Cơ quan Giám sát Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết nhiệt độ trung bình tại 48 bang thuộc lục địa nước này trong giai đoạn từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024 là 3,1 độ C - mức nhiệt cao kỷ lục kể từ năm 1890.
Nhiệt độ này cao hơn 3 độ C so với nền nhiệt trung bình của Mỹ trong thế kỷ 20. Mùa Đông ấm thứ hai tại Mỹ đến vào năm 2016, với nhiệt độ trung bình là 2,67 độ C, trong khi mùa Đông lạnh nhất được ghi nhận vào năm 1979, với mức nhiệt trung bình -3 độ C.
Thời tiết ấm áp kéo dài.đã khiến độ bao phủ băng trên khắp vùng Hồ Lớn ở phía Bắc nước Mỹ giảm dần và đạt mức thấp lịch sử là 2,7% vào ngày 11/2 vừa qua - thời điểm mà độ bao phủ băng thường đạt đỉnh.
Theo thống kê, năm trong số 10 mùa đông ấm nhất được ghi nhận ở Mỹ đã xảy ra trong 20 năm qua khi mùa đông trở thành mùa ấm lên nhanh nhất trên gần 75% diện tích đất nước.
Hầu hết các bang của nước Mỹ đều trải qua một mùa đông ấm áp (màu đỏ thể hiện mức độ ấm kỷ lục) - Ảnh: CNN
Nắng nóng kéo dài suốt tháng 2 vừa qua tại Mỹ. Dữ liệu cho thấy nhiệt độ trung bình tại lục địa Mỹ, không bao gồm Hawaii, Alaska và các vùng lãnh thổ ngoài khơi, là 5,06 độ C trong tháng này - và là tháng 2 ấm thứ ba trong lịch sử khu vực này.
Tám bang đã trải qua mùa đông ấm áp kỷ lục bao gồm: North Dakota, Minnesota, Iowa, Wisconsin, Michigan, New York, Vermont và New Hampshire.
Tháng 2 vừa qua cũng là tháng khô hạn nghiêm trọng thứ ba trong lịch sử nước Mỹ. Mặc dù vậy, trong khi một số vùng trải qua hạn hán, các hình thái khí hậu bất thường lại mang mưa lớn và tuyết đến nhiều vùng ở miền Tây, gây ra gió mạnh, lũ lụt, lở đất và mất điện ở nhiều khu vực thuộc bang California.
Năm 2023, tại Mỹ, hàng loạt kỷ lục thời tiết khắc nghiệt đã bị phá vỡ. Điển hình như khu vực phía Nam và Tây Nam nước Mỹ phải chống chọi với đợt nắng nóng dai dẳng và gay gắt. Trong 20 ngày liên tiếp, nhiệt độ tại thành phố Phoenix, bang Arizona cao từ 43,3 độ C trở lên. Người mắc bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng nằm chật kín các khoa cấp cứu.