Dinh dưỡng

Dấu hiệu cảnh báo rối loạn nội tiết tố

Tóm tắt:
  • Mất cân bằng hormone có thể gây ra nhiều triệu chứng như đi tiểu nhiều, mắt lồi, da khô.
  • Rối loạn hormone tuyến giáp có thể dẫn đến táo bón hoặc đi ngoài liên tục.
  • Bệnh Graves gây lồi mắt do hệ miễn dịch tấn công tuyến giáp.
  • Triệu chứng suy giáp bao gồm tóc mỏng, hay quên và da khô.
  • Nghi ngờ về sức khỏe cần được bác sĩ xem xét và thực hiện xét nghiệm.

Hormone (nội tiết tố) đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của cơ thể. Đây là chất truyền tín hóa học trong máu, thuộc hệ thống nội tiết, kiểm soát nhiều chức năng quan trọng như nước tiểu, tốc độ mọc tóc... Khi hệ thống nội tiết tố rối loạn, cơ thể xuất hiện một số triệu chứng cảnh báo.

Đi ngoài nhiều hơn hoặc ít hơn

Đột ngột táo bón hoặc đi ngoài liên tục có thể liên quan đến bệnh suy giáp (không đủ hormone tuyến giáp) hoặc cường giáp (quá nhiều). Hormone tuyến giáp có thể khiến các cơ quan hoạt động nhanh hơn (cường giáp) hoặc chậm hơn (suy giáp) khi chúng gặp vấn đề. Vì thế, chức năng tiêu hóa cũng có thể bị ảnh hưởng ít nhiều.

Mắt lồi, trông to hơn

Mắt trông to hơn hoặc cảm giác như đang nhìn chằm chằm cũng có thể là dấu hiệu của dạng cường giáp phổ biến gọi là Graves. Lồi mắt do bệnh Graves xảy ra khi hệ thống miễn dịch tự tấn công tuyến giáp gây tiết ra quá nhiều hormone dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Bệnh cũng khiến các mô phía sau mắt bị viêm, nhãn cầu đẩy về phía trước, khó thấy mí mắt trên do mắt to.

Tóc mỏng

Mái tóc trở nên thô hoặc ít hơn cũng có khả năng là dấu hiệu cảnh báo của bệnh suy giáp. Hormone tuyến giáp chịu trách nhiệm cho sự phát triển của tóc, khi xảy ra rối loạn sẽ ảnh hưởng đến số lượng, độ ẩm tóc.

Hay quên

Sương mù não là triệu chứng thường gặp của bệnh suy giáp song trí nhớ ngắn hạn hoặc kém cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo. Nồng độ hormone tuyến giáp kiểm soát quá trình trao đổi chất của não. Vì vậy, khi hormone suy giảm, chức năng não cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Da khô, móng dễ gãy

Da khô, bong tróc hay móng tay gãy cũng có thể là dấu hiệu của bệnh suy giáp. Khi cơ thể ít hormone tuyến giáp, quá trình trao đổi chất cũng chậm lại, sản xuất ít dầu hơn để giữ ẩm cho da, tóc.

Nhiễm nấm men

Bệnh nhiễm nấm men có thể liên quan đến bệnh tiểu đường, làm rối loạn nồng độ hormone insulin. Bệnh tiểu đường làm tăng lượng đường trong máu và loại nấm men gây ra những bệnh nhiễm trùng rất thích đường.

Đi tiểu liên tục

Thói quen này có khả năng liên quan đến bệnh tiểu đường vì lượng đường trong máu cao làm suy giảm hoạt động của tuyến tụy. Lúc này, thận phải làm việc quá sức để đào thải lượng đường dư thừa, khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên hơn.

Chảy máu nướu

Chảy máu nướu thường xuyên có thể là do mang thai. Nồng độ progesterone tăng đột ngột sau thụ thai cũng làm tăng lưu lượng máu, khiến cơ thể giữ nước ở nhiều bộ phận, bao gồm cả nướu, khiến nướu sưng lên, dễ chảy máu hơn. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, khám nha khoa thường để kiểm soát bệnh nướu răng.

Da xuất hiện các đốm đen

Các mảng da sẫm màu (nám da) trên má, ngực và các nơi khác thường là tác dụng phụ của việc tăng estrogen trong cơ thể khi mang thai. Estrogen tăng cao có thể kích thích sản xuất sắc tố melanin của da.

Những thay đổi trên của cơ thể có thể diễn tiến trong thời gian ngắn, do nhiều nguyên nhân gây ra. Song tình trạng dai dẳng, bất thường có khả năng là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe. Lúc này, người bệnh nên đi khám để bác sĩ xem xét và chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết.

(Theo Prevention)

Các tin khác

Hệ tiêu hóa ảnh hưởng đề kháng thế nào?

TS.BS Phạm Lê Duy, Giảng viên bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hệ tiêu hóa khỏe góp phần xây dựng hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus cúm.