Kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của nhiều doanh nghiệp niêm yết bỗng lãi hoá lỗ, lợi nhuận bốc hơi tới 80-90% sau kiểm toán. Những ngày gần đây, sự chú ý của thị trường đang đổ dồn vào Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC), khi lợi nhuận bốc hơi gần 92% sau kiểm toán. Sáu tháng đầu năm, KBC tự báo lãi hơn 2.400 tỷ, tuy nhiên kết quả này không được kiểm toán chấp nhận. Sau kiểm toán, lợi nhuận của KBC giảm gần 92%, chỉ còn 200 tỷ đồng.
Kiểm toán BCTC cho KBC, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y) nhận định do số lượng tài sản lớn và tính định giá phức tạp, việc soát xét định giá trên chưa được hoàn tất. E&Y cũng lưu ý rằng bút toán ban đầu của giao dịch chuyển nhượng này đang được xác định tạm thời trên BCTC hợp nhất bán niên dựa trên giá trị sổ sách tài sản thuần của công ty tại ngày mua. Việc hoàn tất kế toán ban đầu sẽ được thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày mua.
Những ngày gần đây, sự chú ý của thị trường đang đổ dồn vào KBC, khi lợi nhuận bốc hơi gần 92% sau kiểm toán (ảnh minh họa)
Cũng trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) "bốc hơi” tới 89% sau soát xét. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của TTF giảm 42% từ 8 tỷ đồng xuống còn hơn 4 tỷ đồng. Theo giải trình của TTF, sự chênh lệch này là do công ty ghi nhận bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi do đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản nợ phải thu từ các công ty con.
Trước đó, TTF đã có “tiền sử” đưa báo cáo thiếu tin cậy. Kiểm toán vào cuộc, năm 2021, TTF lỗ ròng gần 9 tỷ đồng, dù trước đó theo báo cáo tự lập, Công ty công bố lãi ròng gần 9 tỷ đồng. Năm 2017, TTF cũng từng mất 91% lợi nhuận sau kiểm toán. Năm 2016, nhà đầu tư từng tháo chạy khỏi TTF, cổ phiếu giảm sàn 13 phiên liên tiếp khi BCTC quý 2/2016 ghi nhận khoản lỗ bất ngờ hàng nghìn tỷ đồng.
Kiểm toán xác định, khoản lỗ trên là do đơn vị đã phát hiện có tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu khi kiểm kê trong giá vốn hàng bán. Việc trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi và hàng tồn kho bị thiếu khiến công ty rơi vào thua lỗ nặng. Đơn vị kiểm toán từ 2011 - 2015 cho TTF là Công ty kiểm toán DFK Việt Nam chấp nhận toàn phần các báo cáo trước đó. Ở vụ việc TTF chấn động khi ấy, UBCKNN sau đó đình chỉ tư cách của hai kiểm toán viên thuộc DFK, việc xử lý dừng ở đó.
Giám sát chặt DN có "tiền sử" thiếu tin cậy
Dù chưa có thống kê chính thức về tỉ lệ điều chỉnh BCTC của doanh nghiệp niêm yết, nhưng theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài Chính, ĐH Kinh tế TPHCM, con số này được thống kê có năm lên tới 20-30%. Vấn đề này xảy ra ở hầu hết các nước, có thể ở tỷ lệ 5-7%, còn cao hơn như hiện nay thì rất báo động.
Ông Chí khuyến nghị, về dài hạn, cơ quan quản lý cần xây dựng lại tiêu chuẩn cho BCTC. Còn trước mắt, với báo cáo bất thường, doanh nghiệp được yêu cầu giải trình, nhưng cơ quan quản lý không có ý kiến, xem hợp lý hay không. "Nhà đầu tư nên thận trọng với doanh nghiệp có lịch sử công bố BCTC thiếu minh bạch, điều chỉnh nhiều lần. Đây cũng là dấu hiệu cho cơ quan quản lý phải hành động, không để doanh nghiệp công bố BCTC “đẹp”, rồi làm giá cổ phiếu, sau đó kiểm toán vào cuộc, lợi nhuận sụt giảm, cổ phiếu điều chỉnh", TS Lê Đạt Chí nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, những doanh nghiệp thường xuyên có sai sót, phải điều chỉnh BCTC, cần được đưa vào một dạng danh sách cảnh báo của UBCKNN. Đây là cách làm nhiều nước áp dụng, “dán nhãn” cảnh báo vào các doanh nghiệp thiếu minh bạch, để nhà đầu tư theo dõi. “Hiện có 2 niên độ kiểm toán BCTC phổ biến là 6 tháng và 1 năm. Doanh nghiệp cứ có 2 lần đưa BCTC thiếu tin cậy, sẽ bị đưa vào danh sách cảnh báo, nâng dần mức độ nếu tiếp tục vi phạm", ông Minh khuyến nghị.