
Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội (MB).
Sáng 26/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội (MB) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên. Với hơn 4.400 cổ đông đăng ký tham dự, nhiều vấn đề được đặt ra xoay quanh câu chuyện chuyển đổi số, mua cổ phiếu quỹ, tăng vốn và chia cổ tức.
Trước những câu hỏi về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong vận hành, lãnh đạo MB khẳng định ngân hàng có cách tiếp cận rõ ràng: ưu tiên tự động hóa các tác vụ phù hợp, nhưng không đặt mục tiêu thay thế con người.
"Hiện nay có khá nhiều câu hỏi xoay quanh AI, với MB, cách tiếp cận rất rõ ràng và đơn giản: cái gì có thể tự động hóa bằng AI, chúng tôi sẽ ưu tiên ứng dụng trước", ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch Hội đồng quản trị MB nói.
Trong trường hợp có dư thừa nguồn lực, MB sẽ phân bổ nhân sự sang những công việc đòi hỏi giá trị gia tăng cao hơn, những lĩnh vực mà AI không thể thay thế.
"Lấy ví dụ, cách đây 5 năm, số lượng nhân sự của MB tương đối đi ngang. Nhưng hai năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng lại tăng lên, không phải vì công nghệ không hiệu quả, mà bởi chúng tôi cần thêm người ở các vị trí mới", ông Thái cho biết.
Hiện MB có khoảng 18.000 nhân sự – con số không quá lớn so với các ngân hàng cùng quy mô. Tuy nhiên, năng suất lao động bình quân đầu người tại MB lại thuộc nhóm cao nhất trên thị trường. Ngân hàng liên tục tìm cách giảm bớt các công việc thủ công để nhân viên có thể tập trung vào các nhiệm vụ đòi hỏi tư duy và giá trị sáng tạo.
"Chúng tôi không bị phụ thuộc vào câu chuyện cắt giảm lao động. Việc tăng thêm người và đồng thời tăng năng suất mới là mục tiêu", Chủ tịch MB nhấn mạnh.

Ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch MB.
Với chiến lược này, MB đặt kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 20–25% trong các năm tới. Để chuẩn bị cho giai đoạn mở rộng, năm 2025 ngân hàng dự kiến tuyển thêm khoảng 1.000 nhân sự mới, tập trung cho các mảng kinh doanh và công nghệ. Tuy nhiên, từ năm sau, tốc độ tăng nhân sự sẽ chậm lại, thậm chí có thể không tăng thêm.
Đồng quan điểm, ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch MB cho rằng, cốt lõi của câu chuyện chuyển đổi số của MB không phải để cắt giảm lao động. "Chuyển đổi số để giúp tăng năng suất lao động, cùng với số lượng nhân sự như vậy có thể mang lại giá trị cao hơn", ông Trung nói.
Ngoài vấn đề nhân sự, một trong những nội dung được nhiều cổ đông quan tâm là việc MB dự kiến mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ. Nhiều cổ đông cho rằng, với khối lượng cổ phiếu lớn giao dịch mỗi ngày, mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ chỉ là giải pháp như "muối bỏ bể".
Trả lời thắc mắc này của cổ đông, ông Lưu Trung Thái cho rằng, việc đề xuất mua cổ phiếu quỹ là phương án dự phòng rủi ro của ngân hàng trong điều kiện giá cổ phiếu biến động. "Nếu thị trường biến động, đây là biện pháp hỗ trợ nhằm ổn định thanh khoản. Tôi không muốn nếu thị trường diễn biến bất lợi, chúng ta không có kịch bản ứng phó", ông Thái nói.
Đồng thời, Chủ tịch nhà bằng cũng dẫn chứng, MB từng thành công khi mua cổ phiếu quỹ trong quá khứ. Song song, việc mua lại 100 triệu cổ phiếu không gây ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng.
Năm nay, MB dự kiến tổng tài sản đến cuối năm 2025 đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 21,2%. Huy động vốn kỳ vọng tăng trưởng 23,3% và tín dụng tăng xấp xỉ 23,7%. Trong đó, theo CEO Phạm Như Ánh, tín dụng được phân bổ 50% cho khách hàng cá nhân, 10% cho SME siêu nhỏ. Phần còn lại được phân bổ cho doanh nghiệp lớn và SME cỡ vừa.
Năm nay, ngân hàng đặc mục tiêu nợ xấu dưới 1,7%, tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. MB dự định chia 33% cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu.