Doanh nghiệp

Doanh nghiệp đề nghị nghiên cứu hạ lãi suất cho vay nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đánh giá việc triển khai nhà ở xã hội ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu - Ảnh: VGP

Bộ Xây dựng đánh giá việc triển khai nhà ở xã hội ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu - Ảnh: VGP

Theo Bộ Xây dựng, để tháo gỡ về chính sách nhà ở xã hội, dự kiến tháng 5-2024, các văn bản hướng dẫn các luật Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng sẽ được trình Chính phủ, làm cơ sở để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội cho phép các luật có hiệu lực sớm, dự kiến 1-7-2024. 

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất gói 120.000 tỉ đồng phù hợp từng giai đoạn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả nguồn vốn. 

Có địa phương chưa động tĩnh gì

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí đủ nguồn vốn từ nguồn đầu tư công cho Ngân hàng Chính sách Việt Nam để cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2024-2025 nhu cầu là 12.000 tỉ đồng, ngân sách nhà nước cấp 50% là 6.000 tỉ đồng, mỗi năm cấp 3.000 tỉ đồng.

Các bộ Công an, Quốc phòng phấn đấu trong năm nay, mỗi bộ sẽ thực hiện 5.000 căn hộ; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phấn đấu thực hiện 2.000 căn hộ. Các đơn vị chuẩn bị quỹ đất, nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện. 

Các đề xuất trên của Bộ Xây dựng đưa ra trên cơ sở thời gian qua, nguồn cung nhà ở xã hội dù đã được cải thiện song chưa đáp ứng yêu cầu. Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng, nhưng mới giải ngân được 640 tỉ đồng.

Đáng nói, một số thành phố lớn, tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở xã hội cao nhưng đăng ký nhà ở xã hội hình thành trong năm 2024 thấp như: Hà Nội 1.181 căn, TP.HCM 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn... Một số địa phương chưa có động tĩnh gì trong triển khai nhà ở xã hội.

Hiện mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Như vậy còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay. Lãi suất áp dụng cho chủ đầu tư 8% cho 3 năm, người mua nhà là 7,5% cho 5 năm chưa thực sự thu hút người vay.

Doanh nghiệp muốn bù chênh lệch lãi suất

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, phó tổng giám đốc Tổng công ty Becamex, cho hay trong quý 1 này sẽ khởi công 2.000 căn hộ, đã kêu gọi sự đồng hành các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, lãi vay cho người lao động vẫn còn cao và thời gian vay cho người lao động còn ngắn. 

Ông Nguyễn Việt Quang - phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup - cũng cho rằng việc tiếp cận các nguồn vốn vay vẫn chưa thuận lợi. Mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội còn cao. 

Trong khi đó, số lượng thủ tục nhà ở xã hội đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại, với tổng thời gian từ khi triển khai đến khi khởi công thường khoảng 2 năm. Chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư xây dựng các công trình hạng mục này chưa rõ ràng. 

Vì vậy ông Quang cho rằng nếu chủ đầu tư thực hiện đầu tư đồng bộ các công trình này thì dễ dẫn đến tăng chi phí, tăng giá bán nhà ở xã hội. 

Ông kiến nghị cần xem xét cắt giảm tối đa các thủ tục, ban hành danh mục các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được ngân sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất đối với các diện tích công trình dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.

Đồng thời xem xét điều chỉnh lại suất vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội, lãi suất cho vay. Trên cơ sở ngân sách thực hiện, cấp bù chênh lệch lãi suất nếu chủ đầu tư, khách hàng vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư xây dựng và thuê, mua nhà ở xã hội.

Ông Trương Anh Tuấn - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân cũng kiến nghị Chính phủ có thể nghiên cứu dành ra một khoản từ 1 - 2% bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại.

Cũng đặt câu hỏi tại sao gói 120.000 tỉ đồng không áp dụng cho những khách hàng đã mua nhà tại dự án đã hoàn thành, ông Tuấn đề xuất kiến nghị gói này dành cho cả khách hàng đã mua những dự án đã hoàn thành nhưng chưa được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm