Doanh nghiệp

Cổ tức làm nóng mùa đại hội cổ đông

Tóm tắt:
  • Cổ đông được chia cổ tức sau nhiều năm chờ đợi trong đại hội cổ đông 2025.
  • Sacombank bất ngờ chia cổ tức lần đầu sau một thập niên, tỷ lệ chưa công bố.
  • Techcombank đề xuất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt trước ĐHCĐ hai ngày.
  • Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp đã thông qua phương án chia cổ tức cao cho cổ đông.
  • Chủ đề cổ tức vẫn là "hot" trong mùa đại hội cổ đông ngành ngân hàng và doanh nghiệp.

Ngân hàng bất ngờ chia cổ tức sau một thập niên

Ngày 25.4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2025 và cổ đông đã thông qua tất cả tờ trình. Trong đó, ngân hàng này sẽ thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Tờ trình chia cổ tức gây bất ngờ cho cổ đông Sacombank bởi chỉ được bổ sung trước ngày diễn ra ĐHCĐ 4 ngày. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên nhà băng này thực hiện chia cổ tức sau một thập niên. Hiện tại, tỷ lệ cổ tức bao nhiêu vẫn chưa được công bố và sẽ được lấy ý kiến cổ đông sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Tuy nhiên, sau thời gian dài chờ đợi mỏi mòn, ngay khi phương án chia cổ tức được công bố, cổ phiếu STB của Sacombank đã tăng mạnh gần 5%, lên vùng giá 40.450 đồng trong ngày 21.4 và duy trì được mức cao bất chấp thị trường đi xuống trong các phiên sau đó.

Cổ tức làm nóng mùa đại hội cổ đông- Ảnh 1.

Cổ đông ngân hàng bất ngờ được chia cổ tức trong mùa đại hội cổ đông năm 2025

ẢNH: Ngọc Thắng

Vấn đề cổ tức luôn là "điểm nóng" được nhiều cổ đông chất vấn tại mỗi kỳ ĐHCĐ của Sacombank những năm trước. Lãnh đạo nhà băng nhiều lần phân trần lý do chưa thể chia cổ tức do chưa hoàn thành đề án tái cơ cấu hậu sáp nhập và phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý, mong muốn cổ đông có thể nhẫn nại và thông cảm…

Tương tự, ngày 24.4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương VN (Techcombank) bất ngờ bổ sung phương án trả cổ tức chỉ 2 ngày trước khi diễn ra ĐHCĐ thường niên 2025 (cuộc họp dự kiến diễn ra hôm nay 26.4). Theo đó, Techcombank đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện 10%/cổ phần, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phần nhận 1.000 đồng. Với gần 7,065 tỉ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Techcombank chi trả cổ tức bằng tiền mặt là gần 7.065 tỉ đồng. Ban lãnh đạo Techcombank cho biết với kết quả kinh doanh khả quan ngay cả trong tình hình kinh tế nhiều biến động, ngân hàng tin tưởng việc duy trì chính sách chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại, trong khi vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kinh doanh cao trên mức trung bình ngành và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 từ 14 - 15% là hoàn toàn khả thi.

"Chính sách cổ tức là cam kết của ngân hàng nhằm mang lại giá trị vượt trội và sự gắn kết với cổ đông. Với việc đầu tư vào Techcombank, cổ đông vừa có thu nhập trực tiếp đến từ cổ tức tiền mặt, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá dựa trên vị thế dẫn đầu của ngân hàng tại thị trường tài chính VN và trong khu vực", tờ trình của Techcombank cho hay. Được bổ sung vào "giờ chót" trước kỳ họp ĐHCĐ, đây là tin vui cho các nhà đầu tư. Năm nay là năm thứ hai liên tiếp Techcombank trả cổ tức sau một thời gian dài trước đó giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng được thông qua phương án chia cổ tức. Chẳng hạn, cổ đông của Ngân hàng TMCP Công thương VN (VietinBank) thông qua phương án chia cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 44,6% để tăng vốn. Theo đó, VietinBank sẽ phát hành tối đa gần 2,4 tỉ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận giữ lại các năm 2021, 2022 và giai đoạn 2009 - 2016. ĐHCĐ ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định thời điểm phát hành cụ thể sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Nếu được thông qua, tỷ lệ cổ tức năm 2024 của VietinBank cao gần gấp đôi năm 2023.

Một số nhà băng khác cũng khiến nhà đầu tư vui lòng khi tiếp tục duy trì chính sách trả cổ tức. Chẳng hạn Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) có kế hoạch chi trả cổ tức ở mức 18%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 13% bằng cổ phiếu. Tương ứng số tiền chi trả cho cổ đông là 7.317 tỉ đồng, bao gồm hơn 2.000 tỉ đồng trả bằng tiền mặt và khoảng 5.300 tỉ đồng trả bằng cổ phiếu. Hay Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chốt phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận được 1.000 đồng) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31.12.2024. Đồng thời, TPBank phát hành tối đa hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu mới). Đây là năm thứ ba liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu…

Nhiều doanh nghiệp chia cổ tức "khủng"

Không chỉ các ngân hàng mang lại niềm vui cho nhà đầu tư mà trong mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều doanh nghiệp cũng mang lại bất ngờ với phương án chia cổ tức "khủng". Chẳng hạn, Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (mã chứng khoán SSG) vừa chốt danh sách cổ đông chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 120%, gấp tới 12 lần so với kế hoạch đã đề ra. Đồng nghĩa, cổ đông sở hữu cứ 1 cổ phiếu sẽ nhận 12.000 đồng. Với 5 triệu cổ phiếu đang niêm yết, ước tính công ty cần chi 60 tỉ đồng cho đợt trả cổ tức này. 

Tương tự, Công ty Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad (mã chứng khoán VNX) thông báo trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 120% (12.000 đồng/cổ phiếu). Với hơn 1,8 triệu cổ phiếu lưu hành, ước tính công ty cần chi khoảng 22 tỉ đồng. Hay Công ty cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online, mã chứng khoán FOC) đã được cổ đông thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt cho năm 2024 với tỷ lệ 100%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu nhận 10.000 đồng. Với hơn 18,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến công ty sẽ cần chi 184 tỉ đồng để thanh toán cho cổ đông. 

Hoặc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã chứng khoán SLS) vẫn được biết đến là doanh nghiệp trả cổ tức cao trên sàn chứng khoán. Trong 3 niên độ gần đây, công ty đều trả cổ tức trên mức 100%. Niên độ 2023 - 2024, đơn vị này cũng đã trả mức cao kỷ lục 200% trong lịch sử hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân chính đưa giá cổ phiếu SLS giao dịch xoay quanh mức 200.000 đồng/cổ phiếu, thuộc số ít cổ phiếu đắt nhất trên sàn chứng khoán…

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu và phát triển khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Yuanta VN, câu chuyện cổ tức luôn là chủ đề "hot" trong các mùa ĐHCĐ thường niên. Nhóm ngân hàng là ngành kinh doanh tương đối đặc biệt nên vấn đề chia cổ tức còn phải được xin ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước. Từ năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không còn can thiệp việc này mà chia cổ tức sẽ tùy thuộc vào quyết định của từng nhà băng. 

Dù vậy, nhiều đơn vị vẫn dùng lợi nhuận để tăng vốn, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn trong quá trình hoạt động nên chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hoặc có nhà băng lựa chọn phương án vừa chia cổ phiếu vừa có thêm tiền mặt để làm vui lòng cổ đông vừa đảm bảo công tác tăng vốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất có đặc thù ít cần vốn dài hạn, nhất là khi chưa có kế hoạch mở rộng kinh doanh, đầu tư thì sẽ chia lợi nhuận cho cổ đông. Hơn nữa, nếu phát hành thêm cổ phiếu thì sẽ biến thành vốn dài hạn và chưa chắc có hiệu quả hơn dòng vốn ngắn hạn đi vay trong khi lãi suất ở mức thấp… "Nhà đầu tư chứng khoán giờ cũng thông minh lắm nên sẽ biết lựa chọn cổ phiếu nào tùy theo khẩu vị rủi ro", ông Minh nói.

Nếu nhà đầu tư mang tính thận trọng thì có thể ưu tiên chọn cổ phiếu của doanh nghiệp thường chia "tiền tươi thóc thật" với lợi suất cao (lợi suất bằng tỷ lệ cổ tức/giá cổ phiếu). Trong khi đó, giá trị cổ đông các ngân hàng nhận được là mức tăng giá cổ phiếu sau thời gian.

Ông Nguyễn Thế Minh (Giám đốc Khối nghiên cứu và phát triển khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Yuanta VN)

Các tin khác

Hệ tiêu hóa ảnh hưởng đề kháng thế nào?

TS.BS Phạm Lê Duy, Giảng viên bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hệ tiêu hóa khỏe góp phần xây dựng hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus cúm.

Quân nhân Trung Quốc, Lào, Campuchia tham gia diễu binh 30.4 ở TP.HCM

Tối 25.4, lực lượng Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tham gia buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành cấp nhà nước cùng với các lực lượng vũ trang Việt Nam, nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Loạt khoảnh khắc các khối diễu binh sừng sững giữa cơn mưa nặng hạt trong buổi sơ duyệt tối 25/4: Tinh thần thép khiến người dân nức lòng!

Dù trời mưa lớn, các khối diễu binh vẫn giữ đội hình nghiêm trang, hiên ngang đứng vững giữa mưa, tạo nên hình ảnh vừa ấn tượng vừa xúc động – một biểu tượng sống động cho ý chí kiên cường, niềm tự hào và khí phách của dân tộc Việt Nam.