Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch ngày 23/3 khá tích cực khi chỉ số VN-Index duy trì sắc xanh trong suốt phiên giao dịch buổi sáng. Tuy nhiên, trong phiên chiều các chỉ số đại diện dần hụt hơi và đánh mất sắc xanh.
Kết thúc phiên giao dịch 23/3, VN-Index giảm 1,44 điểm (0,1%) xuống 1.502,34 điểm, phiên đỏ nhẹ hôm nay chính thức ngắt chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp của VN-Index.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng 0,75 điểm (0,16%) lên 462,1 điểm, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (0,19%) xuống 116,58 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch khoảng hơn 1,06 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 33.833 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch trên HOSE là 28.038 tỷ đồng.
Trái ngược với diễn biến tiêu cực của chỉ số VN-Index, trong phiên giao dịch ngày 23/3, mã cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tiếp tục ghi nhận mức tăng 13.700 đồng/cổ phiếu, để đóng cửa ở mức giá 227.100 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 6,42% so với phiên liền trước.
Ông Đào Hữu Huyền đang trực tiếp sở hữu khối tài sản hơn 7.100 tỷ đồng
Đây cũng là phiên tăng điểm mạnh thứ 3 liên tiếp trong tuần này của DGC. Theo đó, chỉ sau 3 phiên giao dịch tuần này, DGC đã ghi nhận mức tăng 38.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của doanh nghiệp tăng lên thành hơn 38.852,2 tỷ đồng.
Đà tăng mạnh của DGC trong 3 phiên giao dịch gần đây giúp khối tài sản của đại gia 66 tuổi người gốc Hưng Yên, Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp và các thành viên trong gia đình ghi nhận tăng mạnh.
Theo báo cáo quản trị năm 2021 của doanh nghiệp cho biết ông Đào Hữu Huyền đang trực tiếp nắm giữ hơn 31,6 triệu cổ phiếu DGC tương đương tỷ lệ 18,5%. Tính theo giá thị trường, khối tài sản đại gia 66 tuổi đang nắm giữ có giá trị lên tới gần 7.191 tỷ đồng. Với khối tài sản này, ông Huyền leo lên vị trí thứ 24 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Lan - vợ ông Huyền cũng đang nắm giữ hơn 6,5 triệu cổ phiếu DGC, người con trai Đào Hữu Duy Anh - Tổng giám đốc DGC nắm giữ hơn 5 triệu cổ phiếu doanh nghiệp và người con gái Đào Hồng Hạnh cũng đang nắm giữ gần 2,4 triệu cổ phiếu DGC.
Tổng cộng 4 thành viên trong gia đình ông Huyền đang nắm giữ gần 45,6 triệu cổ phiếu của DGC tương đương giá thị trường lên tới hơn 10.348 tỷ đồng.
Ngoài những thành viên kể trên, những người liên quan đến gia đình ông Huyền như mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ, con dâu, con rể, em trai và em gái cũng đang nắm giữ từ vài chục nghìn đến cả chục triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Khối tài sản những người thân khác của ông Huyền nắm giữ mỗi người cũng sở hữu từ vài chục tỷ đến gần 3.000 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, trong năm 2021, DGC đạt doanh thu 9.550 tỷ đồng, tăng 53% và lợi nhuận sau thuế là 2.514 tỷ đồng, tăng 165% so với năm trước, hoàn thành 126% kế hoạch doanh thu và 228% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu chiếm đến hơn 72% doanh thu cả tập đoàn. Giá trị tổng tài sản của DGC cũng tăng 45% lên 8.520 tỷ đồng trong năm 2021. Sang năm 2022, DGC đặt kế hoạch doanh thu 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng.
Ông Đào Hữu Duy Anh cũng đang sở hữu hơn 5 triệu cổ phần doanh nghiệp mình làm Tổng giám đốc
Nhận định về thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 24/3, các chuyên gia của CTCK BIDV (BSC) dự báo thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh vùng 1.505 để tích lũy, lấy đà bật lên vùng kháng cự 1.520 điểm; nếu không, thị trường có thể quay về tích lũy quanh ngưỡng 1.485 điểm một vài phiên do hiện tại chỉ số đã đi khá xa so với các đường MA ngắn hạn và có thể quay trở lại test những đường này.
Các chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) nhận định trong phiên giao dịch 24/03, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.495 – 1.500 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.485 – 1.490 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Trong khi đó, các chuyên gia của CTCK Đông Á (DAS) cho rằng dầu khí và thép là các nhóm cổ phiếu thu hút quan tâm của nhiều nhà đầu tư, dù bị chốt lời nhưng vẫn còn dư địa tăng ngắn hạn do hưởng lợi về sản lượng và giá bán tăng khi căng thẳng địa chính trị làm ảnh hưởng nguồn cung trên thị trường thế giới. Các nhóm cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm đã tăng trở lại, do đã có nhịp điều chỉnh trước đó nên nhóm này có mức độ rủi ro thấp và được dòng tiền chọn mua trong những phiên tiếp theo.
Trong những phiên thị trường điều chỉnh ngắn hạn, nhà đầu tư được khuyến nghị có thể giải ngân nhóm ngành ngân hàng, bảo hiểm và các nhóm ngành còn tiềm năng tăng giá khác như dầu khí, thép, hóa chất hưởng lợi từ việc khan hiếm nguồn cung trên thị trường thế giới.