Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch khá giằng co, dù điểm số có tăng lên so với tuần trước.
Kết tuần, VN-Index tăng 1,3% lên 1.263,78 điểm, còn HNX tăng 1,4% lên 239,54 điểm và UPCoM tăng 0,2% lên 91,35 điểm.
Ngân hàng Nhà nước chào bán tín phiếu trở lại sau 4 tháng tạm ngưng để điều tiết tỉ giá, hay hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024. Đến cuối tuần, phiên tái cơ cấu ETF là chất xúc tác khiến VN-Index có lúc giảm hơn 11 điểm.
Còn điểm tích cực, thanh khoản cả 3 sàn tiếp tục tăng gần 16% so với tuần trước, đạt 30.135 tỉ đồng/phiên. Nhà đầu tư trong nước vẫn tiếp tục "gánh" thị trường, trong khi khối ngoại chưa dừng đà bán ròng.
Tuần qua, khối ngoại bán ròng chủ yếu trên HoSE 2.609 tỉ đồng, cao gấp 2,6 lần tuần trước. Tổng cả 3 sàn, khối ngoại bán ròng 2.850 tỉ đồng tuần qua.
Ông Nguyễn Huy Phương - chuyên gia phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng thị trường có biên dao động khá rộng nhưng nhìn chung vẫn trong trạng thái tranh chấp với thanh khoản duy trì ở mức cao.
"Trạng thái tranh chấp này một phần là do hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF. Với trạng thái ổn định của điểm số, có khả năng thị trường sẽ có thêm thời gian để thăm dò cung cầu trong thời gian tới trước khi có tín hiệu cụ thể hơn", ông Phương nhấn định.
Thêm nữa, trạng thái phân hóa có thể sẽ diễn biến mạnh trong giai đoạn giằng co này. Do vậy, ông Phương cho rằng nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường.
"Hiện tại nên ưu tiên các cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ để nắm giữ, tuy nhiên nên cân nhắc chốt lời các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng kháng cự hoặc đang có diễn biến thận trọng tại vùng kháng cự", ông Phương khuyến nghị.
Còn theo ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích VNDirect, thị trường chứng khoán đã phản ứng không quá tiêu cực về động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước.
"Điều này là nhờ thị trường hiện tại đang có nhiều yếu tố hỗ trợ so với thời điểm cơ quan điều hành có động thái tương tự vào năm ngoái", ông Hinh nói.
Các yếu tố hỗ trợ được chuyên gia nhắc tới, bao gồm: triển vọng phục hồi kinh tế rõ rệt hơn, bức tranh kết quả kinh doanh quý 1 dự kiến tích cực và là bệ đỡ cho thị trường và dòng tiền trong nước đang khá quyết liệt.
Thanh khoản thị trường chứng khoán đang được hậu thuẫn bởi lãi suất thấp và tâm lý kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng thị trường, ông Hình nhìn nhận. Nhìn chung, xu hướng tăng từ đầu năm của thị trường vẫn chưa bị xâm phạm và chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại vùng kháng cự quanh 1.280 điểm trong tuần tới.
Nhiều mã hướng tới giá đỉnh lịch sử
Bất chấp diễn biến giằng co, theo thống kê nhóm phân tích Chứng khoán SHS, trong tuần vẫn có rất nhiều mã/nhóm mã tăng giá mạnh.
Nổi bật là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su, nhiều mã tăng giá mạnh, thanh khoản đột biến hướng đến vùng giá đỉnh lịch sử năm 2021, 2022 như GVR (+19,31%), DPR (+19,06%), SIP (+11,34%), VGC (+10,52%), SNZ (+9,94%), PHR (+9,07%)... Trừ BCM (-2,60%), ITA (-1,62%)...
Các cổ phiếu bất động sản mặc dù phân hóa rất mạnh và là nhóm có diễn biến kém tích cực so với thị trường chung từ đầu năm đến nay, nhiều mã cũng có thanh khoản đột biến, tăng giá mạnh trong tuần như VRC (+16,01%), NHA (+12,95%), NTL (+9,10%), HDC (+8,99%), CSC (+8,39%)... Ngược lại, một số mã có trạng thái điều chỉnh như FIR (-6,13%), CCL (-3,30%), AGG (-2,19%)...
Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến khá tích cực nổi bật so với thị trường chung, đa số mã tăng giá mạnh hướng đến các vùng đỉnh cũ, khi có nhiều thông tin tích cực về kế hoạch tăng vốn... nổi bật như VCI (+12,23%), VDS (+10,58%), FTS (+7,93%), VIX (06,94%)... Ngoài VIG (-2,27%), TCI (-1,48%), EVS (-1,14%)...
Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến kém tích cực hơn, ảnh hưởng mạnh đến biến động liên tục của chỉ số trong tuần, đa số giảm điểm, thanh khoản dưới mức trung bình với PGB (-3,45%), LPB (-3,22%), NAB (-2,66%), SHB (-2,56%)...