh chỉ số”, cổ phiếu ngân hàng trong tuần này đã trở thành “tội đồ” của VN-Index khi 3 mã lớn là BID, VCB và CTG nằm trong nhóm 4 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index trong tuần, tổng mức tác động của 3 mã này lên chỉ số là 6,4 điểm. Bên cạnh đó, VHM xếp vị trí thứ 3 khi lấy đi 1,49 điểm của chỉ số.
Bên chiều tăng điểm, MSN vươn lên dẫn đầu với mức đóng góp 2,91 điểm. Xếp ngay phía sau là BCM, GAS, DGC.
Trong tuần vừa qua, NĐT nước ngoài chuyển hướng bán ròng 976 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 1.051 tỷ đồng. Trong đó, chứng chỉ quỹ VN-Diamond (FUEVFVND) bị rút ròng mạnh nhất với 517 tỷ đồng.
Đối với giao dịch cổ phiếu, VHM bị NĐT nước ngoài bán ròng với 515 tỷ đồng. Dưới áp lực đó, mã này có nhịp giảm gần 3,2% xuống 42.550 đồng/cp. Cùng chiều, khối ngoại cũng rút ròng nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn như VNM (315 tỷ đồng), VCB (141 tỷ đồng), SAB (125 tỷ đồng), VPB (114 tỷ đồng), HPG (110 tỷ đồng), TPB (81 tỷ đồng) và VIC (80 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MBB dẫn đầu danh mục Top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 429 tỷ đồng trong tuần.
Vừa qua, MBBank đã tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư để chia sẻ về kết quả kinh doanh và động lực tăng trưởng năm 2024. Ông Lưu Hoài Sơn, Giám đốc Ban Kế hoạch & Marketing MB, cho biết trong năm 2024 MB kỳ vọng sẽ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức 16% được giao. Trên cơ sở đó, lợi nhuận ước đạt hơn 28.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước với số lượng khách hàng là 30 triệu.
Tương tự, NĐT ngoại cũng mua ròng FPT (282 tỷ đồng), KBC (244 tỷ đồng), KDH (213 tỷ đồng), MWG (188 tỷ đồng), NLG (182 tỷ đồng), VIX (176 tỷ đồng), DGC (172 tỷ đồng), STB (142 tỷ đồng), VRE (126 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 3/5 phiên trong tuần qua với tổng quy mô gần 37 tỷ đồng, tương đương với khối lượng hơn 2,7 triệu đơn vị.
Trong đó, nhóm này rót ròng gần 114,3 tỷ đồng gom cổ phiếu SHS của Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội. Cùng chiều, IDC cũng được mua ròng với quy mô 28,7 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của TNG, DHT, HUT ... với giá trị thấp hơn.
Trong đó, khối ngoại tập trung bán ròng 68,8 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS, theo sau là 34,4 tỷ đồng mã CEO. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như MBS, HVT, NRC ... với giá trị 5 - 21 tỷ đồng.
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 2/5 phiên trong tuần. Tổng cộng, họ bán ròng gần 19,8 tỷ đồng, nhưng mua ròng với khối lượng 260.280 đơn vị.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất 14,7 tỷ đồng ở cổ phiếu MCH của Hàng tiêu dùng Masan. Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu ACV (11,6 tỷ đồng), BSR (4,9 tỷ đồng), VGI (4,8 tỷ đồng), MPC (3 tỷ đồng) …
Ở phía đối diện, cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tiếp tục dẫn đầu với quy mô 12,1 tỷ đồng. Kế tiếp, nhà đầu tư nước ngoài cũng gom ròng 3,4 tỷ đồng mã VGG và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như SGP, QNS và GHC.