Dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều
Sáng ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo chính thức cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị và có thông báo gửi các TCTD này.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh room tín dụng đợt này của ngân hàng vẫn dựa trên đơn đề nghị của các ngân hàng thương mại (NHTM) và căn cứ điểm xếp hạng của NHNN như kết quả xếp hạng từng TCTD theo Thông tư 52 (đã được sửa đổi, bổ sung); đồng thời, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cập nhật số liệu mới nhất, NHNN cho biết, tính đến hết tháng 8/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 9,91%, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Theo đó, dư địa tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống chỉ còn lại hơn 4%, tương đương với khoảng 457 nghìn tỷ đồng cho 4 tháng cuối năm.
Trong khi, Nhà điều hành vẫn đang cho thấy sự kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% đặt ra từ đầu năm nay. Mức tín dụng còn lại được đánh giá là sẽ khó lòng đáp ứng được hết nhu cầu vốn khi doanh nghiệp bước vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, NHNN nên tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay bởi nếu không được tiếp cận nguồn vốn sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, đồng thời, làm mất đi cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia lại tỏ ra thận trọng hơn và ủng hộ quan điểm không nên nới tín dụng quá nhiều.
Không nên nới lỏng...
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI, người từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng tại nhiều nhà băng như VIB, BaoVietBank, MSB,… cho rằng, rất không nên tăng hạn mức tín dụng trong điều kiện hiện nay.
“14% trong bối cảnh hiện nay là quá cao rồi. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã cao nhất trong 10 năm qua. Nếu hôm nay đã sử dụng hết hạn mức thì đúng là phải tăng một vài % hạn mức tín dụng. Nhưng tại thời điểm này tôi cho rằng chúng ta chưa nên thay đổi, không nên nới lỏng, mặc dù tăng dư nợ đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ nợ xấu. Chúng ta nên chủ động chọn cái “xấu” trước để khỏi bị động với cái “xấu” sau”, Luật sư Đức nói.
Theo Luật sư, nguồn vốn chính, vai trò tăng trưởng kinh tế không thể là gánh nặng của ngành ngân hàng, mà là của các bộ, ngành khác.
“Nguồn vốn phải chuyển sang các kênh khác, như trái phiếu doanh nghiệp. Nguồn trái phiếu bắt đầu bị pháp luật thắt chặt theo Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và đang có nguy cơ bị chặn đứng với ý đồ sửa đổi, bổ sung Nghị định. Tuy nhiên, chúng ta không thể tìm kiếm sự an toàn của thị trường trái phiếu bằng cách đẩy rủi ro cho thị trường tín dụng”, Luật sư nêu quan điểm.
Theo Luật sư Đức, việc tăng hạn mức tín dụng rất dễ dẫn đến nguy cơ lạm phát tăng cao. Mà để lạm phát tăng cao thì tăng trưởng kinh tế sẽ trở thành vô nghĩa, thậm chí phải trả giá rất đắt. Khác với nhiều nước, lạm phát Việt Nam mà tăng cao thì rất khó xử lý và ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều do yếu tố tâm lý, lòng tin, với những bài học vẫn còn nóng hổi đã từng xảy ra.
“Gần 20 năm làm tại bốn ngân hàng thương mại, tôi từng chứng kiến những biến động rất lớn của ngành ngân hàng. Có năm tăng trưởng tín dụng lên đến 51,39% (2007), tôi đã từng ngồi ở ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng 100%/năm. Bên cạnh đó, có thời điểm tăng trưởng tín dụng âm (cuối quý 1/2012).
Tôi nhận thấy, việc điều hành vĩ mô của ngành ngân hàng trong 10 năm qua là bài bản, hợp lý nhất và quan trọng là giữ ổn định giá trị đồng tiền, góp phần quan trọng hàng đầu vào việc bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô”, Luật sư nói.
Theo đó, Luật sư Đức cho rằng, nếu vẫn buộc phải tăng hạn mức tín dụng trong năm nay, thì cần phải giảm tăng trưởng năm 2023. Tăng trước, giảm sau chứ không thể thi nhau tăng mạnh.
Về lâu dài, nếu bỏ room tín dụng thì cũng phải bổ sung công cụ tương tự như dự trữ bắt buộc chẳng hạn, để đạt mục tiêu giới hạn tín dụng.
“Lúc này rất cần phải thay đổi giải pháp, thông điệp và cách thức truyền thông về hạn mức tín dụng. Nước nào thì cũng phải có room tín dụng, chỉ khác nhau ở chỗ là nới room, tạo room, tính room và chặn room kiểu gì mà thôi”, Luật sư nói.