Một bàn thờ bằng đồng trong số những đồ tạo tác được khai quật tại di tích Tam Tinh Đôi, Trung Quốc - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Ngày 13-6, Viện nghiên cứu khảo cổ và di tích văn hóa tỉnh Tứ Xuyên thông báo 13.000 món đồ tạo tác trên được khai quật trong 6 hố hiến tế tại khu di tích Tam Tinh Đôi, tỉnh Tứ Xuyên.
Khoảng 1/4 những đồ tạo tác này đã được hoàn thiện. Trong đó có một hộp bằng đồng chứa một miếng ngọc thạch màu xanh lá cây. Chiếc hộp có 4 tay cầm hình đầu rồng và một số thanh đồng, có thể được bọc trong lụa khi cúng tế, theo báo South China Morning Post.
Giáo sư Li Haichao, làm việc tại ĐH Tứ Xuyên và là thành viên nhóm khai quật, cho biết đây là phát hiện mang tính đột phá. "Tôi cảm thấy đây là phát hiện chưa từng có. Mặc dù chúng tôi không biết chiếc hộp này dùng để làm gì, nhưng chúng tôi cảm thấy người xưa rất trân trọng nó", giáo sư Li nói.
Chiếc hộp đồng chứa một miếng ngọc thạch màu xanh lá cây được khai quật tại di tích Tam Tinh Đôi - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Di tích Tam Tinh Đôi được coi là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất của thế kỷ 20. Di tích được phát hiện lần đầu vào cuối những năm 1920 khi một nông dân tình cờ tìm thấy hơn 400 đồ tạo tác bằng ngọc thạch.
Tam Tinh Đôi được cho là nằm ở trung tâm nước Thục, có niên đại cách đây khoảng 4.500 năm, song các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được ghi chép về lịch sử của triều đại này.
Thập niên 1980, các nhà khảo cổ đã có bước đột phá khi phát hiện hai hố hiến tế với hơn 1.700 đồ tạo tác. Tuy nhiên việc khai quật đã bị dừng cho đến năm 2019. Từ năm 2020-2022, họ phát hiện thêm 6 hố hiến tế.
Một đầu người bằng đồng tại di tích Tam Tinh Đôi, Trung Quốc - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Trong số những đồ tạo tác vừa tìm thấy gần đây còn có một bàn thờ bằng đồng với một tạo tác có hình đầu người mình rắn, và một tượng đồng hình rồng mũi heo.
Nhóm khai quật còn phát hiện những gì còn lại của bò và heo rừng trong các hố hiến tế, chứng tỏ động vật từng được dùng để cúng tế.
Ông Zhao Hao, thành viên nhóm khai quật hố hiến tế số 8 và làm việc tại ĐH Bắc Kinh, cho biết các phát hiện mới cho thấy sự đa dạng và phong phú của nền văn hóa Trung Quốc.
Nhờ cuộc khai quật nói trên, các nhà khảo cổ học đã giải quyết được cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ bằng cách xác định niên đại của các hố hiến tế là hơn 3.000 năm trước, theo Tân Hoa xã.
Một chiếc đầu đồng với mặt nạ vàng tại hố hiến tế số 8 ở di tích Tam Tinh Đôi, Trung Quốc - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Những món đồ tạo tác được khai quật ở hố số 8 - Ảnh: TÂN HOA XÃ