Doanh nghiệp

Doanh nghiệp "thiệt đơn thiệt kép" vì nạn phân bón giả

Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho cả Nhà nước, doanh nghiệp làm ăn chân chính, bà con nông dân thì sống dở, chết dở vì mua phải phân bón giả.

Doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép vì nạn phân bón giả - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng phát hiện 200 bao phân bón hỗn hợp giả, kém chất lượng tại An Giang.

Ông Lê Tiến Hùng, Giám đốc Marketing, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), thừa nhận việc sản xuất phân bón giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn cả niềm tin của khách hàng. Ông dẫn chứng, hiện nay giá phân bón khoảng 20 triệu đồng/tấn, nếu như làm giả 200 tấn đã có 4 tỷ đồng, nghiêm trọng hơn có những sản phẩm bị làm giả với tỷ lệ cao đến 80%.

“Như vậy, về kinh tế là rất thiệt hại, nhưng với khách hàng còn là xói mòn niềm tin, ảnh hưởng ghê gớm đến các ngành sản xuất phân bón vật tư cho nông nghiệp, không những năm nay mà nhiều năm về sau”, ông Hùng nói.

Với những doanh nghiệp có uy tín và đã mất công gây dựng nhiều năm trên thị trường nếu sản phẩm bị làm nhái trước hết sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, sau đó là hoạt động tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm theo. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất là niềm tin của người nông dân đối với các nhà sản xuất, nhất là các đơn vị sản xuất lớn.

Trong khi đó, bà Bùi Thị Thanh Giang, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cũng cho biết, theo con số thống kê, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2 - 2,5 tỷ USD. Đây mới chỉ tính thiệt hại do mất lượng tiền không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng có trong phân bón.

Hiện tại, Tập đoàn có 11 đơn vị sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật với tổng công suất sản xuất các loại phân bón đạt 6 triệu tấn/năm, riêng NPK với tổng năng lực sản xuất khoảng 2,4 triệu tấn/năm, đáp ứng 60-70% nhu cầu phân bón NPK trong nước.

Theo bà Giang, một thực tế các doanh nghiệp sản xuất phân bón có uy tín lo ngại vấn đề phân bón nhái hơn là phân bón giả, vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong các sản phẩm phân bón hàng nhái này rất ít.

“Các doanh nghiệp sản xuất phân bón nhái còn nhập nhèm trong công bố hàm lượng, trong mẫu mã bao bì, qua mặt người dân và cơ quan quản lý. Ví dụ đối với sản phẩm phân NPK, có rất nhiều doanh nghiệp làm nhái và cho rằng đó chỉ là tên họ đăng ký với hàm lượng chất dinh dưỡng thấp. Khi sản phẩm bán ra thị trường, các doanh nghiệp này lại bám sát giá với phân bón những đơn vị sản xuất uy tín, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp này rất cao và cạnh tranh giá với các doanh nghiệp chân chính”, bà Giang dẫn chứng.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2021, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy do dịch bệnh, khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 đến nay do xung đột Nga – Ukraine khiến lượng cung và thương mại phân bón trên thế giới giảm đột ngột, càng làm giá phân bón tăng phi mã.

Trong vòng gần 2 năm qua, giá phân bón đã tăng gấp đôi. Tình trạng này khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.

Giá phân bón tăng vượt quá sức chịu đựng của nông dân, vì vậy nhiều nông dân mua phân bón giá rẻ mà không quan tâm đến thương hiệu và chất lượng, điều này đã trở thành “miếng mồi ngon” cho những thương nhân bất chính.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam ước tính, mỗi năm nông dân nước ta chịu thiệt hại 2,5 tỷ USD, tương đương với 57.000 tỷ đồng do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng…

Doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép vì nạn phân bón giả - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón uy tín bị tác động nặng nề bởi nạn phân bón giả.

Do đó, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam kiến nghị, khi phát hiện được sản phẩm của doanh nghiệp bị làm giả, cần báo cáo, phối hợp ngay với các cơ quan chức năng để xử lí theo pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của các đơn vị sản xuất và của người tiêu dùng. Đây là khâu quan trọng giữ vai trò then chốt cho sự thành công trong vấn đề đẩy lùi, giảm thiểu tình trạng phân bón giả, kém chất lượng.

Ngoài ra, các đơn vị luôn cần chủ động tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng các biện pháp nhằm tăng cường về nhận diện sản phẩm, tránh bị làm giả, làm nhái như: tem chống hàng giả, bao bì chuyên biệt, hình thức sản phẩm khác biệt…; rà soát thị trường thường xuyên nhằm phát hiện các vấn đề liên quan đến sản phẩm của mình kịp thời.

Cùng với đó, cần liên kết chặt chẽ với các đại lý, nhà phân phối để kịp thời phát hiện các trường hợp phân bón giả, phân bón kém chất lượng, bởi lẽ nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi cơ quan chức năng kiểm tra hoặc đã gây hậu quả đối với cây trồng.

Với Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, ông Lê Tiến Hùng khẳng định, ngăn chặn nạn phân bón giả, bảo vệ người nông dân chính là bảo vệ doanh nghiệp. Về giải pháp căn cơ, cần rà soát lại các văn bản pháp lý, hành lang pháp luật để tăng nặng chế tài xử phạt; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người nông dân tiếp cận tốt hơn các luồng thông tin.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đưa ra năm giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, rà soát lại những vấn đề tồn tại của hệ thống pháp luật để kiện toàn nhằm xử lý triệt để, nghiêm minh.

Thứ hai, phối hợp giữa ngành nông nghiệp, công an, biên phòng, hiệp hội, doanh nghiệp… nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cả mặt hành chính, thương mại để có giải pháp tối ưu nhất nhằm gây dựng thương hiệu, phát huy sản phẩm tốt đến tay người tiêu dùng. Có các chương trình kết hợp với nhau để cơ quan chức năng xử lý nghiêm từ các tin tố giác.

Thứ ba, tập huấn tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho tất cả đối tượng bao gồm cả doanh nghiệp, đại lý, chính quyền địa phường, người dân để nhận biết rõ hàng giả, hàng nhái.

Thứ tư, tổ chức triển khai các mô hình chuỗi liên kết giữa hiệp hội, doanh nghiệp, người dân để đưa bộ sản phẩm có uy tín, thương hiệu đưa đến người dân.

Thứ năm, bản thân doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm phải có giải pháp bảo hộ với sản phẩm của mình, giúp cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm. Trên cơ sở đó hạn chế sản phẩm phân bón giả, nhái thương hiệu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm