DRC&CSM&SRC:
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, lốp xe là sản phẩm cao su xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu lốp xe ước tính đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021 và chiếm 52,5% tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm cao su.
Mặc dù Việt Nam có giá trị xuất khẩu lớn về lốp xe, tuy nhiên vẫn cần phải nhập khẩu nhiều loại lốp mà trong nước chưa thể sản xuất được. Trong “thế trận” ngành sản xuất lốp xe ô tô Việt Nam, doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn với các tên tuổi như Brigdestone (Nhật Bản), Kumho Tire (Hàn Quốc), Michelin (Pháp)…
Trong đó, Kumho Tire được biết đến là công ty nước ngoài đầu tiên đặt nhà máy sản xuất lốp xe tại Việt Nam với vốn đầu tư 126 triệu USD vào năm 2006. Đến đầu năm 2008, nhà máy đi vào hoạt động. Nhà máy hiện có năng suất sản xuất là 3,15 triệu chiếc lốp/năm, sản phẩm được phân phối rộng rãi tại 160 quốc gia trên toàn thế giới. Kumho Việt Nam chiếm tới 40% tổng sản lượng lốp ô tô xuất khẩu của Việt Nam.
Kumho Tire là thành viên của Kumho Asiana - tập đoàn lớn thứ 7 tại Hàn Quốc với gần 40 công ty con, đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993. Hiện tại, Tập đoàn này đã có tới 7 công ty thành viên đang hoạt động tại Việt Nam.
Tiên phong khai thác thị trường sản xuất lốp ô tô Việt Nam, Kumho Tire hiện đang dẫn đầu về doanh số với hơn 5.000 tỷ đồng trong năm 2022 , tăng đến 60% so với năm 2021, theo dữ liệu của Vietdata. Lợi nhuận năm này của Kumho Tire cũng tăng mạnh 70% lên 200 tỷ đồng, song vẫn thua một công ty nội địa của Việt Nam – chính là Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC). Năm 2022, DRC thu về hơn 307 tỷ lợi nhuận ròng, tăng nhẹ so với năm ngoái. Về doanh thu, Công ty Việt Nam này cũng đang đứng Top 2 với hơn 5.100 tỷ đồng.
DRC đã có hơn 47 năm phát triển từ khi bắt đầu như một nhà máy đắp vỏ xe cho quân đội Mỹ. DRC hiện là nhà sản xuất lớn nhất Việt Nam về lốp ô tô tải và ô tô khách, cũng như là nhà sản xuất hàng đầu Đông Nam Á về lốp ô tô đặc chủng và chuyên dùng. Tại Việt Nam, DRC có quy mô 2.000 đại lý cấp 1 và cấp 2 tại 63 tỉnh thành, là đối tác của các doanh lớn như Ôtô Trường Hải, Huyndai, Ô tô Xuân Kiên…
Một công ty nội địa khác trong nước cũng “góp mặt” trong câu lạc bộ doanh thu ngàn tỷ còn có Cao su Sao Vàng (mã chứng khoán SRC), Công ty được thành lập vào năm 1960 tại Hà Nội, là một trong ba công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất săm lốp tại Việt Nam. Hiện, SRC chiếm lĩnh thị trường miền Bắc, trong khi CSM nổi tiếng ở miền Nam và DRC tập trung ở miền Trung. SRC sản xuất và cung cấp các loại lốp ô tô tải thương mại, bao gồm ô tô tải nhẹ, ô tô tải trung và ô tô tải nặng. Các sản phẩm của SRC có thể bao gồm lốp radial, lốp track và lốp thường, với nhiều kích cỡ và mẫu mã khác nhau.
Ngược với những đơn vị kể trên, tình hình kinh doanh của SRC giảm sút trong giai đoạn 2020-2022. Năm 2022, doanh thu thuần của SRC tiếp đà giảm về 960 tỷ, lợi nhuận cũng giảm từ 40 tỷ còn 30 tỷ đồng.