Khi xem tin tức về việc những người trẻ sinh sau 95 thường xuyên nhảy việc, tôi đã rất ghen tị, thật tuyệt khi ta còn trẻ, có dũng khí chống lại cả thế giới, dám "bye bye" sếp, tràn đầy nhiệt huyết vào tương lai.
Không muốn trở thành nạn nhân của PUA (PUA là tên viết tắt của Pick-up Artist, ban đầu có nghĩa là “nghệ sĩ bắt chuyện", vốn là để giúp các chàng trai một phần nào đó cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình, nhưng sau đó dần dần đi lệch hướng và trở thành những chiêu trò dụ dỗ, lừa dối tình cảm của người khác), đấu đá nội bộ nghiêm trọng trong công ty, làm thêm giờ quá nhiều hoặc thậm chí chỉ đơn giản là muốn tranh thủ khi còn trẻ thử thách bản thân một chút… có rất nhiều lý do khiến người ta nghỉ việc.
Với họ, nơi làm việc là sự lựa chọn hai chiều.
Nhưng tôi phải nói rằng, nhảy việc không phải là một trò chơi, đằng sau mỗi lần nhảy việc là thu nhập, nguồn lực và tương lai của một người, thường xuyên nhảy việc không phải chuyện tốt, không nhảy việc cũng chưa chắc đã là chuyện xấu.
Trên đời này không có công ty hoàn hảo
Trên mạng có một chủ đề như này: Bạn ghét nhất hành vi nào tại công ty?
Bồi hoàn khó: không chỉ phải ứng trước, mà tới khi báo bồi hoàn còn bị làm khó đủ kiểu, còn tặng thêm cho một nụ cười, làm như trò trẻ con vậy.
Team building: chiếm thời gian cuối tuần, còn là bắt buộc, mệt mỏi hai ngày nhưng hôm sau vẫn phải làm việc như bình thường.
Tăng ca: 9h sáng đi làm, 9h tối tan, tuần làm 6 buổi, dường như đã trở thành chuyện bình thường.
Nói chung, mọi công ty đều không hoàn hảo, nếu một người chỉ tập trung vào những thiếu sót của công ty, thì trên đời này có lẽ sẽ không có công việc nào là phù hợp.
Ảnh minh họa: Pexels
Nhưng thực tế hầu hết mọi người đều cần sử dụng công việc để nuôi sống gia đình, và dường như không có quá nhiều quyền để kén chọn.
Ngay cả khi thành lập công ty riêng, bạn cũng không thể làm những gì mình muốn chứ đừng nói đến việc chỉ là một nhân viên.
Đồng nghiệp cũ của tôi, Hân, đã thay đổi nhiều công việc trong ba năm kể từ khi tốt nghiệp: phục vụ, nhân viên bán hàng của cửa hàng nhượng quyền, dịch vụ khách hàng thương mại điện tử và thậm chí cả y tá bệnh viện. Mới ngoài 20 tuổi nhưng kinh nghiệm làm việc của Hân vô cùng phong phú.
Trong mô tả của cô ấy, mọi công ty cô ấy làm việc đều rất tệ, cách cô ấy than vãn khiến tôi cũng có suy nghĩ rằng những công ty đó chắc không tốt đẹp gì.
Nhưng sau khi thân thiết với nhau hơn, tôi phát hiện cô ấy cũng có vấn đề của riêng mình, cô ấy không phải là kiểu giỏi chịu khó áp lực, chỉ không hài lòng một chút thôi, cô ấy liền kêu ca và rời khỏi công ty.
Lần này gặp lại, cô ấy đang làm việc trong một công ty được 2 năm, tôi ngạc nhiên bởi hiếm khi có công ty nào có thể giữ chân cô ấy lâu được như vậy.
Rất hiếm khi cô ấy không kể về khuyết điểm công ty, thì ra cuối cùng, cô ấy đã hiểu rằng ở đâu cũng vậy, trọng tâm phải là làm việc chăm chỉ và kiếm tiền.
Thời gian của mỗi người là có hạn, bạn không thể thử sai không ngừng như vậy, chưa kể rằng không có cái gọi là một công ty hoàn hảo.
Thay vì rên rỉ và thở dài tại nơi làm việc, tốt hơn hết là bạn nên nắm bắt các nguồn lực và lợi thế mà công ty có thể cung cấp, coi công việc là việc học được trả lương, đồng thời sử dụng nền tảng của công ty để tích lũy kinh nghiệm và sức mạnh cho bản thân.
Không phải ai cũng thích hợp để nhảy việc
Khi tôi mới đi làm, những đồng nghiệp có 1-2 năm kinh nghiệm làm việc, rất thích thay đổi công việc.
Thấy đồng nghiệp cũ nhảy việc thành công, được thăng chức và tăng lương ở công ty mới, những người khác háo hức như thể họ đã khám phá ra một thế giới mới, rồi bỗng dưng lại thấy công việc hiện tại không vừa mắt, vậy là họ làm theo và thay đổi công việc, như thể chuyển đổi công việc chắc chắn sẽ nhân đôi giá trị của họ.
Ảnh minh họa: Pexels
Còn những người không nhảy việc được thì bị coi là năng lực kém và chỉ có thể ở lại để chịu đựng.
Nhiều người chỉ nhìn thấy lợi ích của việc nhảy việc mà thường bỏ qua những mặt trái của nó:
Có người đứng núi này trông núi nọ, vô tình bị sếp phát hiện, nên tốt nhất là xin nghỉ trước, đỡ mang tiếng.
Có người hứng lên là làm, sau mới phát hiện công việc mới khó đến mức thời gian thử việc cũng không vượt qua được.
Một số người gặp phải những công ty không đáng tin cậy, bị lợi dụng xong rồi liền bị cho nghỉ việc.
Các trường hợp trên, tôi đều đã trải qua, trừ lần đầu tiên được nếm quả ngọt, còn không thì sau này đều không được như ý muốn, những tưởng rằng năng lực của mình là đủ, không ngờ vừa bước ra khỏi vùng thoải mái, tôi liền rơi xuống vực sâu.
Tôi đã thay đổi công việc 3 lần trong 4 năm, nhưng vị trí ngày càng thấp và lương cũng giảm mạnh.
Trong những năm nhảy việc không biết mệt mỏi này, tôi không những không kiếm được một công việc tốt mà còn khiến cho bản lý lịch của mình trở nên rất tệ.
Trong mắt người khác, những người liên tục thay đổi công việc có uy tín cá nhân tương đối thấp.
Tôi từng nhờ một người bạn giới thiệu vào một công ty lớn, nhưng bị HR từ chối với lý do thay đổi công việc quá thường xuyên và không ổn định.
Vì may mắn trong lần đầu tiên, nên tôi từng nghĩ rằng đó là con đường đúng đắn, nhưng, khi không có sự hỗ trợ của may mắn, tôi nhận ra rằng trước đây tôi đã đánh giá quá cao bản thân mình.
Mặt khác, một số đồng nghiệp cũ lại sớm đã ngộ ra được những điều đó từ rất lâu, họ biết mình phù hợp với việc gì và có thể nhận được gì trong công ty.
Nhảy việc cũng đòi hỏi một cái giá.
Khi mới thay đổi công việc, bạn sẽ mất một khoảng thời gian và năng lượng để thích nghi với môi trường mới.
Trong giai đoạn đầu, khi làm quen với các mối quan hệ trong công ty mới, bạn phải thận trọng và tránh những cạm bẫy của người tiền nhiệm khi đảm nhận một công việc mới, mọi thứ phải được chỉnh đốn lại và tìm hiểu lại từ đầu.
Ảnh minh họa: Pexels
Vì vậy, đối với những nhân viên lão làng trong công ty, so với chi phí và rủi ro chưa biết của việc nhảy việc, họ quyết định làm tốt công việc hiện tại, theo lộ trình thăng tiến của công ty, khả năng đánh đâu thắng đó sẽ cao hơn.
Nhảy việc hay không, tuyển dụng vẫn ở đó, có đi hay không, hậu quả chỉ có bản thân gánh chịu.
Có người thay đổi công việc để tìm kiếm sự phát triển.
Một số người thay đổi công việc lại đồng nghĩa với việc họ đang chấp nhận rủi ro.
Một số người không nhảy việc, nhưng lại là người cười tới cuối cùng.
Củng cố thực lực quan trọng hơn việc cứ chăm chăm nhảy việc
Đồng nghiệp xấu tính, bỏ việc.
Sếp không tốt, nghỉ việc.
Nhiều người khi biết mình có lựa chọn nhảy việc, họ liền cảm thấy rằng mình có một lối thoát.
Khi gặp khó khăn, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu là nhảy việc.
Tuy nhiên, nếu một người không phát triển khả năng giải quyết vấn đề, những vấn đề mới vẫn sẽ xuất hiện ngay cả khi anh ta thay đổi chỗ làm, kiểu nhảy việc này chỉ là giải pháp tạm thời, không phải là giải pháp lâu dài.
Nhảy việc không thể cứu được một người vốn đã bất tài, chỉ có nâng cao thực lực bản thân, bạn mới có thể tự cứu mình.
Một người thực sự mạnh mẽ biết rằng điều quan trọng hơn việc nhảy việc là không ngừng hoàn thiện bản thân.
Trong phim truyền hình nước ngoài có tên "Thành phố lý tưởng", nhân vật Tô Tiểu là một nhân viên dự toán mảng xây dựng, khi mới đến làm việc tại một công ty xây dựng, cô đã bị gây khó dễ.
Chỗ làm việc của cô được bố trí cạnh nhà vệ sinh, và các đồng nghiệp thì phớt lờ cô, một số người thậm chí còn chế nhạo cô ra mặt.
Sau khi thấy ông chủ ngoảnh mặt làm ngơ trước tình huống này, Tô Tiểu chợt hiểu ra rằng có người cố ý muốn đuổi cô đi.
Nhưng Tô Tiểu không phải kiểu yếu đuối, dễ bị người khác thao túng, tất cả những gì đang xảy ra chỉ càng khơi dậy tinh thần chiến đấu của cô hơn.
Lúc này, cô hiểu rõ hơn ai hết: Nếu bây giờ cô rời đi, thì sẽ là bị buộc phải rời đi, trong mắt người khác, cô chính là đang chạy trốn.
Vì hiện tại và cả tương lai, vì có thể tiếp tục ngẩng cao đầu trong ngành này, không chỉ không được nghỉ, mà còn phải tạo ra những thành tích khiến người khác tâm phục khẩu phục, cô tự nhủ với chính mình.
Ảnh minh họa: Pexels
Những ngày sau đó, Tô Tiểu cống hiến hết mình cho công việc.
Cô thường xuyên tăng ca đến tận đêm khuya vì một bộ số liệu, thậm chí còn ở lại công ty qua đêm mấy ngày, hôm sau rửa mặt tiếp tục nghiên cứu đấu thầu, có những lúc còn quên cả ăn ngủ.
Kết quả, nhờ kiến thức chuyên môn xuất sắc, cô đã giành được nhiều dự án đấu thầu chất lượng cao cho công ty.
Kể từ đó, cô giành được sự tin tưởng và đánh giá cao của lãnh đạo, gia nhập đội ngũ nòng cốt của công ty và lãnh đạo công cuộc cải cách của công ty.
Cái kết của Tô Tiểu rất đáng ngưỡng mộ, nhưng với một bộ phận người, khi gặp phải tình trạng khó khăn như cô ấy trong giai đoạn đầu, phản ứng đầu tiên là thay đổi công việc.
Những người như Tô Tiểu hiểu rất rõ rằng: nếu một người không có thực lực, họ sẽ không có lối thoát, dù có nghỉ việc thì cũng chỉ như là “thay vỏ mà không thay ruột”, vấn đề phải đối mặt, có muốn tránh cũng không được, hơn nữa, công ty tiếp theo chưa chắc đã hơn công ty hiện tại.
Vì vậy, họ chọn cách đối mặt và giải quyết khó khăn, ra sức củng cố thực lực, thể hiện năng lực thực sự để chứng tỏ bản thân.
Ở nơi làm việc, năng lực có nghĩa là quyền lựa chọn, tiến lên, tấn công, rút lui hoặc phòng thủ, nó không chỉ có thể thu hút sự chú ý của lãnh đạo mà còn thu hút nhiều lời mời từ thế giới bên ngoài. Chỉ cần thực lực đủ mạnh, bạn sẽ luôn có những lựa chọn tốt hơn.
Làm thế nào để mài dũa thực lực của chính mình là điều đáng để suy ngẫm đối với mọi người.
Sự nghiệp của một người có tốt đẹp hay không không thể chỉ dựa vào nhảy việc mà còn cần tới sự hỗ trợ của thực lực.
Nhảy việc chỉ là một công cụ, với những người có chuẩn bị, lý tưởng sẽ thành hiện thực, nhưng với những người mù quáng, con đường có thể sẽ càng lúc càng hẹp.
Mong rằng bạn là người tỉnh táo, nhìn nhận vấn đề nhảy việc một cách sáng suốt!