Đó là khẳng định của ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Công nghệ thông tin Suntory PepsiCo Việt Nam tại buổi chia sẻ với các doanh nghiệp về chủ đề sản xuất thông minh, chiều 17/3. Trong đó, sản xuất thông minh được ông định nghĩa là việc áp dụng công nghệ vào tất cả các khâu trong quy trình sản xuất của doanh nghiệp; quản lý công việc, chỉ số, báo cáo thông qua các phần mềm, ứng dụng; quản lý tập trung dữ liệu của mọi khâu, mọi bộ phận theo thời gian thực.
Lãnh đạo Suntory PepsiCo nhận định sản xuất thông minh là mục tiêu nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước muốn hướng đến. Để hiện thực hóa mục tiêu này, doanh nghiệp cần phải trải qua quá trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên, đây là mục tiêu không dễ thực hiện, bởi theo ông Minh, việc áp dụng công nghệ sẽ khiến toàn bộ cách thức làm việc trước đây bị đảo lộn, đòi hỏi con người, nhân sự phải chấp nhận thay đổi, làm mới và thích nghi. Quá trình này sẽ tiêu tốn của doanh nghiệp cả về chi phí, nguồn lực lẫn thời gian.
Lấy ví dụ thực tiễn, ông Minh cho biết: "Trước đây Suntory Pepsico đã quen quản lý dữ liệu một cách thủ công, bằng giấy tờ. Điều này khiến chúng tôi tốn thời gian và khó quản lý dữ liệu theo thời gian thực. Vì thế, cả bộ máy phải học cách thích nghi để thay đổi phương thức vận hành. Trong những tháng đầu tiên có nhiều trục trặc đòi hỏi doanh nghiệp phải chấp nhận. Tuy nhiên, sau đó, chất lượng trong công việc là điều chúng tôi có thể cảm nhận được".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phạm Vĩnh Khương - Giám đốc quốc gia Aruba cho rằng chuyển đổi số nên được hiểu là việc thay đổi thói quen của nhân sự, cách vận hành của một doanh nghiệp để có thể sử dụng công nghệ một cách tốt nhất. "Điều quan trọng là nội tại doanh nghiệp phải đồng lòng, chấp nhận đổi mới thì mới nhanh chóng tiến đến sản xuất thông minh", lãnh đạo Aruba khẳng định.
Tại buổi chia sẻ, ông Phạm Hoàng Minh cũng cho rằng dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình tiến đến sản xuất thông minh. Một đơn vị cần biết cách khai thác tối đa dữ liệu từ mọi khâu trong quy trình. Dữ liệu từ hệ thống sản xuất OT (Operational Technology), bán hàng, tài chính và các phòng ban cần được kết nối xuyên suốt để phục vụ cho giám sát theo thời gian thực. Điều này sẽ giúp chủ doanh nghiệp đưa ra được quyết định nhanh chóng, chính xác và kịp thời.
Tiếp đến là vấn đề tự động hóa. Quy trình sản xuất nên được tự động hóa theo hướng thông minh để tiết kiệm thời gian vận hành. Ông Minh cho rằng, việc giảm thời gian sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Để hai quá trình khai thác dữ liệu và tự động hóa diễn ra tốt nhất, đội ngũ IT nắm vai trò rất quan trọng. Theo chuyên gia, IT ngoài là đội ngũ triển khai các giải pháp kỹ thuật còn phải am hiểu về quy trình kinh doanh, bán hàng, nắm được mối quan hệ, cách tương tác giữa các phòng, ban để có thể xây dựng được giải pháp, tích hợp các công nghệ phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp.
Ông Minh còn cho rằng các đơn vị cần vạch ra tầm nhìn dài hạn, 5 năm hoặc 10 năm và có lộ trình phát triển cho từng năm để tìm được giải pháp phù hợp cho từng khâu, từng bộ phận. Quá trình này theo ông không phải là áp dụng một app, một công nghệ riêng lẻ cho mỗi khâu mà cần có sự nghiên cứu để liên kết mọi quy trình trong doanh nghiệp thành một khối thống nhất.
Trong đó, hiện đại hóa hạ tầng mạng là bước cơ bản đầu tiên mà các đơn vị cần triển khai. Hạ tầng mạng sẽ đóng vai trò kết nối mọi dữ liệu từ các khâu, là cổng IoT giúp quá trình giám sát thời gian thực diễn ra trơn tru hơn. Nói cách khác, không có mạng sẽ không có sản xuất thông minh. Một hệ thống mạng tốt cần có tính thống nhất, độ bảo mật cao, tự động và linh hoạt mở rộng, đồng thời phải dễ dàng sử dụng, quản lí.
Đó cũng là lý do Suntory PepsiCo Việt Nam đã chọn giải pháp mạng của Aruba cho tất cả các văn phòng và nhà xưởng của mình. Theo ông Minh, hiện đại hóa hạ tầng mạng là bước đi đầu tiên để hiện thực hóa mục tiêu của Suntory PepsiCo để 70% quy trình sẽ được số hóa, 100% dữ liệu, báo cáo sẽ được tự động hóa vào năm 2026. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo còn cho biết, từ khi lắp đặt hạ tầng mạng Aruba và áp dụng hệ thống robot vào sản xuất, doanh nghiệp này đã tiết kiệm được hơn 1.000 giờ lao động mỗi tháng.
Một vấn đề nữa được bàn luận tại buổi talk show là văn hóa chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của các doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Phạm Vĩnh Khương, doanh nghiệp cần có mạng lưới đối tác, đồng minh, bạn hàng để chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm, kiến thức áp dụng giải pháp số hóa. Tuy nhiên, văn hóa này tại Việt Nam chưa thật sự phát triển và cần được xây dựng mạnh hơn trong thời gian tới.
Lãnh đạo Aruba cho biết, Aruba mong muốn không chỉ cung cấp giải pháp về kết nối hạ tầng mạng mà còn kết nối cộng đồng doanh nghiệp sản xuất để tạo ra môi trường cho lực lượng IT giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong thời đại công nghệ liên tục đổi mới như hiện nay.