1. Biết cách lắng nghe
Dale Carnegie từng nói: “Nếu bạn hy vọng trở thành một người giỏi nói chuyện thì trước tiên hãy là một người biết chú ý lắng nghe”. Ngạn ngữ phương Tây cũng có câu: “Dùng thời gian 10 giây để nói, dùng thời gian 10 phút để nghe”. Điều đó chứng minh rằng, trong giao tiếp giữa người với người thì “nghe” và biết lắng nghe giữ một vị trí vô cùng quan trọng.
Người thành công, chắc chắn trước hết phải là một người biết lắng nghe.
Bởi, bạn, tôi, tất cả chúng ta đều có hàng tá vấn đề muốn được chia sẻ, ai cũng thích được bộc lộ quan điểm, được nói lên tiếng nói, suy nghĩ của mình. Chuyện bạn nên làm là ngồi im một chỗ và lắng nghe. Tin tôi đi, vài ba câu chuyện nhỏ cũng có thể hé mở về suy niệm sống của một người. Và biết đâu, bạn sẽ học hỏi, tiếp thu được nhiều điều thú vị, hay ho từ thái độ biết lắng nghe, học hỏi của mình. Chắc chắn không đi đâu mà thiệt!
2. Tôn trọng và đừng áp đặt suy nghĩ của mình vào người khác
Tôn trọng không phân biệt giàu nghèo, hèn kém. Đừng cho là mình có địa vị, có học thức hay mình xinh, mình nhiều tiền mà coi khinh người khác. Điều đó chỉ thể hiện bạn là kẻ "rỗng não" mà thôi, không sớm thì muộn đồng đội chiến hữu hay ngay cả người thân cũng rời xa bạn.
Đừng quyết định thay cho đối phương. Mỗi người có những lí lẽ riêng, ta không ở trong vị trí của họ nên mọi sự ta đâu rõ hết. Không chung quan điểm thì không tranh cãi, tôn trọng và im lặng. Thế là đủ!
3. Giá trị của lời khen
Những người thành công biết dùng nụ cười, lời khen biểu lộ sự thân thiết để khuyến khích, khẳng định giá trị của người khác và rất ít khi nói những câu chán nản. Biêt cách khen ngợi, phát huy sức mạnh của lời khen ngợi đúng lúc và chân tình chính là thể hiện sự tôn trọng người khác một cách tinh tế nhất. Biết cách đưa ra lời khen chân tình là kỹ năng giao tiếp cần thiết mà ai cũng cần. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rõ khen ngợi và tâng bốc, kẻo bạn tự biến mình trở thành một kẻ xu nịnh vô lối.
Ai cũng có một điểm mạnh gì đó để bạn có thể khen ngợi. Một mái tóc, một khuôn mặt, một chiếc áo, quần mới cho tới tính cách, hành động của người đó. Những lời khen sẽ giúp đối phương thoải mái trước bạn hơn. Hãy sử dụng và tận dụng lời khen đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng thời điểm.. một cách chân thành và thông minh.
4. Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát
Tiền là thứ không thể thiếu trong xã hội ngày nay. Tiền cũng là thứ mà nhờ nó, chúng ta có thể nhìn thấu người cạnh mình. Khi mượn tiền, người ta có thể nhìn thấu lòng người; khi trả tiền, người ta có thể nhìn thấu nhân phẩm.
Tiền đi kèm với bạc, cho nên vấn đề then chốt khi gắn với chữ Tiền là một thái độ rõ ràng, minh bạch nong cần rõ ràng. Tiền của bạn thân thì hoạch định: tiền tiết kiệm, tiền đầu tư... Hạn chế cho vay mượn tiền, nhất là những kiểu người mập mờ, hay hứa hẹn. Bản thân mình càng không nên vay mượn. Nợ ai, thiếu ai nhất quyết phải trả sòng phẳng, đàng hoàng. Đừng vì đồng tiền mà đánh mất chữ Tín. Người xưa nói "Một lần bất tín, vạn lần bất tin", không chệch chút nào.
Ái tình vốn rối ren, nên trong bất cứ mối quan hệ nào cũng cần rõ ràng, tránh dây dưa gây đau khổ cho mình và cho cả đối phương. Thứ tổn hại cuối cùng chính là hòa khí và thời gian của cả đôi bên.
5. Đối đãi chân thành
Người ta cho rằng một sự thật xấu xí còn hơn một điều dối trá tốt đẹp. Người có lối sống chân thành bao giờ cũng tạo một sức hấp dẫn với người khác, bởi bản chất con người là luôn hướng về sự thật, về chân lý.
Người chân thành luôn có sức mạnh tạo ra sự tin cậy quanh họ, là chỗ dựa tinh thần ấm áp của bạn bè và người thân. Sống bên những người chân thành ta cảm thấy yên tâm, thanh thản vì không phải đề phòng hay dò xét, dè dặt, hoài nghi, sợ bị trở mặt hay gặp sự thật phũ phàng, đen tối.
Đối xử chân thành không phải chỉ được thể hiện trong lời nói mà nó phải được bắt rễ sâu xa từ trong một tấm lòng chân thành, với tình cảm thực sự thì mới có sức thuyết phục người khác. Mọi sự chân thành đều phải được thể hiện trong sự tế nhị, tôn trọng, đôn hậu và có văn hóa , nếu không sự chân thành cũng dễ trở thành thô thiển và khó chấp nhận. Hãy phân biệt sự khác nhau giữa khôn ngoan thực sự với sự tinh khôn hoặc khôn ranh, những kẻ chỉ ''khôn" để cầu lợi.
Hãy nhớ, sự chân thành bao giờ cũng là điều được mọi người ưa chuộng nhất trong cuộc sống. Chân thành chính là đỉnh cao ứng xử, là sự khôn ngoan cao cấp mà mỗi chúng ta nên học hỏi và ứng dụng.
6. Nói chuyện hài hước
Một cuộc điều tra ở Mỹ cho thấy, những nhà quản lý sau khi tham gia một kháo đào tạo sự hài hước hiệu suất công việc cao hơn 15% so với 9 tháng trước đó. Điều đó cho thấy, người có tính hài hước bước đến thành công nhanh hơn!
- Người có thành tích trắc nghiệm tính hài hước tương đối cao, thường có điểm số IQ cao, còn người có tính hài hước bình thường, đôi khi thiếu khả năng ứng biến linh hoạt.
- Người có tính hài hước thường có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người trong cuộc sống thường ngày, bởi họ có khả năng rút ngắn khoảng cách với người khác chỉ trong thời gian ngắn và chiếm được cảm tình cùng sự tín nhiệm.
- Người có tính hài hước luôn duy trì trạng thái lạc quan trong công việc. Theo thống kê, người đạt được thành tựu trong công việc không nhất thiết là người làm việc chăm chỉ, họ thường là người dí dỏm và hiểu người khác.
- Người có tính hài hước luôn lạc quan, tích cực vì vậy họ lợi dụng đặc tính này để giải tỏa mọi áp lực, căng thẳng và phiền muộn mà công việc mang lại. Người thiếu sự dí dỏm âm thầm chấp nhận đau khổ, thậm chí khó thoát khỏi sự gò bó và tăng thêm gánh nặng cho chính mình.
Người hài hước không chỉ vận dụng được trí tuệ, kinh nghiệm phong phú giúp người khác cảm thấy được thư giãn và vui vẻ, hơn nữa còn hòa giải mâu thuẫn và ác ý. Nếu bạn là một người có khả năng gây cười thì bạn đã có ưu thế rất nhiều lần so với những người khác. Nụ cười đưa con người ta sát lại gần nhau hơn, rộng mở hơn. Từ đó, người đối diện cũng dễ tâm sự nên những nỗi lòng. Khi thu phục được lòng người, lấy được hảo cảm của người khác, chính là bước khởi đầu cho thành công của bạn rồi đấy!