Người dân băng qua dòng nước lũ dâng cao ở ngoại ô Bhan Syedabad, tỉnh Sindh, Pakistan vào ngày 8-9 - Ảnh: REUTERS
"Pakistan và các quốc gia đang phát triển khác đang trả một cái giá khủng khiếp cho sự bất chấp của các nước phát thải lớn - những nước tiếp tục trông chờ vào nhiên liệu hóa thạch" - Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres viết trên Twitter ngày 10-9, ngay khi đi thăm một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt ở Pakistan.
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc viết: "Từ Islamabad (thủ đô Pakistan), tôi kêu gọi toàn cầu hãy dừng sự điên rồ, hãy đầu tư vào năng lượng tái tạo ngay bây giờ, và hãy kết thúc chiến tranh với thiên nhiên".
Ông Guterres hy vọng chuyến thăm Pakistan của ông sẽ huy động được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế dành cho Pakistan.
Trước khi đi thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở các tỉnh phía nam Pakistan là Sindh và Balochistan, ông Guterres cho biết sự hỗ trợ tài chính "không phải là vấn đề hào phóng, mà là vấn đề công bằng".
Pakistan cho biết thiệt hại do lũ lụt gây ra ở nước này đến nay đã lên tới hơn 30 tỉ USD.
Gần 1.400 người đã thiệt mạng trong trận lũ lụt bao phủ 1/3 đất nước Pakistan - một diện tích bằng với Vương quốc Anh. Lũ lụt đã phá hoại mùa màng và phá hủy nhà cửa, cơ sở kinh doanh, đường xá và cầu cống.
Pakistan thường đón những trận mưa lớn trong mùa mưa hàng năm - vốn quan trọng đối với nông nghiệp và nguồn cung cấp nước.
Tuy nhiên, năm nay những trận mưa như trút nước là điều chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ ở Pakistan. Cùng với đó, các sông băng tan chảy nhanh chóng ở phía bắc nước này trong nhiều tháng đã gây áp lực lên các tuyến đường thủy.
Giới chức Pakistan nhận định lũ lụt trong năm 2022 này có thể so sánh với năm 2010, năm lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử khi khoảng 2.000 người thiệt mạng và gần 1/5 quốc gia này chìm trong nước.
Theo Hãng tin AFP, Pakistan chịu trách nhiệm cho chưa tới 1% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng đứng thứ 8 trong danh sách các quốc gia - do tổ chức phi chính phủ Germanwatch công bố - dễ bị tổn thương nhất do thời tiết khắc nghiệt vì biến đổi khí hậu.