Sầu riêng rớt giá, nông dân giảm lãi tiền tỉ
Ở các tỉnh miền Tây, cái nôi của sầu riêng VN, nhà vườn hiện đang vào vụ thu hoạch rộ. Năm nay thời tiết khá thuận lợi, năng suất cao, nhưng bà con lại kém vui vì "được mùa lại mất giá". Tất nhiên, mất giá ở đây là giảm so với mức cao trước đây chứ không phải mất giá thua lỗ.
Ông Phan Hoàng Tân, một nhà vườn ở H.Châu Thành (Bến Tre), có 4 ha diện tích trồng sầu riêng mới thu hoạch xong vụ năm nay cách đây 3 - 4 ngày với giá bán xô tại vườn giống Ri6 chỉ 42.000 đồng/kg. Thương lái báo giá còn giảm thêm một vài ngàn đồng mỗi ký trong khi thời điểm đầu tháng có lúc giá lên được 50.000 đồng/kg. Giá sầu riêng từ đầu năm tới nay liên tục phập phồng ở mức thấp vì hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, hàng ùn ứ nhiều ở cửa khẩu do hoạt động thông quan chậm. Mỗi đợt hàng ùn nhiều, giá lại giảm.

Giá sầu riêng Ri6 tại chợ đầu mối Thủ Đức phổ biến từ 70.000 - 90.000 đồng/kg
ẢNH: Chí Nhân
"Năm ngoái vào cao điểm thu hoạch rộ giá tệ lắm cũng được 85.000 đồng/kg, vào đầu vụ từ 100.000 - 115.000 đồng/kg. Nếu tính giá bình quân thì hiện nay chỉ còn một nửa so với cùng kỳ năm trước. Một ha sầu riêng ở đây năng suất trung bình cũng 20 tấn. Một ký sầu riêng mất 30.000 - 40.000 đồng; tính ra một ha ít nhất nhà vườn cũng mất từ 600.000 - 800.000 triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng nếu đạt năng suất. Hy vọng cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp để thúc đẩy ngành này sớm tăng trưởng trở lại", ông Tân chia sẻ.
Theo khảo sát của Thanh Niên, giá sầu riêng Ri6 mua xô tại các đại lý dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, với hàng đạt chuẩn xuất khẩu tại các doanh nghiệp vẫn duy trì mức cao từ 120.000 - 140.000 đồng/kg. Sầu riêng Thái giá xô từ 65.000 - 80.000 đồng/kg, hàng đạt chuẩn xuất khẩu từ 150.000 - 160.000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM), sầu riêng Ri6 giá phổ biến từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, còn ở chợ lẻ và siêu thị, giá vẫn duy trì mức cao từ 110.000 - 130.000 đồng/kg mà nhiều người bán hàng thường giải thích nguyên nhân giá cao vì là "sầu riêng sạch, nhà trồng".
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT) cho biết: Trong 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu rau quả gặp khó khăn và đến hết tháng 4 này mới đạt 1,6 tỉ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do mặt hàng chủ lực sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó.
Để đưa ngành hàng tỉ USD này trở lại vị thế trước đây, theo ông Nguyên, cần giải quyết 2 vấn đề. Thứ nhất là tồn dư cadimi. Hiện nay, bà con nông dân và doanh nghiệp cũng đang nỗ lực giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, cần phải tích cực hơn nữa và có sự phối hợp giữa các bên liên quan từ nhà vườn tới doanh nghiệp và chính quyền, đặc biệt là các cơ quan quản lý trực tiếp. Thứ hai, theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nay quá trình thông quan hàng hóa ở phía Trung Quốc còn chậm khiến tình trạng ùn ứ nhiều. Do vậy, về mặt quản lý nhà nước cần tiếp tục đàm phán để phía Trung Quốc tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất nhằm rút ngắn thời gian thông quan, hỗ trợ xuất khẩu. Chúng ta cần nhanh chóng giải quyết khó khăn này để chuẩn bị cho vụ sầu riêng ở các tỉnh miền Đông vào tháng 6 và các tỉnh Tây nguyên vào tháng 8.
Những "ngôi sao mới" tiềm năng
Trong khi xuất khẩu sầu riêng gặp khó thì xuất khẩu thanh long đang quay trở lại. Tại "thủ phủ" thanh long Bình Thuận, bà Nguyễn Hoàng Thư Hương, Phó giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ ở H.Hàm Thuận Bắc, cho biết: Ở vùng này chủ yếu trồng thanh long ruột trắng, giá trung bình ở địa phương từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với thời điểm bình thường. Riêng hàng ở HTX Hòa Lệ đạt chuẩn xuất khẩu vào Nhật Bản có giá tới 25.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, HTX cũng xuất hàng sang các thị trường như Hàn Quốc, Ấn Độ.
"Từ đầu năm đến nay, sản lượng xuất khẩu tăng khoảng 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thanh long tăng vì xuất khẩu thuận lợi. Ngoài ra, mấy năm gần đây nhiều người giảm diện tích nên sản lượng giảm", bà Hương cho biết.
Bà con trồng thanh long ruột đỏ tại các tỉnh miền Tây cũng phấn khởi nhờ giá cao. Ông Dương Phát Trung, nhà vườn ở xã Đồng Sơn (Gò Công Tây, Tiền Giang), so sánh: Năm ngoái mùa này giá chỉ có 15.000 - 16.000 đồng/kg, năm nay vào vụ thu hoạch rộ giá lên tới 22.000 - 23.000 đồng/kg; hiện nay tiếp tục tăng lên 25.000 - 26.000 đồng/kg, thậm chí mới đây còn có người bán được tới 27.000 đồng/kg. "Nhờ vậy nhiều nhà vườn giải quyết được nợ nần từ năm ngoái do thanh long rớt giá. Hiện nay, số người trồng thanh long đã giảm nên hy vọng vụ chong đèn sắp tới sẽ tiếp tục được giá", ông Trung lạc quan.

Xuất khẩu dừa đang tăng trưởng mạnh và dự báo tiếp tục lạc quan
ẢNH: Công Hân
Ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ xuất khẩu thanh long và chuối những tháng đầu năm thuận lợi do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc vào mùa đông, nguồn hàng không có nên phải tăng nhập từ VN. Hiện nay, mùa đông - xuân sắp kết thúc và chuyển sang hè, khả năng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu và giá cả nên có thể sẽ giảm trở lại. Tuy nhiên, vào mùa hè, VN lại có lợi thế khác là mặt hàng dừa tươi xuất khẩu, đang có triển vọng tốt không chỉ ở Trung Quốc mà cả thị trường Mỹ. Năm 2024, xuất khẩu dừa có tốc độ tăng trưởng tới 75% so với năm 2023 và giá trị đạt 160 triệu USD, cũng như tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý 1/2025.
Tại thị trường Mỹ, dừa tươi là mặt hàng dẫn đầu trong danh sách các mặt hàng rau quả. "Sản phẩm này có nhiều lợi thế như vận chuyển dễ, thời gian bảo quản dài, mùi thơm và vị ngọt đặc trưng. Bên cạnh dừa tươi, nhiều sản phẩm chế biến khác từ dừa như cơm dừa, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, lon… được người Mỹ cũng như nhiều thị trường ưa chuộng. Ngoài dừa tươi, trong năm 2024 các sản phẩm khác như xoài đạt 250 triệu USD tăng 44% và chuối đạt 285 triệu USD tăng 20%; những sản phẩm này cũng đang tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2025", ông Nguyên nhận định.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa VN, giải thích: Năm nay dừa mất mùa nên sản lượng ít, ngược lại nhu cầu tiêu thụ rất cao cả nội địa và xuất khẩu. Không chỉ dừa tươi mà nhu cầu dừa khô nguyên liệu để chế biến cũng tăng. Hiện tại, giá dừa tươi tại vườn ở một số tỉnh trọng điểm như Bến Tre, Vĩnh Long khoảng 180.000 đồng/chục, còn các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu là 120.000 đồng/kg. Theo thông tin từ doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, tuần nào cũng có đơn hàng mới từ phía thị trường Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Xuất khẩu dừa đang đóng góp tích cực vào tỷ trọng của ngành rau quả VN.
Thời gian gần đây, Thái Lan chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ dừa khô sang dừa tươi nên thiếu hụt nguồn nguyên liệu và tăng nhập khẩu dừa nguyên liệu từ VN khiến nguồn cung đang hạn chế lại càng thêm khan hiếm. Việc này một mặt kéo giá dừa tăng cao, một mặt cũng khiến các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ dừa nội địa gặp khó khăn vì vừa thiếu nguyên liệu và giá cả tăng cao. Tuy nhiên, nhìn chung, ngành sản xuất, xuất khẩu dừa đang thuận lợi.
Ông Cao Bá Đăng Khoa (Tổng thư ký Hiệp hội Dừa VN)