Tuy nhiên, bên cạnh những lỗ hổng trong công tác quản lý, vận hành các dự án, toà nhà thì sự lơ là chủ quan của người dân đã để lại những tấm thảm kịch vì hoả hoạn. Phóng viên Ban Chuyên đề Công an TP.HCM đã khảo sát và điểm danh những nơi đang tiềm ẩn nguy hiểm về cháy, nổ để đưa ra những giải pháp phòng tránh hiệu quả.
Thượng tá Trương Thành Lanh – Phó trưởng Công an Quận 8 dẫn đoàn kiểm tra đến quán karaoke ICOOL (đường Dạ Nam, P.3, Q.8) - Ảnh: Thanh Hải - Việt Dũng
Với đặc thù hoạt động dịch vụ kinh doanh giải trí, các chủ cơ sở karaoke xây dựng phòng khép kín, ốp gạch dày để đảm bảo cách âm. Phía bên ngoài quán thường đặt biển quảng cáo lớn, trang trí đèn led bắt mắt để thu hút khách hàng. Vì vậy, khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, những cơ sở karaoke này giống như một “lồng sắt” nhốt người và cản trở lực lượng cứu hộ bên ngoài đi vào. Đây cũng là lý do chính gây thiệt hại lớn về người và tài sản mỗi khi “bà hoả” ghé thăm.
Nhiều cơ sở karaoke không đảm bảo an toàn PCCC
Sáng 07-9-2022, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TPHCM (CATP) cho biết, CA 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức đang tiến hành kiểm tra an toàn về công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar trên địa bàn TPHCM theo kế hoạch số 3564/KH-CATP ngày 17-8-2022 của CATP.
Buổi kiểm tra nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC&CNCH (PCCC&CNCH) đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar trên địa bàn TPHCM; qua đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế đến mực thấp nhất các nguyên nhân dẫn đến cháy, cháy lan, cháy lớn; đồng thời, phân tích các nguyên nhân gây thiệt hại về người khi có cháy để đưa ra các giải pháp phòng ngừa hiệu quả.
Tại địa bàn Q.8, Thượng tá Trương Thành Lanh – Phó trưởng CA Q.8 dẫn đoàn kiểm tra đến quán karaoke ICOOL (đường Dạ Nam, P.3, Q.8). Tại đây, đoàn đã kiểm tra 05 nội dung chính liên quan đến an toàn PCCC&CNCH tại cơ sở trên.
Cụ thể, các nội dung gồm: Kiểm tra về việc thực hiện trách nhiệm PCCC&CNCH của người đứng đầu; Kiểm tra hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC&CNCH; Kiểm tra về giao thông, nguồn nước, khoảng cách phòng cháy chống cháy, bậc chịu lửa và quy mô của công trình; Kiểm tra thực tế về việc thực hiện về duy trì các điều kiện an toàn về PC&CC đối với cơ sở; Việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị PC&CC, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Cùng thời điểm trên, CAQ.12 cũng kiểm tra cơ sở kinh doanh karaoke ICOOL (đường Tô Ký, P. Đông Hưng Thuận). Ngay sau khi kiểm tra các tiêu chí đảm bảo an toàn PCCC&CNCH, đoàn kiểm tra yêu cầu lực lượng tại chỗ thao tác sử dụng phương tiện, thiết bị chữa cháy tại chỗ.
Công an Quận 12 kiểm tra an toàn PCCC&CNCH tại karaoke ICOOL (đường Tô Ký, P.Đông Hưng Thuận) - Ảnh: Thanh Hải - Việt Dũng
Chiều cùng ngày, đoàn tiếp tục kiểm tra một số cơ sở kinh doanh loại hình này trên địa bàn; qua đó đã phát hiện một cơ sở vi phạm trong lắp đặt sử dụng thiết bị điện và lối thoát nạn. Vì vậy, đoàn đã lập biên bản xử phạt hành chính theo quy định pháp luật. Trước đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản và xử phạt số tiền gần 100 triệu đồng tại một cơ sở karaoke trên địa bàn vì đưa vào hoạt động mà chưa qua thẩm duyệt PCCC.
Chiều cùng ngày, phóng viên tiếp tục theo chân cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra an toàn cháy, nổ tại quán karaoke Thanh Ruby (đường Trần Quốc Tuấn, P.1, Q.Gò Vấp). Quán có thiết kế 4 lầu, không gian khép kín để phục vụ nhu cầu karaoke của khách hàng.
Thời điểm kiểm tra, quán không có khách hàng và nhiều khu vực đang thực hiện sửa chữa. Theo ghi nhận của phóng viên, có một số phòng thiết kế ban đầu chỉ phục vụ mục đích ở nhưng có trang trí giống phòng karaoke. Tại một số khu vực, chiều ngang của lầu thang bộ cũng không đủ tiêu chuẩn thoát nạn. Ngay sau buổi kiểm tra, đoàn cũng đã đề xuất xử phạt vi phạm hành chính những lỗi chưa đảm bảo an toàn PCCC&CNCH tại cơ sở này.
Thiết kế kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”
Với đặc thù thiết kế không gian kín, cách âm, vật liệu dễ bắt lửa cùng nhiều thiết bị công suất lớn nên khi xảy ra hoả hoạn người bên trong rất khó tìm cách thoát ra và lực lượng bên ngoài khó tiếp cận cứu chữa.
Chính vì vậy, khi có sự cố cháy tại những điểm kinh doanh karaoke thường đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Hàng loạt vụ tai nạn thương tâm tại quán karaoke trong thời gian qua chính là hồi chương cảnh tỉnh cho việc đảm bảo an toàn PCCC&CNCH tại mô hình kinh doanh này.
CAQ.Gò Vấp kiểm tra an toàn PCCC&CNCH tại karaoke Thanh Ruby (đường Trần Quốc Tuấn, P.1, Q.Gò Vấp) - Ảnh: Thanh Hải - Việt Dũng
Điển hình, vụ cháy tại quán karaoke tại P.Quan Hoa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 03 chiến sĩ CA của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH CAQ.Cầu Giấy hy sinh khiến người dân cả nước xót thương.
Mới đây, khuya 06-9-2022, vụ cháy tại quán karaoke An Phú (P.An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã khiến ít nhất 14 người thương vong (trong đó có 12 người chết và 02 người bị thương nặng đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương).
Được biết, quán karaoke này thiết kế không gian kín nên khi xảy ra hoả hoạn thì những người bên trong khó thoát ra ngoài. Đồng thời, phía trước quán có biển quảng cáo lớn che chắn đã khiến cảnh sát khó tiếp cận vào bên trong.
Đoàn kiểm tra Công an Quận Gò Vấp đo đạt chiều ngang của cầu thang quán karaoke Thanh Ruby - Ảnh: Thanh Hải - Việt Dũng
Những vụ cháy tại quán karaoke được lực lượng chuyên môn đánh gia nhận định là khó để dập nhanh. Bên cạnh nguyên nhân không đảm bảo an toàn PCCC, thì các quán karaoke đều thiết kế theo không gian “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để tạo cách âm cao và hiệu ứng ánh sáng lập loè để tăng hưng phấn cho khách hàng.
Điều này vô tình khiến người bên trong khó nhận biết sự cố và người bên ngoài không biết để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Chính vì vậy, những vụ cháy tại quán karaoke thường gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Những nguyên nhân dẫn ra cháy, nổ tại quán karaoke
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các cơ sở karaoke đều được chuyển đổi công năng từ nhà ở, chủ yếu loại hình nhà ống. Trong quá trình chuyển đổi, chủ cơ sở thay đổi kết cấu bên trong, cải tạo và trang trí nội thất sang trọng, bắt mắt để thu hút khách hàng.
Điển hình, không ít cơ sở karaoke thường thuê mặt bằng nhiều nhà liền kề và sửa chữa, thiết kế lại để phù hợp việc kinh doanh. Trong quá trình cải tạo, sửa chữa cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Bởi lẽ, đã có nhiều vụ cháy nổ tại quán karaoke khi thợ hàn cắt kim loại không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC khi hút thuốc, bật lửa trong quá trình làm việc.
Đoàn kiểm tra Công an quận Gò Vấp kiểm tra bên trong quán karaoke Thanh Ruby - Ảnh: Thanh Hải - Việt Dũng
Bên cạnh đó, việc sử dụng âm thanh công suất điện lớn, trang trí bắt mắt, biển quảng cáo lớn che hết lối thoát nạn phía trước,… rất dễ dẫn đến nguy cơ cháy, nổ do chạm, chập điện. Sự cố chập điện cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dấn đến cháy, nổ trong thời gian qua.
Khi cháy, lối thoát nạn nhỏ, hẹp cùng đã khiến khói độc, khí độc dễ dàng bao trùm lấy toàn bộ quán karaoke. Từ đó, khiến những người bị kẹt bên trong khó lòng thoát ra ngoài.
Trao đổi về vấn đề an toàn PCCC&CNCH tại các cơ sở kinh doanh karaoke, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP cho biết: Hiện nay trên địa bàn TP có khoảng 414 loại hình cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar. Đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 50% số lượng cơ sở trên. Qua công tác kiểm tra, đoàn đã phát hiện nhiều vấn đề sai sót, vi phạm các vấn đề PCCC và cùng đã xử lý nghiêm khoảng trên 90 cơ sở với số tiền trên 300 triệu.
“Trong đợt kiểm tra này, chúng tôi đã thực hiện kiên quyết vấn đề xử lý đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng; qua đó có 02 cơ sở đã tạm đình chỉ và 02 cơ sở đình chỉ hoạt động với lý do chưa thực hiện thẩm duyệt nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa vào hoạt động kinh doanh”- Đại tá Huỳnh Ngọc Quan nhấn mạnh.
Bên cạnh việc tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, phóng viên Ban Chuyên đề CATP cũng đã khảo sát và ghi nhận nhiều địa điểm đang “thất thủ” trước giặc lửa. Đây là những nơi “bà hoả” đang nương nấu, ẩn mình, chờ cháy, nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản cần được cảnh báo. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong bài viết tiếp theo.
Thông tư 147/2020/TT-BCA của Bộ CA quy định rõ về biện pháp đảm bảo an toàn PCCC&CNCH với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Điều 5 Thông tư này nêu rõ, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/ NĐ-CP như sau: Cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000m3 trở lên phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC.Đồng thời, cơ sở phải có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Hệ thống chống sét, hệ thống điện, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC. Việt Dũng - Thanh Hải (ghi) |
(Còn tiếp...)