Giáo sư Wang Yongjun là một vị chuyên gia y học cổ truyền Trung Quốc đã có hơn 60 năm kinh nghiệm trong nghề. Ông đồng thời cũng là bác sĩ trưởng của Bệnh viện Y học Cổ truyền Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang). Hiện đã 87 tuổi, giáo sư Wang vẫn tiếp tục làm việc tại các phòng khám 4 lần 1 tuần, vô cùng nhiệt huyết trong công cuộc điều trị cho bệnh nhân.
Là một người từng mắc bệnh thận, giáo sư Wang Yongjun đã có nhiều năm tự điều trị bệnh, cuối cùng ông đã đúc kết ra một loạt kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe phù hợp với những bệnh nhân mắc bệnh thận.
Dưới đây là 4 bí quyết sống mà ông đã áp dụng rất nhiều năm qua.
1. Sống lạc quan, tập thể dục đều đặn
Giáo sư Wang Yongjun nói rằng "vận động hợp lý có thể nuôi dưỡng cơ thể, tinh thần tốt có thể nuôi dưỡng tâm trí, cơ thể và tinh thần kết hợp với nhau sẽ tạo nên một sức khỏe tốt".
Muốn chăm sóc sức khỏe thì trước hết cần duy trì một tinh thần tốt. Y học Trung Quốc cho rằng mọi bệnh tật đều do khí sinh ra, những cảm xúc tiêu cực sẽ kích thích tạng phủ và làm bệnh nặng thêm. Sau đó là cần tích cực tập thể dục, nên tập các bài tập thích hợp như đi bộ để thông suốt kinh mạch, thúc đẩy khí huyết, tăng cường chức năng tim phổi...
Bài tập mà giáo sư Wang Yongjun yêu thích nhất là Thái Cực Quyền. Ông thường khuyến khích bệnh nhân nên học Thái Cực Quyền, bài tập này vận dụng cả tay và chân, đồng thời có thể cải thiện khả năng tập trung của người bệnh, đặc biệt phù hợp với người già mắc bệnh mãn tính.
2. Kiểm soát lượng natri ăn vào
Là một người từng mắc bệnh thận, giáo sư Wang Yongjun đã duy trì chế độ ăn ít muối trong nhiều năm.
Hầu hết các nghiên cứu trong và ngoài nước cũng đã xác nhận rằng ăn nhiều muối có thể thúc đẩy sự tiến triển của bệnh thận. Ngược lại, hạn chế muối không chỉ có thể bảo vệ thận bằng cách hạ huyết áp, mà còn tối ưu hóa chất ức chế men chuyển (ACEI).
Thông thường, bệnh nhân bị bệnh thận nên tiêu thụ không quá 5g muối mỗi ngày. Đồng thời, Wang Yongjun cũng nhắc nhở đa số bệnh nhân mắc bệnh thận không nên ăn các loại muối có hàm lượng natri thấp, vì các loại muối có hàm lượng natri thấp chứa hàm lượng kali cao, thận hoạt động kém sẽ khó bài tiết kali, dễ dẫn đến tăng kali trong máu, gây ra các vấn đề về tim mạch.
3. Tránh ăn nhiều thịt đỏ
Ngoài việc hạn chế muối, Wang Yongjun cũng quản lý chặt chẽ các chế độ ăn kiêng khác của mình, một trong số đó là việc ông hầu như không ăn thịt đỏ, đặc biệt là thịt bò
Tác phẩm nổi tiếng "Thiên Kim Phương" (Ngàn phương thuốc quý như vàng) của Tôn Tư Mạc (một bác sĩ và nhà văn người Trung Quốc của triều đại nhà Tùy và nhà Đường) có nói: bệnh thật rất khó chữa. Sau khi điều trị phải cẩn thận trong ăn uống, nếu không sẽ rất dễ tái phát. Sau hàng chục năm khỏi bệnh, bạn có thể tái phát nếu ăn thịt bò.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tiêu thụ protein trong thịt bò có thể làm tăng oxalate trong nước tiểu và hình thành sỏi thận. Vì thế, những bệnh nhân sỏi thận, kể cả sỏi nhỏ không điều trị hoặc đang trong quá trình điều trị không nên ăn thịt bò.
Ngoài ra, giáo sư Wang Yongjun cũng sẽ chú ý đến tổng lượng protein khi ăn, ông chủ yếu tập trung vào các loại protein chất lượng cao, chẳng hạn như trứng, sữa, tôm cá, thịt nạc...
4. Ăn nhiều các loại đậu
Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng các loại đậu (đậu nành, đậu đen, đậu đỏ) và các chế phẩm từ đậu nành có tác dụng chữa các bệnh về thận. Có nhiều đơn thuốc điều trị chứng phù nề bằng đậu, trong đó đậu nành đen được coi là thượng hạng.
Sách "Bản thảo cương mục" của thần y Lý Thời Trân cũng có ghi rằng: Đậu đen giúp bổ thận tráng dương.
Nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra rằng đậu nành nói chung có chứa tới 8 axit amin, chứa nhiều hoạt chất sinh học có lợi cho việc ngăn ngừa nguy cơ suy thận.
Ngoài ra, giáo sư Wang Yongjun thường ăn 4 thứ để duy trì sức khỏe đó là trà, nhân sâm, gừng và củ cải. Ông uống hai hoặc ba tách trà xanh mỗi ngày, lá trà rất giàu polyphenol, có thể chống lại quá trình oxy hóa, giúp đầu óc minh mẫn, cải thiện thị lực, giúp tinh thần sảng khoái. Vào mùa đông sẽ ăn nhân sâm. Vào mùa hè, Wang Yongjun sẽ cắt gừng tươi thành từng lát mỏng, thêm đường, giấm và xì dầu rồi thưởng thức trong bữa ăn. Ông cũng thường mua một ít củ cải trắng để nấu canh, có tác dụng dưỡng phổi thận.
Tất nhiên, ngoài chế độ ăn uống hợp lý thì việc làm việc và nghỉ ngơi đều đặn cũng rất quan trọng đối với bệnh nhân mắc bệnh thận, Wang Yongjun khuyến cáo nên sinh hoạt đúng giờ và đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ.