Công nghệ

Điện hạt nhân trở thành chiến lược quốc gia, là điện xanh và điện nền

Tóm tắt:
  • Điện hạt nhân trở lại là chiến lược quốc gia để tự chủ năng lượng và đạt trung hòa carbon.
  • Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử nhấn mạnh an toàn và quản lý hạt nhân trong mọi giai đoạn.
  • Khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng hạt nhân.
  • Phát triển tiềm lực nội địa và chuyển đổi số cho quản lý ứng dụng năng lượng nguyên tử.
  • Nhà nước xây dựng hệ thống quản trị và cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn hạt nhân.
Báo VietNamNet xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng về một số đổi mới quan trọng trong Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
A58I5131.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghệ điện hạt nhân hiện tại có độ an toàn rất cao. Ảnh: Lê Anh Dũng

Điện hạt nhân trở thành chiến lược quốc gia, là điện xanh và điện nền. Theo xu hướng chung của quốc tế thì điện hạt nhân sẽ chiếm 10-30% tổng điện quốc gia. Sau thời kỳ thoái trào cách đây 10-15 năm thì nay, điện hạt nhân trở lại như một chiến lược quốc gia vì các nước đều muốn tự chủ năng lượng, muốn đạt trung hoà carbon, muốn tái định vị công nghệ quốc gia, và cũng vì công nghệ điện hạt nhân hiện tại chủ yếu là thế hệ III+ và đặc biệt là thế hệ IV có độ an toàn rất cao. Điện hạt nhân là đối tượng quan trọng nhất của Dự thảo Luật cả về phương diện phát triển ứng dụng và quản lý an toàn, an ninh.

Hoạt động bảo đảm an toàn trong phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và an toàn hạt nhân nói riêng do một cơ quan nhà nước có thẩm quyền thống nhất quản lý, bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, nhất là IAEA, bao gồm cả việc cấp phép an toàn hạt nhân trong mọi giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân.

Để triển khai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được thuận lợi, Dự thảo Luật cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt để triển khai nhanh, như áp dụng cơ chế đặc biệt trong chỉ định thầu, sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của người bán, dự án có khoản chi cho thẩm định và đào tạo. Quản lý toàn bộ vòng đời, qua nhiều giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân, từ khâu chọn vị trí, nghiên cứu khả thi, đến giai đoạn đóng cửa, sau đóng cửa. Đây là cách tiếp cận toàn diện, theo kinh nghiệm quốc tế, và là cần thiết.

Xây dựng văn hoá an toàn, an ninh hạt nhân, vì ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân sẽ ngày một rộng rãi trong nhiều mặt của đời sống xã hội.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng

Đảm bảo an toàn, an ninh cho các cơ sở hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân, trong Dự thảo Luật đã thiết kế một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, một chương riêng về nhà máy điện hạt nhân, trong đó duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy. Xây dựng các biện pháp và năng lực ứng phó sự cố. Xây dựng văn hoá an toàn, an ninh hạt nhân, vì ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân sẽ ngày một rộng rãi trong nhiều mặt của đời sống xã hội.

Dự thảo Luật đáp ứng khung pháp lý cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bao gồm phát triển ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh. Nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh đã được thể hiện xuyên suốt cho từng đối tượng quản lý từ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ cho đến vật liệu hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, bổ sung quy định về danh mục hàng hóa phải kiểm xạ khi nhập khẩu. Thêm vào đó, việc quy định một chương riêng về Thanh sát hạt nhân đã thể hiện vai trò phối hợp kiểm soát của IAEA để bảo đảm các hoạt động hạt nhân ở Việt Nam vì mục đích hòa bình, cũng như trách nhiệm tuân thủ các cam kết, nghĩa vụ quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn triển khai xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới và sắp tới là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.    

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ, công nghiệp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách Nhà nước.  Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng

Có chính sách phát triển mạnh mẽ các ứng dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích dân sinh. Thực hiện phân loại mức độ rủi ro của tác động bức xạ đối với con người và môi trường để xã hội hoá các ứng dụng một cách phù hợp, thúc đẩy đưa những thành tựu mới nhất của ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ người dân, phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ, công nghiệp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Nhà nước có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; có chính sách ưu đãi, trọng dụng chuyên gia trong và ngoài nước; có chính sách ưu đãi và hỗ trợ người được đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Phát triển tiềm lực nội địa về công nghệ hạt nhân, về chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn.  Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng

Tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân để phục vụ phát triển KT-XH. Dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân bao gồm nhà máy điện hạt nhân và phát triển lò phản ứng hạt nhân phục vụ cho nghiên cứu và ứng dụng bức xạ. Phát triển tiềm lực nội địa về công nghệ hạt nhân, về chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn. Trong chiến lược về xây dựng năng lực nội địa hóa, giai đoạn đầu ưu tiên năng lực chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn, sau đó tiến tới năng lực nội địa hóa công nghệ hạt nhân.

Chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân. Đẩy mạnh phân cấp về quản lý cho các địa phương theo mức độ rủi ro của nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trên phương diện an toàn, an ninh. Xây dựng hệ thống, năng lực quản trị và cơ sở dữ liệu quốc gia về ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn, an ninh. Nhà nước đầu tư nền tảng số an toàn bức xạ và hạt nhân, là môi trường quản lý và tác nghiệp chính thức để thống nhất quản lý việc khai báo, cấp giấy phép, giấy đăng ký, chứng chỉ, kiểm soát xuất, nhập khẩu thiết bị hạt nhân và vật liệu phóng xạ; quản lý nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, quan trắc phóng xạ và các báo cáo chuyên ngành khác trên môi trường số.

Các tin khác

Elon Musk tiếp tục nhận tin buồn

Bất chấp việc người dân châu Âu đang chuyển sang dùng xe điện nhiều hơn, Tesla lại đang trải qua giai đoạn doanh số sụt giảm nghiêm trọng trên toàn khu vực. Những yếu tố như cạnh tranh khốc liệt, hình ảnh cá nhân của Elon Musk và căng thẳng thương mại đang khiến hãng xe Mỹ gặp nhiều khó khăn.

Nợ xấu ngân hàng tăng vọt trong quý đầu năm

Mặc dù nợ xấu tiếp tục tăng mạnh trong quý I nhưng dự phòng rủi ro lại không tăng tương xứng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng sụt giảm. Bộ đệm dự phòng rủi ro suy yếu có thể tạo ra áp lực trong những quý tiếp theo.

Giá vàng SJC giảm mạnh

Sáng nay (9/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về quanh mốc 120 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng đột ngột giảm

Sáng nay (8/5), giá vàng miếng SJC quay đầu giảm về quanh mốc 122 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp để chênh lệch mua - bán khác nhau dù cùng loại vàng.

Mưa sao băng Eta Aquariid đạt đỉnh điểm

Mưa sao băng Eta Aquariid đã đạt đến đỉnh điểm và bạn sẽ phải dậy sớm để xem màn trình diễn thiên thể này. Tuy nhiên, đây là trận mưa sao băng cuối cùng cho đến cuối tháng 7 mới được gặp lại và được coi là một trong những trận mưa sao băng thường niên đẹp nhất ở Nam bán cầu, theo NASA.