Tài chính

ĐHĐCĐ Sacombank: Hé lộ khoản lãi treo hơn 57.600 tỷ từ vụ Trầm Bê, khẳng định không có nhu cầu mua lại chứng khoán SBS

Tóm tắt:
  • Sacombank chờ phê duyệt của NHNN xử lý cổ phiếu Trầm Bê trong Đề án tái cơ cấu.
  • Ngân hàng đã thu hồi gần 10.000 tỷ nợ xấu trong năm 2024, giảm tồn đọng còn 2,4%.
  • Nợ nhóm 5 tăng gấp đôi do chuyển từ các nhóm thấp, mục tiêu duy trì dưới 2%.
  • Sacombank dự kiến tăng trưởng tổng tài sản 10%, huy động vốn 9% năm 2025.
  • Ngân hàng dự tính mua cổ phần công ty chứng khoán tối đa 1.500 tỷ, sau đó xin ý kiến NHNN.

Hơn 1.000 cổ đông tham dự đại hội

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, Mã: STB) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào sáng ngày 25/4. Chưa đến 8 giờ, cổ đông tập trung đông đúc ở khu vực làm thủ tục vào tham dự đại hội.

Tại ngày 10/3/2025, Sacombank có 72.199 cổ đông. Ban kiểm tra tư cách cổ đông cho biết đại hội có sự tham dự của 1.031 cổ đông (trực tiếp và ủy quyền), đại diện sở hữu hơn 1,2 tỷ cổ phần, tương đương 66,37% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

 

(Ảnh: Nguyên Ngọc).

Tổng Giám đốc: Sacombank chỉ còn nút thắt cuối cùng 

Trong năm 2024, ngân hàng đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng giá trị nợ xấu đã xử lý lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó thuộc Đề án tái cơ cấu là 76.695 tỷ đồng.

Các khoản tồn đọng thuộc đề án giảm 80,5% về quy mô và giảm 25,7% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, hiện còn chiếm 2,4% tổng tài sản.

  • TIN LIÊN QUAN
  • Sacombank vẫn chưa ghi nhận thu nhập từ bán KCN Phong Phú 30/10/2024 - 12:49

  • KCN Phong Phú xuất hiện nhân tố mới 21/02/2024 - 18:45

  • Sacombank tiếp tục rao bán 18 khoản nợ liên quan KCN Phong Phú sau nhiều lần bất thành 14/02/2023 - 21:00

Trong đó, đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán là 7.934 tỷ đồng, cao hơn so nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu hồi 1.587 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hồi đầy đủ trong năm 2026.

Đối với các khoản nợ được bảo đảm bằng cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và người có liên quan, Sacombank đã trình các phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý II/2022. HĐQT cho biết việc xét duyệt để Sacombank xử lý cổ phiếu cũng như ghi nhận hoàn thành tái cơ cấu cần có thêm thời gian.

 

Cũng trong năm qua, Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro và sử dụng 2.061 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro (trong đó xử lý rủi ro tín dụng là 756 tỷ và xử lý trái phiếu VAMC là 1.305 tỷ).

Đồng thời, ngân hàng đã hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng lên 25.689 tỷ đồng.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm, “tính đến thời điểm hiện tại, Sacombank chỉ còn nút thắt cuối cùng là chờ NHNN phê duyệt phương án xử lý lô cổ phiếu STB theo Đề án tái cơ cấu. Năm 2025, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra và quyết tâm đẩy mạnh tiến trình làm việc với NHNN để chính thức công bố hoàn tất Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập”.

Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2025 được công bố bao gồm: Tổng tài sản tăng 10% lên 819.800 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 14% lên 614.400 tỷ đồng và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức phân bổ. Nguồn vốn huy động dự kiến tăng 9% lên 736.300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả đạt được trong năm 2024.

 

Bổ sung tờ trình chia cổ tức bằng cổ phiếu trước thềm đại hội

Tại tài liệu đại hội được công bố lần đầu, Sacombank dự kiến giữ lại toàn bộ lợi nhuận lũy kế hơn 25.350 tỷ đồng, nối dài 11 năm liên tiếp không chia cổ tức.

Tuy nhiên, ngân hàng sau đó đã bổ sung thêm một số tờ trình, bao gồm nội dung phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn của ngân hàng, qua đó tăng vốn điều lệ. Từ năm 2015 đến nay, ngân hàng duy trì vốn điều lệ ở mức 18.852 tỷ đồng.

Sau khi được NHNN chấp thuận, HĐQT sẽ xây dựng phương án chi tiết, sau đó sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trước khi triển khai thực hiện các thủ tục xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Dự chi tối đa 1.500 tỷ đồng mua vốn công ty chứng khoán

Tài liệu bổ sung còn cho biết Sacombank có kế hoạch góp vốn hoặc mua cổ phần của công ty chứng khoán với giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu trên 50%, đồng nghĩa sau giao dịch công ty chứng khoán này là công ty con của Sacombank.

  • TIN LIÊN QUAN
  • SBS tăng gần 30% sau thông tin Sacombank muốn thâu tóm một CTCK 23/04/2025 - 19:54

Theo lý giải của HĐQT, động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân cao cấp, gia tăng năng lực cạnh tranh cho Sacombank. Đồng thời, hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng.

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa rõ mục tiêu Sacombank nhắm đến là công ty chứng khoán nào. Ngân hàng đang là cổ đông lớn nhất tại CTCP Chứng khoán SBS (Mã: SBS) với tỷ lệ sở hữu gần 13,8%.

Ngay sau khi Sacombank công bố thông tin, cổ phiếu SBS đã bất ngờ tăng trần ngay trong phiên. SBS tiền thân là Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, được thành lập ngày 29/9/2006.

Kể từ năm 2011, Sacombank không còn giữ vai trò công ty mẹ của công ty chứng khoán này và bắt đầu quá trình thoái vốn. Cuối tháng 7/2021, Sacombank công bố kế hoạch thoái hết vốn góp tại công ty chứng khoán nhằm tái cơ cấu các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả cao và cải thiện nguồn thu. Năm 2022, công ty chứng khoán đổi tên thành SBS.

Lãi trước thuế 3.674 tỷ đồng trong quý I/2025

Cổ đông: Việc xử lý cổ phần của Trầm Bê đã trình nhiều năm, năm qua có thay đổi gì không? 

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Việc xử lý thực tế rất khó khăn, chưa có tiền lệ, đã trình phương án cho NHNN nhiều năm nhưng có một số vấn đề khó khăn nên chưa được phê duyệt. Năm qua đã trình phương án phù hợp với pháp luật, mua lại khoản nợ từ VAMC và sẽ bán đấu giá.

Cổ đông: Thông tin về khoản nợ VAMC? Giá bán cổ phiếu của ông Trầm Bê?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Chúng tôi cũng đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án xử lý chi tiết và phù hợp để xử lý cổ phiếu ông Trầm Bê và người có liên quan. Chúng tôi đã ra báo cáo với cơ quan thanh tra giám sát, đặc biệt là chánh thanh tra hiện nay đã nghe báo cáo về đề án và đã giao cho chúng tôi là 14 phương pháp phải xử lý, chúng tôi đã xử lý được 13 mục tiêu của đề án, chỉ còn một cái vấn đề cuối cùng là xử lý nợ xấu của ông Trầm Bê và những người có liên quan.

Tại ngày 31/12/2016, nợ gốc của ông Trầm Bê và những người có liên quan là 35.400 tỷ đồng. Lãi dự thu khoanh theo đề án là 12.919 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2017 cho đến năm 31/12/2024, Sacombank đã thu hồi 25.612 tỷ đồng, trong đó có 23.363 tỷ đồng nợ gốc và 2.249 tỷ đồng là lãi. Dư nợ còn lại là 12.037 tỷ đồng, trong đó nợ bán cho VAMC là 10.538 tỷ đồng; các khoản repo và khoản phải thu là 1.454 tỷ đồng.

Tổng lãi còn phải trả theo hợp đồng đến ngày 31/12/2024 là 57.605 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ của ông Trầm Bê và người có liên quan được đảm bảo bằng cổ phiếu STB đang được VAMC nhận ủy quyền là 6.611 tỷ đồng và lãi phải trả theo hợp đồng đến 31/12/2024 là 13.450 tỷ đồng.

Tổng số lượng cổ phiếu đang đảm bảo cho các khoản vay, repo và các khoản phải thu là 604.940.012 cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ nắm giữ là 32%. Nợ gốc và repo đã trích lập dự phòng 100%.

Đối với câu hỏi số tiền thu được thuộc về VAMC hay Sacombank thì sau khi xử lý toàn bộ các khoản nợ gốc, các khoản phải thu, chúng tôi sẽ trình NHNN. Quý vị có thể thấy với khoản lãi treo 57.000 tỷ đồng thì chắc chắc chắn là không bao giờ dư.

Cổ đông: BCTC 2024 nợ nhóm 5 tăng gấp đôi vì sao? Với tình hình kinh tế 2025 tiếp tục khó khăn thì nợ xấu có tăng nữa không?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 2%, chất lượng tín dụng đang được kiểm soát. Nợ nhóm 5 tăng là được chuyển từ nợ nhóm 3,4. Toàn ngành ngân hàng trong xu hướng tăng nợ xấu. Năm 2025, mục tiêu vẫn giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức 2%. 

Cổ đông: STB có chiến lược nào để hiện thực hóa tăng 10% huy động vốn? Mua công ty chứng khoán SBS có rủi ro gì không?  Tại sao lại chọn mua lại thời điểm này trong khi trước đó đã từng thoái vốn? Ngân hàng có đánh đổi rủi ro cao để cho vay nhiều hơn không?  Ngân hàng chủ trương phát triển khách hàng cá nhân hay khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Dự kiến 2025, chí phí vốn sẽ khó kéo giảm trong bối cảnh biến động tỷ giá, thuế quan... nên chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó dự kiến gia tăng cơ cấu nguồn vốn tốt từ thị trường 2 từ 20 - 30%, còn thị trường 1 dự kiến tăng 9-11%. Chúng tôi ưu tiên nguồn vốn huy động ngắn hạn cũng như phân khúc khách hàng nhỏ lẻ.

Về vấn đề tăng tổng tài sản, chúng tôi vẫn chú trọng tăng tổng tài sản một cách an toàn, tăng trưởng những tài sản khó sinh lời, kéo giảm những tài sản tồn động. Theo đó, tổng tài sản dự kiến tăng ở mức 10%, chủ yếu tăng từ công tác cung ứng vốn cho nền kinh tế và đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Chúng tôi khẳng định chúng tôi không có nhu cầu mua lại SBS mà chúng tôi sẽ chọn được những công ty chứng khoán tốt, có những dịch vụ phù hợp để phát triển cái lĩnh vực đầu tư. Chúng tôi không đầu tư vào cổ phiếu của công ty chứng khoán

Về đánh giá rủi ro cho vay nhiều hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp cho vay giá trị cao hơn doanh thu, mục tiêu của Sacombank là xây dựng danh mục cho vay phải tối ưu giữa hiệu quả hoạt động và rủi ro. Cho nên ngân hàng xác định việc tăng trưởng tín dụng phải gắn liền với kiểm soát an toàn vốn, cũng như tăng trưởng ở những khách hàng doanh nghiệp tập trung vào phục vụ sản xuất kinh doanh như nông nghiệp, thủy hải sản, công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất...

Trong tình hình thế quan hiện nay rất căng thẳng thì chúng tôi cũng sẽ lưu tâm đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, hỗ trợ chính sách tốt nhất cho những khách hàng nhập khẩu hiện nay để đảm bảo hoạt động ổn định.

Về định hướng tăng trưởng khách hàng cá chân hay khách hàng doanh nghiệp, Sacombank là ngân hàng bán lẻ đa năng và chúng tôi đã chọn phương án bán lẻ từ nhiều năm trước. Cho nên chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì thế mạnh của mình là ngân hàng ở phân khúc bán lẻ.  

Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ phát triển đều ở tệp khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân và phân bổ tỷ lệ cho vay nó phù hợp. Với tình hình hiện nay, khi khách hàng cá nhân gặp khó khăn thì cũng cần hỗ trợ về chi phí tài chính.

Còn đối với khách hàng doanh nghiệp, gần như chúng tôi phải chọn lọc khách hàng có hệ sinh thái và sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. 

Cổ đông: Không phải mua SBS thì có phải mua BOS không?

Chủ tịch Dương Công Minh: Chúng tôi sẽ lựa chọn công ty chứng khoán phù hợp, sau đó xin ý kiến NHNN và xin ý kiến của cổ đông.

Cổ đông: HĐQT có thể hé lộ kết quả kinh doanh quý I không? Phương án xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê như thế nào, mua lại cổ phiếu quỹ hay bán cho các cổ đông trên sàn? Khoản nợ thuộc KCN Phong Phú đã được hạch toàn như nào, 2025 dự kiến ghi nhận bao nhiêu?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT thường trực: Về kết quả kinh doanh quý I, huy động thị 1 tăng 3,3%, đạt 33% kế hoạch tăng trưởng. Cho vay đạt 4,7%, đạt 33,3% kế hoạch tăng trưởng. Kiểm soát nợ xấu 2,2%, tăng 0,2% do khách hàng bị ảnh hưởng khó khăn, bất động sản chưa phục hồi. Lãi trước thuế 3.674 tỷ đồng, tăng 38,4% so với cùng kỳ, tương đương 25,1% kế hoạch năm.

Khoản nợ KCN Phong Phú trong năm 2024 đã thu trên 1.500 tỷ, đã hạch toán giảm dư nợ xấu và trích lập dự phòng. Chúng tôi đã làm việc với khách hàng tham gia đấu giá, 2025 dự kiến khách hàng trả thêm 30 - 40% và đến 2026 sẽ thu dứt điểm.

Cổ đông: Ngân hàng có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào, đặc biệt nhân sự công ty chứng khoán? Thù lao cho HĐQT và ban kiểm soát đã bao gồm ESOP dự kiến phát hành trong năm nay chưa?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Thù lao chưa bao gồm ESOP. Về nhân sự, đây cũng là thách thức, khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Chúng tôi tìm chuyên gia đầu ngành là các đối tác và hiện đã có. Các nhân sự này chuyên về lĩnh vực  công nghệ, quản trị dữ liệu, AI.

Về công ty chứng khoán, chúng tôi đã có công ty chứng khoán từ mấy chục năm trước, nhân sự của Sacombank đã có kinh nghiệm và chúng tôi sẽ tuyển dụng thêm trên thị trường. Chúng tôi sẽ đi đúng lộ trình, sau khi được NHNN chấp thuận phương án.

Công ty khoán cũ trước đây có những vấn đề nên chúng tôi đã tái cơ cấu, thoái vốn và bây giờ sẽ chọn lựa lại lĩnh vực kinh doanh phù hợp. 

Cổ đông: Khoản nợ liên quan đến Bamboo Capital đang xử lý như thế nào? Bất lợi tín dụng dự án Bình Tiên gần đây?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Sacombank không cho vay Bamboo Capital mà chỉ có nhóm Bamboo Airways.  Còn đối với dự án Bình Tiên chắc để cho chúng tôi cập nhật lại số liệu.

Các tin khác

Giá vàng thế giới "bất động"

Giá vàng thế giới đứng yên khi thị trường duy trì triển vọng tăng giá, nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ diễn biến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.