Chứng khoán

Doanh nghiệp trên sàn chứng khoán kinh doanh dây thừng, đều đặn thu về trên dưới 500 tỷ mỗi năm

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực độc, lạ, thậm chí duy nhất có thể kể đến như kinh doanh bao cao su, kềm, dây thừng, casino, dịch vụ mai táng, vàng mã, giấy vệ sinh, đồ chơi trẻ em, sát hạch lái xe... Siam Brothers (mã SBV) là một trong những doanh nghiệp như thế.

Sở hữu cái tên rất "tây", ít ai nghĩ rằng Siam Brothers lại kinh doanh trong một lĩnh vực rất giản dị là bán các loại dây thừng, dụng cụ ngành cá cho ngư dân. Thành lập từ năm 1995 với 100% vốn đầu tư Thái Lan (hơn 6 triệu USD), đến nay Siam Brother đã có thay đổi, riêng CTCP Đầu tư Thông Minh nắm đến 65,4% cổ phần.

Thu trên dưới 500 tỷ mỗi năm từ bán dây thừng

Siam Brothers hiện vẫn là doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các loại dây thừng đánh bắt cá hàng đầu Việt Nam với các thương hiệu như Con Gà và Hải Mã. Mỗi năm doanh nghiệp này sản xuất hàng nghìn tấn các loại sản phẩm như dây thừng, chỉ cào PE, lưới PP, sợi đơn PE, lưới bùng nhùng, lưới giữ cá, lưới nuôi trồng thủy sản...

Từ năm 2015 đến nay, Siam Brothers duy trì đều đặn doanh thu mỗi năm dao động quanh mức 460 - 530 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đã "teo tóp" đi đáng kể từ năm 2018 sau khi đạt đỉnh trên 110 tỷ đồng trong 2 năm liên tiếp 2016 - 2017. Năm 2021, doanh nghiệp này đạt doanh thu 511 tỷ đồng, chỉ thấp hơn mức kỷ lục năm 2017 tuy nhiên LNST lại giảm 25% xuống 51 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 7 năm.

Doanh nghiệp tên rất “tây” mỗi năm thu trên dưới 500 tỷ từ bán dây thừng, cổ tức đều như vắt tranh - Ảnh 1.

Từ Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, Siam Brother đã bổ sung 3 ngành nghề mới gồm kinh doanh bất động sản, sản xuất điện, truyền tải và phân phối điện. Ngay sau đó, cuối tháng 7/2020, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Siam Solar Việt Nam cũng được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng. Thế nhưng, hoạt động bán điện mới chỉ mang về 5 tỷ đồng năm 2021, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu doanh thu của Siam Brothers.

Hiện tại, doanh thu của Siam Brother vẫn chủ yếu đến từ các sản phẩm dây thừng các loại với tổng tỷ trọng trên 95%. Tuy nhiên, cơ cấu đã có sự chuyển dịch về phía mảng dây thừng xuất khẩu do tình hình dịch Covid-19 phức tạp ở Việt Nam trong năm qua. Việc đẩy mạnh xuất khẩu đã giúp kế hoạch kinh doanh không giảm quá sâu so với kế hoạch đề ra, đồng thời mang lại nhiều thị trường mới, cơ hội mới, giúp giảm thiểu rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nội địa như các năm vừa qua.

Doanh nghiệp tên rất “tây” mỗi năm thu trên dưới 500 tỷ từ bán dây thừng, cổ tức đều như vắt tranh - Ảnh 2.

Siam Brother cho biết, những năm gần đây ngành đánh bắt thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp trong ngành nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng IUU, dẫn đến việc kinh doanh các sản phẩm ngư nghiệp gặp khó. Việc các sản phẩm ngoài lĩnh vực truyền thống (dây thừng nông nghiệp và dây thừng xuất khẩu) phát triển nhanh đã giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, tránh đi theo vết xe đổ khiến doanh thu sụt giảm mạnh như năm 2018.

Năm 2022, Siam Brothers đặt mục tiêu đầy tham vọng với doanh thu đạt 618 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 77 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 23% so với thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, LNTT quý đầu năm mới đạt gần 6 tỷ đồng, thực hiện vỏn vẹn 8% kế hoạch cả năm đề ra.

Cổ tức đều như vắt tranh

Siam Brothers chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán từ tháng 5/2017 với vốn điều lệ thời điểm đó ở mức 205 tỷ đồng tương đương lượng cổ phiếu lưu hành 20,5 triệu đơn vị. Sau khi thưởng cổ phiếu tỷ lệ 3:1 vào cuối năm 2017, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã tăng lên gần 273,7 tỷ đồng.

Ngoài thưởng cổ phiếu, Siam Brothers còn rất chăm chia cổ tức bằng tiền mặt. Từ khi lên sàn năm 2017, chưa năm nào doanh nghiệp này quên cổ tức cho cổ đông với mức đều đặn trong 3 năm 2018 - 2020 đều ở mức 12%. ĐHĐCĐ thường niên 2022 đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 với tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến tiếp tục duy trì ở mức 12%.

Doanh nghiệp tên rất “tây” mỗi năm thu trên dưới 500 tỷ từ bán dây thừng, cổ tức đều như vắt tranh - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, Siam Brothers còn có kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%. Theo đó, công ty sẽ chào bán 13,7 triệu cổ phiếu với giá 15.400 đồng/cổ phiếu tương ứng số tiền có thể huy động dự kiến gần 211 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến tăng gấp 1,5 lần lên mức 410,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, Siam Brothers còn có kế hoạch cổ phần hóa Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Siam Brothers VN và tăng vốn cho pháp nhân này lên tối đa 30 tỷ đồng trong đó vốn của Siam Brothers chiếm tối thiểu 66,67%. Siam Brothers cũng muốn hợp nhất Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Siam Solar với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực khác trong tập đoàn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm