Tích cóp sinh lời
Những người tích cóp vàng đang "mừng run người" trong những ngày qua khi giá liên tục phá kỷ lục, có thời điểm lên đỉnh ở mức 124 triệu đồng/lượng. Chị Nguyễn Anh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có 4 lượng vàng, trong đó 2 lượng vàng miếng SJC mua từ cuối năm 2023 với giá tầm 72 triệu đồng, còn lại là vàng nhẫn mua dàn trải trong mấy năm qua từ mức giá 63 - 90 triệu đồng/lượng. Chị Nguyễn Anh cho hay chị học thói quen tích vàng từ mẹ. Mỗi khi có tiền dôi dư, chị lại mua vàng. Mỗi lần mua là ghi lại đầy đủ thông tin giá cả, số lượng, thời gian. Số của nả này chị tính dùng dưỡng già, cưới vợ gả con chứ không có ý định bán non. Thế nhưng vừa rồi, giá vàng tăng quá cao làm chị thay đổi quan điểm. "Tổng vốn tôi bỏ ra là 270 triệu đồng cho 4 lượng vàng, nay thu về 440 triệu đồng, lời 170 triệu đồng trong vòng 3 năm", chị tính toán.

Giá vàng tăng cao, người dân bán chốt lời
ẢNH: Ngọc Thắng
Chị Nguyễn Anh chia sẻ hai vợ chồng có công việc ổn định nên thu nhập không tăng đột biến, sau khi trừ đi chi phí cho gia đình 4 người (2 vợ chồng, 2 con) thì số tiền dư mang ra mua vàng. Khi nào ít tiền thì mua 5 phân, bình thường mua 1 chỉ, dư bao nhiêu thì mua bấy nhiêu. Vì số tiền không đủ lớn để mua nhà đất, còn chứng khoán thì không am hiểu nên cứ tích cóp vậy nên mấy năm nay mới có số vàng trên. "Thời điểm năm 2016, hai vợ chồng cưới nhau, người thân, bạn bè mừng cưới bằng vàng. Giá lúc đó khoảng 3,5 triệu đồng/chỉ nay giá lên 11 triệu đồng/chỉ nên bà con ai cưới, mua vàng làm quà cũng chóng mặt", chị chia sẻ.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng đang là câu chuyện được bàn tán khắp nơi. Anh M.V (TP.Thủ Đức, TP.HCM) kể mẹ anh tích cóp nhiều năm qua được 16 lượng. Nay mẹ anh lớn tuổi nên giao số vàng trên cho vợ chồng anh quản lý để sau này cho con cháu. Năm 2024, thấy giá vàng lên 80 triệu đồng/lượng, anh lấy ra bán để chuyển sang gửi tiết kiệm chờ giảm thì mua lại. Thế nhưng chỉ một tuần sau đó, giá vàng tăng lên 84 triệu đồng/lượng, sốt ruột nên khi giá vừa điều chỉnh về 83 triệu đồng/lượng, anh M.V đã phải bù thêm 80 triệu đồng để mua lại số vàng này. "Nếu lúc đó không quyết định mua vàng trở lại thì nay vàng lên 120 triệu đồng/lượng, mỗi lượng phải bù thêm 37 triệu đồng, nên phải bỏ ra hơn 590 triệu đồng bù thêm cho tổng 16 lượng vàng. Giá vàng tăng nên bà cũng vui lắm", anh M.V cho hay.
Trong khi đó, chị V.K (TP.HCM) lại rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Cách đây 4-5 năm, khi cưới chồng, chị được người thân gia đình 2 bên cho vàng. Sau ngày cưới, chị gái ruột hỏi vay tiền mua bất động sản, chị V.K gom hết 2 lượng vàng nhẫn từ quà cưới cho vay. "Lúc đó, vàng có giá 31 triệu đồng/lượng, nay lên mức kỷ lục nên cũng không biết đòi lại kiểu gì. Chị tôi có ý muốn trả nợ bằng tiền, tôi cũng không biết phải nói sao. Người thân tặng vàng ngày cưới thì sau này gia đình họ có người cưới, mình cũng phải đi lại bằng vàng. Số vàng cưới này coi như mình giữ hộ thôi. Thật tiến thoái lưỡng nan", chị V.K băn khoăn.
Khóc ròng với vay vàng
Ngày 25.4, giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra ở mức 118,5 - 120,5 triệu đồng/lượng; còn giá vàng nhẫn ở mức 112,5 - 115,6 triệu đồng/lượng. So với đầu năm, giá vàng miếng SJC hiện tăng 36 triệu đồng/lượng, tương đương lên giá 43%; còn vàng nhẫn tăng gần 32 triệu đồng/lượng, lên 37,6%. Trước đó, vào năm 2024, vàng miếng SJC đã tăng 13,7%, còn vàng nhẫn tăng 32,3%. Với tốc độ tăng giá như vũ bão, những người vay vàng hiện khóc ròng vì giá lên đỉnh nóc. Số tiền bỏ ra mua vàng để trả tăng cao chưa từng có, vượt xa lãi vay ngân hàng.

Giá USD lên mức cao nhất từ trước đến nay
ẢNH: Ngọc Thắng
Chị Phạm Nguyên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết vào đầu tháng 3, gia đình chị có xem được một căn hộ 68 m2 ở TP.Thủ Đức với giá 2,23 tỉ đồng. Vì thiếu vài trăm triệu nên chị mở lời mượn tiền anh chị ở quê và được cho mượn 4 lượng vàng nhẫn tích cóp nhiều năm qua. Sau khi nhận số vàng này, chị Nguyên bán ra với giá 90 triệu đồng/lượng. Không ngờ từ đầu tháng 4 đến nay, giá vàng liên tục tăng đến chóng mặt, chị vội gom tiền mua lại 2 lượng vàng nhẫn với giá 110 triệu đồng/lượng để trả nợ. Như vậy chỉ khoảng hơn 1 tháng rưỡi, chị Nguyên phải bù 40 triệu đồng để mua 2 lượng vàng nhẫn trả cho người thân.
"Nếu tính lãi vay thì mức tăng giá của vàng quá kinh khủng. Thế nhưng tôi không dám tâm sự với anh chị vì đây là số vàng mà anh chị ở quê làm nông tích cóp được trong thời gian dài. Cứ sau mỗi mùa gặt lúa, anh chị còn dư bao nhiêu tiền thì tích cóp mua vàng để phòng thân. Anh chị không gấp, không đòi trả vàng nhưng mình lại gấp khi giá tăng nhanh. Dự kiến từ nay đến tháng 10, mỗi lần giá xuống thì sẽ mua để trả nợ. Ai cũng biết vay vàng là rủi ro khi giá biến động vô chừng nhưng lúc cần tiền thì người thân cho mượn gì nhận nấy. Người trong gia đình tin tưởng cho vay thì mình sẽ cố gắng trả sớm. Mượn vàng nên cũng phải trả lại bằng vàng", chị Nguyên khổ sở nói.
Tương tự, chị H.T (Hà Nội) thừa nhận vay vàng là nguy hiểm nhưng luôn biết ơn những người đã cho mình vay lúc khó khăn. Năm 2019, người phụ nữ này vay 5 chỉ vàng với mức giá 35 triệu đồng/lượng, nhưng đến cuối năm 2024 mới có tiền mua vàng trả với giá 82 triệu đồng/lượng dù người cho vay không đòi. Còn 1 lượng vàng khác vay lúc giá chỉ 43 triệu đồng/lượng, nhưng đến khi trả thì giá đã vọt lên 73 triệu đồng.
Một trường hợp khác, Ngân hàng Sacombank vẫn chưa xử lý được một khoản nợ kếch xù liên quan đến vàng kéo dài từ nhiều năm nay. Năm 2009, một công ty vay gần 5.833 lượng vàng từ Ngân hàng Phương Nam (sau này sáp nhập vào Sacombank). Hợp đồng khoản vay 5.833 lượng vàng SJC, tương đương hơn 249 tỉ đồng theo tỷ giá vàng ngày 31.12.2020. Tính đến đầu năm 2024, khoản nợ gồm vốn, lãi trong hạn và lãi quá hạn lên đến hơn 1.768 tỉ đồng nhưng công ty hiện không có khả năng trả nợ. Nếu đánh giá lại khoản nợ vàng với mức giá hiện nay ở 120 triệu đồng/lượng thì số nợ của công ty đã lên gần 700 tỉ đồng.
Dù giá vàng đang được dự báo tăng nhưng chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo không nên vay tiền mua vàng, cũng như vay vàng để bán thời điểm này rồi chờ giá giảm mua lại. Không như hành động tích cóp vàng quá trình dài mang lại lợi nhuận, việc lướt sóng vàng là hết sức rủi ro. Giá vàng thế giới biến động quá lớn, đảo chiều liên tục, thêm vào đó giá vàng trong nước cao hơn thế giới, cộng thêm chênh lệch giữa giá mua và bán cao… Những yếu tố này khiến người mua phải chịu rủi ro cao.
Giá USD lên mức cao lịch sử
Ngày 25.4, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm thêm 20 đồng, lên 24.948 đồng/USD, đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của nhà điều hành. Các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng giá USD thêm 24 đồng, Vietcombank mua vào lên 25.805 - 25.835 đồng, bán ra 26.195 đồng; ACB mua vào với giá 25.820 - 25.850 đồng, bán ra 26.195 đồng… Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Giá đồng bạc xanh trên thị trường tự do tăng 40 đồng, mua vào lên 26.385 đồng, bán ra 26.485 đồng.