
GRDP bình quân Bình Thuận đạt hơn 100 triệu đồng
Đến cuối năm 2024, quy mô nền kinh tế tỉnh Bình Thuận gấp hơn 33 lần so với thời điểm tái lập tỉnh vào năm 1992, đạt hơn 128.700 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh thành trong cả nước.
GRDP bình quân đầu người đạt hơn 100 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt gần 59 triệu đồng - gấp 43,6% so với năm 1992 – đây là thông tin được ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận - cho biết tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Thuận hôm 19/4 vừa qua.
50 năm qua, đặc biệt là sau 33 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (từ năm 1992 đến nay), Bình Thuận đã nỗ lực vươn lên với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 10.838 tỷ đồng, vượt hơn 8,3% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước; thu nội địa khoảng 9.605 tỷ đồng, vượt 6,67%. Kim ngạch xuất khẩu hơn 1.011 triệu USD.
Du lịch phát triển, toàn tỉnh đón gần 10 triệu lượt khách, doanh thu hoạt động du lịch đạt 25.530 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, sản lượng lương thực ước đạt 873.084 tấn.

Bình Thuận là một tỉnh thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Tại Bình Thuận hiện có 2 dự án điện khí LNG với tổng công suất 4.500 MW, bao gồm: Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I (công suất 2.250 MW) và Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II (công suất 2.250 MW). Các dự án này thuộc Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân) và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII, đồng thời xác định là những dự án trọng điểm quốc gia cũng như của ngành năng lượng.
Nhìn về tương lai, Bình Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7,5-8%. Cơ cấu kinh tế sẽ gồm: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 44-48%; dịch vụ chiếm 31-34%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 15-16%; thuế sản phẩm chiếm 5-6%. GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 7.800-8.000 USD
Ba trụ cột kinh tế được xác định là: Công nghiệp (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao), dịch vụ (du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, logistics) và nông nghiệp (nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao).
Bình Thuận 3 lần nhập, tách tỉnh
"Nhìn về tương lai phía trước, trong điều kiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, chúng ta sẽ có thêm những anh em để cùng đoàn kết, đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn thách thức, phát huy tiềm năng, lợi thế trong một không gian rộng lớn hơn để phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự lớn mạnh của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", ông Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định.
Để làm được điều đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, cần phối hợp thật tốt, quyết tâm, quyết liệt để thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đảm bảo chặt chẽ, khoa học, khách quan, hiệu quả; phối hợp xây dựng phương hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu; tập trung là phát triển hạ tầng giao thông kết nối các địa phương; đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các dự án nhà máy nhiệt điện khí và kho cảng LNG được kỳ vọng góp phần đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước. Ảnh: PV GAS
Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông sẽ sáp nhập với nhau. Bình Thuận có 3 lần nhập, tách tỉnh vào các năm 1976, 1991 và 2025.
Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Lâm Đồng dự kiến sắp xếp 135 đơn vị hành chính cấp xã còn 51 đơn vị (gồm 9 phường, 42 xã, giảm 62,77%). Tỉnh Đắk Nông dự kiến sắp xếp 71 đơn vị hành chính cấp xã còn 28 đơn vị (giảm 60,57% số đơn vị hành chính cấp xã).
Tỉnh Bình Thuận dự kiến sắp xếp 121 đơn vị hành chính cấp xã còn 43 đơn vị (gồm 34 xã, 8 phường và 1 đặc khu Phú Quý, giảm 64,5%).
Tỉnh dự kiến thành lập đặc khu Phú Quý trên cơ sở sáp nhập xã Long Hải, xã Ngũ Phụng và xã Tam Thanh, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại xã Ngũ Phụng, có diện tích tự nhiên 18,02 km2 và quy mô dân số 32.268 người.