Chứng khoán

"Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam không còn rẻ"

Trong hội thảo Triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán 2024, Fiingroup (công ty chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu tài chính, phân tích ngành và dịch vụ xếp hạng tín nhiệm) đưa ra thống kê mức định giá toàn thị trường P/E (hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu) tính đến ngày 8/11 là 13,1 lần. Con số này thấp hơn mức trung bình giai đoạn 2015 (khoảng 14,2 lần). Do đó, nhận định phổ biến hiện nay là chứng khoán đang có mức giá rẻ và hấp dẫn.

Tuy nhiên, bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng nhóm phân tích dữ liệu chứng khoán Fiingroup - lưu ý trên thị trường, đa số là nhà đầu tư cổ phiếu không phải nhà đầu tư chỉ số. "Do vậy, nhà đầu tư cần soi chiếu vào các lớp ngành, cổ phiếu sâu hơn", bà nói.

Fiingroup tính toán rằng nếu trừ ra hai nhóm tài chính và bất động sản, P/E hiện khoảng 23,5 lần - trong vùng đỉnh giá lịch sử của thị trường. Con số này thậm chí còn cao hơn cả P/E phi tài chính ở giai đoạn thị trường thuận lợi năm 2021.

Các cổ phiếu đang có định giá cao đều rơi vào nhóm ngành đón sóng dòng tiền thời gian tới như thép, đầu tư công, hóa chất - phân bón, tiêu dùng. Hầu hết trong số này đều là các mã có vốn hóa vừa và nhỏ, hai nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường từ đầu năm đến nay với hiệu suất lần lượt đạt 27,1% và 24,7%.

"Cần nhìn nhận thẳng với nhau rằng, chúng ta đang nắm giữ cổ phiếu trên một mặt bằng đỉnh của định giá", bà Vân nói.

Mặt bằng định giá, nếu không tính ngành tài chính và bất động sản, đang ở đỉnh lịch sử. Nguồn: Fiingroup

Mặt bằng định giá, nếu không tính ngành tài chính và bất động sản, đang ở đỉnh lịch sử. Nguồn: Fiingroup

Nhận định trên đưa ra góc nhìn khác so với hầu hết báo cáo phân tích thị trường của các công ty chứng khoán và đơn vị quan sát trước đó. Các bên đều tính toán chỉ số P/E cuối tháng 10, đầu tháng 11 vào khoảng 11-13 lần. Do đó, kết luận chung là định giá hiện tại hấp dẫn so với các thị trường khác trên thế giới.

Bình luận với VnExpress, giám đốc phân tích của một công ty tư vấn đầu tư cho rằng việc phân chia định giá theo các nhóm tài chính, bất động sản và ngành khác là hợp lý để nhìn vào các lĩnh vực khác nhau của thị trường. Ở Mỹ, chỉ số S&P500 cũng có sự phân hóa rất lớn về định giá của các nhóm ngành theo từng giai đoạn, chẳng hạn hiện nay, nhóm công nghệ đang định giá cao trong khi các nhóm khác được định giá khá rẻ trong tương quan lịch sử.

Tuy nhiên, việc phân chia này giúp định hình các chiến lược đầu tư phù hợp từng thời kỳ trong tương quan danh mục hơn là nhận định cả thị trường. Nếu chia theo cách này, ở Việt Nam chiếm phần lớn sẽ là các ngành có tính chu kỳ cao (như thép). Do đó, ở các giai đoạn khó khăn nhất về lợi nhuận, tương ứng sẽ có P/E cao nhất và kết quả này chỉ đang phản ánh quá khứ. Thực tế, chỉ số P/E của các nhóm này thường giảm rất nhanh khi nền kinh tế hoặc chu kỳ ngành phục hồi.

Theo chuyên gia, trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế và lợi nhuận biến động mạnh, định giá P/E có độ tin cậy không cao bằng P/B (hệ số giá của một cổ phiếu so với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó) vốn có tính biến động thấp hơn. Do đó, nên xem xét thêm định giá P/B vào cạnh P/E để nhận xét về tính mắc rẻ của thị trường.

"Nếu xét tổng thể, định giá VN-Index hiện vẫn được xem là tương đối rẻ", giám đốc phân tích này nêu quan điểm.

Nhà đầu tư giao dịch chứng khoán tại một công ty ở quận 1, TP HCM, tháng 1/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư giao dịch chứng khoán tại một công ty ở quận 1, TP HCM, tháng 1/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Không xét các yếu tố kỹ thuật, chuyên viên phân tích một công ty chứng khoán có trụ sở ở Hà Nội cho rằng nhà đầu tư cũng tự cảm nhận được thị trường không còn giá rẻ qua nhiều tham số như tăng tưởng GDP chậm hơn dự kiến, giải ngân vốn đầu tư công chưa nhanh, tín dụng cho vay đối với nền kinh tế kém khả quan khi lực cầu từ doanh nghiệp thấp và tổng lợi nhuận sau thuế quý III vẫn suy giảm.

Trong khi trước đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng nhiều vào các yếu tố kể trên, đẩy thị trường chứng khoán liên tục đi lên, nhiều cổ phiếu tăng gấp 2-3 lần. Theo chuyên viên phân tích này, những con số thực tế không đáng mong đợi đưa đến nhận định về định giá thị trường đang ở vùng đỉnh.

Với quan điểm không còn "hàng giá rẻ", chuyên gia Fiingroup cho rằng đầu tư giá trị không còn là phương pháp trọng yếu. Để cổ phiếu quay về mức giá hấp dẫn hơn cần chỉ số VN-Index giảm mạnh, hoặc lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng cao.

Do đó, bà Hồng Vân khuyên nhà đầu tư cần tập trung vào các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh tốt để tránh rủi ro phải trả giá cho các kỳ vọng lợi nhuận quá đà. Đơn vị này đánh giá tích cực các nhóm công nghệ thông tin, dầu khí, thủy sản, may mặc, thép, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp, khai thác đá.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm