Theo quy định trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022 mới được ban hành,doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng.
Tại họp báo chuyên đề Giới thiệu Luật Kinh doanh bảo hiểm mới chiều 16/9, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, cho biếtLuật quy định không cho các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư kinh doanh bất động sản là nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư vì đây là lĩnh vực rủi ro.
Đồng thời, quy định này cũng thống nhất với quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Luật Các tổ chức tín dụng. Theo quy định trước đó, doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư kinh doanh bất động sản tối đa 10% hoặc 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ.
“Luật Kinh doanh bảo hiểm vẫn khuyến khích các doanh nghiệp tái đầu tư nguồn lực vào nền kinh tế, nhưng cần đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp bảo hiểm mà lại kinh doanh rủi ro như đầu tư toàn bộ vào bất động sản, hay các kênh rủi ro khác thì không phù hợp với quy chuẩn chung của ngành”, ông Huyền nói.
Tuy nhiên, theo ông, các doanh nghiệp vẫn có thể đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, nếu không sử dụng hết vẫn có thể cho thuê theo nhu cầu thực tế. Họ cũng có thể giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm.
Trả lời câu hỏi về việc giám sát quá trình thực thi các quy định này ra sao, ông Huyền cho biết với việc đầu tư bất động sản, cơ quan quản lý sẽ đánh giá thông qua cơ chế hậu kiểm, thông qua giám sát từ xa (qua báo cáo tài chính) hoặc kiểm tra, thanh tra tại chỗ. "Nếu doanh nghiệp bảo hiểm có đầu tư bất động sản sẽ có biện pháp để phát hiện và xử lý nghiêm", lãnh đạo Cục quản lý, giám sát bảo hiểm khẳng định.
Về việc đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, ông cho rằng đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí đảm bảo công khai minh bạch, có tính an toàn cao. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro.
Với các doanh nghiệp hiện có hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ông cho biết các trường hợp này sẽ có thời gian 5 năm để điều chỉnh thực hiện theo quy định mới. "Các doanh nghiệp sẽ phải chuyển đổi, cơ cấu lại danh mục đầu tư nhằm đáp ứng quy định mới," ông Huyền thông tin.
Số liệu từ Bộ tài chính cũng cho hay trong hai năm vừa qua tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm Việt Nam đang dẫn đầu trong khu vực, mặc dù có những yếu tố bất lợi về dịch bệnh, bất ổn chính trị.
Tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của ngành bảo hiểm ước đạt 200.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020, nhưng đến hết tháng 8/2022, con số này đã lên tới hơn 645.800 tỷ đồng, cho thấy thị trường bảo hiểm có sự tăng trưởng đáng kể và góp phần ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng tích lũy cho nền kinh tế.