Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích đầu tư của FIDT (FIDT Research) cho biết trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái bán USD và nâng lãi suất OMO, một số ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất huy động. Một câu hỏi đặt ra là liệu điều này có làm đảo chiều chính sách tiền tệ và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Ông Phương đánh giá đây chỉ là các động thái giải quyết áp lực ngắn hạn về tỷ giá chứ không phải đảo chiều chính sách. Chính sách tiền tệ Việt Nam sẽ duy trì mở rộng ít nhất đến hết 2024 và từ giữa 2025 sẽ trung lập nếu nền kinh tế đã hồi phục tốt và trở lại guồng tăng trưởng chứ khó có khả năng thắt chặt.
Lạm phát các tháng tới chưa có dấu hiệu gì lo ngại. Tuy nhiên, số iệu CPI so với cùng kỳ có thể cao do nền thấp của 2023.
Với chứng khoán, quan điểm của FIDT Research, thị trường vẫn còn những lo ngại trong ngắn hạn, song vẫn khả quan trong dài hạn. Thị trường dự báo đi ngang trong tháng 6 cùng với sự phân hóa. Câu chuyện đầu tư nên tập trung vào cổ phiếu cụ thể hơn là chỉ số chung. Chỉ số có thể điều chỉnh nhưng không quá lớn, và thị trường vẫn sẽ đi lên sau đó.
Ông Phương nêu ba nhóm ngành quan tâm gồm bất động sản, bán lẻ và xuất khẩu. Với bất động sản, các luật liên quan sẽ được áp dụng từ tháng 7. Thị trường bất động sản thực có dấu hiệu phục hồi về giá và thanh khoản tốt. Về kỹ thuật, các cổ phiếu bất động sản đang tích lũy nền tốt.
Nhóm bán lẻ hưởng lợi từ nền kinh tế đang hồi phục. Số liệu bán lẻ đang phục hồi tốt từ đầu quý II. Cuối cùng, nhóm xuất xuất, bao gồm tôm, cá tra và dệt may, với các đơn hàng đang gia tăng sở hữu triển vọng trong thời gian tới.
Chia sẻ về xu hướng dòng tiền, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích FiinGroup, cho rằng nhà đầu tư cần cảnh giác với những nhóm ngành đã duy trì dòng tiền trong ba tháng gần nhất.
Thống kê của FiinGroup, đến tháng 5, dòng tiền các nhóm ngành đã đạt đỉnh hoặc tiệm cận đỉnh gồm bán lẻ, thực phẩm, dịch vụ dầu khí, công nghệ thông tin, kho bãi, hàng cá nhân... Dòng tiền hồi phục từ đáy đối với nhóm thép, hoá chất, dệt may, bảo hiểm, điện, y tế...
Dòng tiền rút về đáy cần chờ tín hiệu dòng tiền trở lại hoặc sự hỗ trợ yếu tố cơ bản tại nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, xây dựng, vật liệu xây dựng. Đối với nhóm này, theo bà Vân, rất khó đánh giá dòng tiền, vì không có xu hướng rõ ràng. Thay vào đó, có thể tập trung phân bổ nguồn lực vào các nhóm ngành có dòng tiền rõ ràng hơn, trừ các trường hợp nhà đầu tư nắm được câu chuyện.
Bà Vân cho biết quan điểm tìm kiếm cơ hội đầu tư dựa trên ba yếu tố chính là tăng trưởng lợi nhuận, định giá và dòng tiền. Cơ sở lựa chọn ngành của FiinGroup gồm tỷ trọng phân bổ dòng tiền trong xu hướng tăng hoặc được kỳ vọng hồi phục từ đáy; triển vọng kinh doanh quý II tích cực; có câu chuyện riêng. Chuyên gia dự báo 5 nhóm ngành có khả năng thu hút dòng tiền trong tháng 6.
Thứ nhất là bất động sản nhờ dòng tiền về đáy 10 tháng, nhà đầu tư cần theo dõi tín hiệu dòng tiền vào. Yếu tố hỗ trợ cho ngành đến từ việc tập trung nhóm gỡ được pháp lý, bán được hàng đối với bất động sản nhà ở, và hưởng lợi từ FDI đối với bất động sản công nghiệp.
Thứ hai, nhóm sản xuất dầu khí hưởng lợi nhờ dòng tiền trong xu hướng gia tăng (hồi phục từ đáy 10 tháng), kỳ vọng lợi nhuận chạm đáy trong quý II. Cùng với đó, một số câu chuyện riêng kể đến như kế hoạch phát hành tăng vốn, động thái mới về chuyển sàn sẽ tác động tích cực đến một số cổ phiếu.
Thứ ba là ngành dệt may với dòng tiền có xu hướng hồi phục từ đáy 10 tháng. Đơn hàng xuất khẩu bắt đầu hồi phục, tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Mỹ và Châu Âu đang tăng cường đối phó với hàng giá rẻ từ Trung Quốc, trong đó có các sản phẩm may mặc, sẽ tạo cơ hội gia tăng thị phần xuất khẩu cho doanh nghiệp dệt may của Việt Nam. Riêng Vinatex (Mã: VGT) đang có câu chuyện liên quan đến thoái vốn Nhà nước.
Thứ tư, nhóm xây dựng cũng có dòng tiền về đáy 10 tháng, cần theo dõi tín hiệu dòng tiền vào. Các doanh nghiệp hưởng lợi từ nỗ lực đẩy nhanh các dự án hạ tầng điện của EVN và có động lực tăng trưởng mới.