Báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm 2023 công bố mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 vẫn đối diện với nhiều thách thức, trong đó đáng chú ý nhất dòng tiền đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán từ cả nhà đầu tư nội và ngoại đều hạn chế hơn.
Vì vậy, VCBS tiếp tục cho rằng nhà đầu tư nên kỳ vọng mức lợi nhuận thấp hơn so với giai đoạn 2020 - 2021 và nên sẵn sàng chốt lời sau thời gian nắm giữ ngắn hơn để tận dụng những nhịp biến động ngắn hạn, tăng giảm đan xen của thị trường.
"Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục duy trì diễn biến zig zag đi lên trong phần còn lại của năm 2023. Cụ thể, chúng tôi tiếp tục giữ nguyên dự báo về mức đỉnh của VN-Index trong năm 2023 là khoảng 1.180 điểm, tương ứng thấp hơn ~22% so với mức đỉnh của năm 2022".
Nhóm phân tích cho rằng một số nhóm ngành đáng chú ý trong thời gian tới là:
Các cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù phần lớn các ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực so với khối doanh nghiệp sản xuất trong nửa đầu năm 2023, sự phân hóa được kỳ vọng sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong nửa sau năm 2023.
VCBS cho rằng những ngân hàng duy trì được chất lượng dư nợ tín dụng tốt, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn chung, sẽ là những lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp hơn nhưng vẫn đem lại mức lợi nhuận có thể chấp nhận được trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.
Đối mặt với sự đảo chiều của chu kỳ ngành cũng như bối cảnh chung còn nhiều thách thức của nền kinh tế, nhóm doanh nghiệp bất động sản đã ghi nhận mặt bằng giá cổ phiếu được chiết khấu mạnh nhất trên thị trường chứng khoán kể từ vùng đỉnh 1.500 điểm của VN-Index.
Nhịp hồi phục của các cổ phiếu thuộc nhóm này trên thị trường chứng khoán kể từ đầu quý II/2023 nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm nay, phần nào phản ánh kỳ vọng của thị trường vào những động thái hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản nói chung từ phía chính phủ.
Tiếp theo, cổ phiếu thuộc các ngành có tính chất “phòng thủ” với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế so với các ngành khác nhiều khả năng cũng sẽ ít chịu tác động tiêu cực trong viễn cảnh các nền kinh tế lớn và cũng là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các cổ phiếu có đặc điểm như vậy thường thuộc nhóm vận tải, công nghệ thông tin & viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước,…
Cuối cùng, nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu với khung thời gian dài cho mục tiêu đầu tư tích sản có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định và có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt so với giá thị trường cổ phiếu cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Đây thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và dùng một tỷ lệ lớn lợi nhuận sau thuế hàng năm để chi trả cổ tức băng tiền mặt.