Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, CTCP Thế giới số (Digiworld - Mã: DGW) ghi nhận doanh thu thuần tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoáiđạt 6.065 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 68%đạt 180 tỷ đồng.
Doanh thu mảng máy tính xách tay và máy tính bảng (tablet) vẫn tăng trưởng 33% so với cùng kỳ lên 2.457 tỷ và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Digiworld. Quý IIIlà quý cao điểm của thị trường laptop, tuy nhiên trong năm nay nhu cầu không nhiều như trước.
Tuy vậy các mảng hàng khác lại ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Doanh thu mảng điện thoại di động tăng trưởng 74%, đạt 2.399 tỷ đồng nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại cùng với sự gia tăng thị phần của Xiaomi và sự đóng góp doanh thu từ dòng Iphone.
Doanh thu mảng thiết bị văn phòng tăng gấp đôi lên 908 tỷ đồng nhờ sự tăng trưởng của tất cả các sản phẩm như máy trạm, máy chủ, giải pháp an ninh,... Nhờ có thêm doanh thu từ thương hiệu mới Whirlpool và Tivi Xiaomi, mảng thiết bị gia dụng của DGW ghi nhận doanh thu 205 tỷ đồng, tăng 659%.
Trong khi đó, doanh thu hàng tiêu dùng giảm 22% về 96 tỷ do nhu cầu tiêu dùng giảm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của DGW đạt 17.984 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 528 tỷ, lần lượt tăng 38% và tăng 60% so với cùng kỳ, thực hiện 68% kế hoạch doanh thu và 66% mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm.
Tổng tài sản của Digiworld tính tới cuối tháng 9 đạt 6.609 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm, tập trung nhiều nhất vào khoản phải thu là 2.259 tỷ đồng, hàng tồn kho 2.723 tỷ đồng.
Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn từ chuỗi Thế Giới Di Động và chi nhánh là 576 tỷ đồng; từ chuỗi cửa hàng FPT Shop là 251 tỷ đồng; từ Phong Vũ là 98 tỷ đồng.
Lượng tiền, tương đương tiền giảm từ 1.494 tỷ đồng ngày đầu năm về 987 tỷ đồng cuối quý III, chiếm 15% tổng tài sản.
Nợ vay của Digiworld tính đến cuối kỳ là 2.372 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng, tăng 1.255 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Chi phí lãi vay do đó cũng tăng tương ứng gấp gần ba lần cùng kỳ lên hơn 57 tỷ đồng.