Doanh nghiệp

Vì sao OCH lỗ nặng sau kiểm toán?

Sẽ thanh tra các công ty chứng khoán và kiểm toán

Theo công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021, OCH lỗ tới 442 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập chỉ lỗ 62 tỷ đồng.

Vì sao OCH lỗ nặng sau kiểm toán? - Ảnh 1.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo đưa cổ phiếu OCH vào diện cảnh báo kể từ ngày 9/5/2022

Cụ thể, doanh thu thuần năm 2021 của OCH vẫn giữ nguyên so với báo cáo tự lập là 399 tỷ đồng (giảm gần 55% so với năm 2020). Tuy nhiên giá vốn lại chênh lệch tăng 34% sau kiểm toán lên 405 tỷ đồng. Do đó OCH lỗ gộp hơn 5,5 tỷ đồng sau kiểm toán. Thêm vào đó, chi phí tài chính cũng tăng 67% lên 23 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt gấp 3,5 lần lên 403 tỷ đồng do ảnh hưởng của khoản mục dự phòng.

OCH cho biết, ngày 4/6, công ty con của OCH là công ty TNHH Sao Hôm Nha Trang đã bán khoản nợ phải thu của Tràng Tiền Nha Trang số dư gốc 162 tỷ đồng và tiền lãi 35,5 tỷ đồng. OCH cũng bán khoản nợ của Xúc tiến Đầu tư số tiền 20,3 tỷ đồng và Bình An hơn 8 tỷ đồng.

Với hai hoạt động này, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang đã ký hợp đồng về việc bán khoản nợ phải thu Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tràng Tiền Nha Trang trị giá hơn 8 tỷ đồng; OCH đã bán khoản nợ phải thu CTCP Du lịch và Xúc tiến Đầu tư và CTCP Đầu tư Phát triển Bình An với giá trị lần lượt là 1 tỷ và 404 triệu đồng. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng phải thu khó đòi của các khoản nợ này được xác định căn cứ vào khả năng thu hồi từ việc bán nợ nêu trên.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo đưa cổ phiếu OCH vào diện cảnh báo kể từ ngày 9/5/2022. Nguyên nhân là do công ty này chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2021 quá 15 ngày so với thời hạn quy định. Trên thị trường, hiện giá cổ phiếu OCH giảm mạnh chỉ còn 9.700 đồng/cổ phiếu và giảm 25% trong 1 tháng qua.

Liên quan đến công tác kiểm toán , vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán về việc yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.

"Điệp khúc" mùa BCTC: Nhiều doanh nghiệp bốc hơi lợi nhuận sau kiểm toán

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua có tình trạng báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng còn nhiều sai sót. Thậm chí, một số trường hợp dù đã có ý kiến chấp nhận toàn phần của doanh nghiệp kiểm toán nhưng vẫn xuất hiện sai sót.

Vì sao OCH lỗ nặng sau kiểm toán? - Ảnh 2.

Trên thị trường, hiện giá cổ phiếu OCH giảm mạnh chỉ còn 9.700 đồng/cổ phiếu và giảm 25% trong 1 tháng qua

Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán tăng cường kiểm tra, giám sát, có biện pháp chấn chỉnh để các doanh nghiệp kiểm toán thực hiện đúng các quy định về:

Một là, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan;

Hai là, đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm toán; kiểm soát tốt đạo đức nghề nghiệp người hành nghề, nâng cao năng lực của đội ngũ kiểm toán viên hành nghề;

Ba là, thực hiện nghiêm, đúng quy định quy trình kiểm toán; xác định rõ nội dung, trách nhiệm của kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán.

Đồng thời yêu cầu Uỷ ban Chứng khoán nhà nước tăng cường giám sát tình hình hoạt động, tình hình tài chính của các doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng, kịp thời cảnh báo nhà đầu tư khi có những biến động lớn về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Về OCH, sau một năm vướng mắc, công ty đã chính thức được tiếp quản bởi nhóm cổ đông mới - IDS Equity Holdings. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, các cổ đông cũng đã thống nhất đổi tên từ CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH thành công ty thành One Capital Hospitality.

Hiện, IDS Equity Holdings không nắm giữ cổ phần OCH nhưng quỹ này đang sở hữu hơn 51% vốn tại Ocean Group - công ty mẹ của OCH.

Được biết, OCH là nguồn thu chính đóng góp vào kết quả kinh doanh của tập đoàn mẹ. Doanh nghiệp này hiện là chủ sở hữu chuỗi resort Sunrise Nha Trang, Sunrise Hội An, Starcity Nha Trang, Starcity Airport Ho Chi Minh City và Starcity Tây Hồ (Hà Hội). Ngoài ra, OCH còn là chủ sở hữu thương hiệu kem Tràng Tiền nổi tiếng tại Hà Nội và hãng bánh Girval tại TP.HCM.

Với kỳ vọng từ bộ máy lãnh đạo mới và ngành du lịch hồi phục, cổ đông OCH đã thông qua kế hoạch năm 2022 với mục tiêu doanh thu 991 tỷ đồng, tăng 228% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận trước thuế đạt 54,8 tỷ đồng khả quan hơn rất nhiều so với khoản lỗ 74 tỷ đồng năm trước do ảnh hưởng của COVID-19.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm