Địa ốc Hoàng Quân (HQC) thời gian gần đây đang gây chú ý trước thông tin một nhóm cổ đông bên ngoài muốn tranh quyền lực với ban lãnh đạo hiện hữu. Đỉnh điểm tối ngày 22/3/2022, nhóm cổ đông ngoài đã có động thái mạnh, "lộ diện" và gửi văn bản yêu cầu đề cử người của mình vào HĐQT.
Trước khi nhóm Louis nhảy vào: Ban lãnh đạo từng thoái vốn mạnh, tỷ lệ vốn trôi nổi hơn 86%
Đáng chú ý, nhóm này liên quan đến Louis Holdings – cái tên khá đình đám trên thị trường năm 2021 với loạt thương vụ M&A và sự tăng bất thường của cổ phiếu liên quan. Hiện, nhóm Louis được biết đã sở hữu 10,25% vốn HQC (tính đến ngày 12/3/2022), theo đó muốn đề cử bà Nguyễn Giang Quyên – Tổng Giám đốc Louis Land (BII) - vào HĐQT trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 của HQC tới đây.
Phản ứng lại, phía HQC chưa đồng ý và cho rằng văn bản của nhóm cổ đông không có đầy đủ chữ ký và con dấu đối với các cổ đông là pháp nhân. Trước đó, Công ty cũng đã dừng kỳ họp ĐHĐCĐ và huỷ bỏ danh sách cổ đông chốt quyền tham dự đại hội vào ngày 7/2.
Đặc biệt, Công ty cũng trình phương án phát hành thêm lượng lớn cổ phiếu để hoán đổi nợ. Động thái này được cho là nhằm gia tăng sở hữu của ban lãnh đạo, bao gồm Chủ tịch Trương Anh Tuấn, trong bối cảnh căng thẳng hiện tại.
Cần nhấn mạnh, trước khi có sự xuất hiện của nhóm Louis, cơ cấu cổ đông HQC khá phân tán với hơn 86% vốn Công ty trôi nổi trên thị trường. Tính đến cuối năm 2021, Chủ tịch chỉ nắm 3,43% vốn, các bên liên quan cũng sở hữu khá ít. Duy nhất ông Lê Văn Lợi là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 5,92% vốn. Được biết, đầu năm nay ông Lợi đã mua thêm và tăng sở hữu lên hơn 6% vốn.
Giữa cuộc chiến tranh quyền, câu hỏi lớn đặt ra HQC có gì hấp dẫn?
Từng là doanh nghiệp dẫn đầu phân khúc nhà ở xã hội (NOXH) toàn khu vực phía Nam, những năm 2014-2015 HQC gần như hưởng lợi trọn gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ nhờ thế "một mình một ngựa".
Bước sang năm 2016, chính sách NOXH thay đổi khiến HQC lao dốc không phanh, không chỉ chỉ số kinh doanh mà cổ phiếu cũng bay hơi mạnh. Cần nhấn mạnh, ngay cả ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch và là người sáng lập HQC cùng nhóm liên quan từng sở hữu gần 20% vốn vào cuối năm 2020 cũng đã bán ra lượng lớn cổ phiếu, đưa tỷ lệ xuống dưới mức 5% vốn.
"5 năm qua là tâm điểm bão táp, thất bại trong những dự án NOXH. Giá cổ phiếu lao dốc, còn ngân hàng thì rút vốn tín dụng", ông Tuấn từng phân trần với cổ đông.
Kinh doanh kém sắc khiến các kỳ họp ĐHĐCĐ không mấy vui vẻ. Đến năm 2020, Chủ tịch trấn an và gửi gắm một kỳ vọng mới. Lúc bấy giờ theo ông, thị trường đang có tín hiệu mới, đặc biệt từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua Nghị quyết 41. Điểm tích cực của dự thảo là sự điều chỉnh theo hướng tốt hơn liên quan đến biên lợi nhuận cho nhà đầu tư, chuyển đổi hợp tác dự án…
Dù vậy, thực tế vẫn tiếp tục đi lùi, năm 2020 lợi nhuận Công ty giảm xuống dưới 10 tỷ đồng – chỉ bằng ¼ năm 2019 – đánh dấu 5 năm miệt mài lao dốc. Sang năm 2021, ban lãnh đạo quyết định chuyển hướng sang bất động sản thương mại. Công ty cho biết sẽ thoái vốn hoặc hợp tác toàn bộ các dự án NOXH, liên kết với các đối tác (trong ngoài nước để làm dự án thương mại). Cũng đặt kế hoạch lớn cho năm 2021, tuy nhiên lợi nhuận cuối năm tiếp tục giảm mạnh còn vỏn vẹn 4 tỷ đồng – bằng phân nửa năm ngoái.
Cổ phiếu cũng lao dốc theo chỉ số kinh doanh.
Dư nợ mượn tiền cá nhân liên tục tăng mạnh, không có "của để dành" dù quy mô vốn hơn 4.700 tỷ
Không chỉ kinh doanh kém sắc, chỉ số tài chính của HQC so với các đơn vị cùng ngành cũng không mấy nổi trội. Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản Công ty gần 9.237 tỷ đồng tổng tài sản, tăng thêm 33% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt Công ty khá thấp (~30 tỷ), còn lại đa số nằm ở khoản mục phải thu.
Về nợ, tổng nợ Công ty hiện chiếm hơn 4.986 tỷ đồng. Đặc biệt, dư nợ chủ yếu là từ các cá nhân liên quan, trong năm 2021 Chủ tịch cũng móc hầu bao cho Công ty mượn thêm 1.110 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, Công ty đang mượn tiền ngắn hạn 2.076 tỷ đồng (đầu năm chỉ khoảng 757 tỷ), tiền mượn dài hạn cũng đột biến lên 1.201 tỷ đồng. Ngoài ra, HQC còn đang có khoảng vay cá nhân 13 tỷ đồng (lãi suất 12%/năm, đây là các khoản nợ phát sinh đầu năm 2021 liên quan đến dự án HQC Plaza).
HQC cũng đang cầm 832 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn…
Về vốn, vốn chủ Công ty vào mức 4.766 tỷ đồng. Dù quy mô tương đối lớn, song kinh doanh sa sút nhiều năm liền khiến LNST giữ lại chỉ khoảng 30 tỷ đồng, thặng dư vốn đang âm hơn 462 tỷ đồng.
Điều hấp dẫn nằm tại các dự án đang triển khai?
Với những luận điểm trên, điều hấp dẫn có lẽ nằm tại các dự án HQC đang hợp tác triển khai, theo định hướng tập trung bất động sản thương mại từ đầu năm 2021.
Năm 2020, HQC đã có động thái mua lại Hoàng Quân Bình Thuận và Hoàng Quân Cần Thơ, đây cũng là động thái cấn trừ nợ trong bối cảnh nợ quá hạn lớn.
Năm 2021, Công ty mua thêm và tăng sở hữu lên 40% vốn Công ty Simon, gia tăng vốn tại Hoàng Quân Bình Thuận lên 44% vốn; tăng sở hữu tại Hoàng Quân Cần Thơ lên 39%.
Theo HQC, Hoàng Quân Bình Thuận sở hữu 160ha đất khu công nghiệp và khu dân cư. Và HQC sẽ đầu tư lớn ở Bình Thuận. Theo đó, việc góp vốn không chỉ để chia lợi nhuận mà cơ hội hợp tác rất lớn, cả về quỹ đất lẫn cơ hội trong tương lai.
Còn Hoàng Quân Cần Thơ đang sở hữu lợi thế đầu tư, phát triển dự án tại khu vực Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Hay Simon cũng đang đầu tư dự án có diện tích đất hơn 51 ha tại Đắk Lắk: Đây là dự án được quy hoạch với các sản phẩm nhà liên kế vườn, nhà phố, biệt thự đơn lập - song lập và biệt thự vườn kết hợp nông trại, khu du lịch sinh thái…
Ngoài ra HQC cũng đang có dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn 50 triệu USD tại Mỹ. Đây là dự án nhà ở cho thuê với 2 tầng hầm và 7 tầng nổi, 216 căn hộ. Chính phủ Mỹ cũng tài trợ cho dự án này.