Sáng 23/4, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post - Mã: VTP) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.
Báo cáo tại đại hội, ông Phùng Văn Cường, Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết, năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất đạt gần 20.826 tỷ đồng, hoàn thành 158% kế hoạch, tăng trưởng 5,6 % so với năm 2023.
Nếu trừ đi doanh thu thẻ cào viễn thông, doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt 14.334 tỷ đồng, hoàn thành 109% kế hoạch năm, tăng trưởng 21 % so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hoạt động bưu chính đạt 10.098 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 483 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch, tăng trưởng 1% so với năm 2023.

ĐHCĐ Viettel Post 2025. (Ảnh: H.A).
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, Viettel Post trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập khác hợp nhất là 21.028 tỷ đồng, tương đương với mức thực hiện của năm 2024 song doanh thu dịch vụ lõi được đặt mục tiêu tăng trưởng 20 - 25%, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng tăng trưởng 5,6%, đạt 405 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu trên, đại diện Ban điều hành Viettel Post cho biết, VTP sẽ đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng B2B, mục tiêu là sàn thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng khoảng 73%, phần mềm quản lý bán hàng tăng trưởng 33%. Đồng thời, phát triển kinh doanh shop bán hàng online tại 20 tỉnh/thành trọng điểm.
Về lĩnh vực kho vận, cung cấp giải pháp 6 ngành có tỷ trọng lớn và tăng trưởng tốt (Dược phẩm, Mỹ phẩm, Thời trang, Chuỗi phân phối hàng tiêu dùng, Sữa và thực phẩm từ sữa, Đồ gia dụng); mở rộng hạ tầng kho phục vụ lĩnh vực kho vận.
Cung cấp dịch vụ kho & fulfillment cho khách hàng lớn tại địa bàn phục vụ của chi nhánh, tập trung vào khách hàng có sản lượng trên 1.000 đơn/ tháng, tận dụng diện tích trống tại các chi nhánh, bưu cục để cung cấp dịch vụ, mục tiêu tăng trưởng 60%.
Về lĩnh vực vận tải, Viettel Post đặt mục tiêu đưa Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn, tổng kho Long Bình đi vào hoạt động, tổ chức mạng lưới vận tải xuyên biên giới tuyến Myanmar – Thái Lan – Campuchia – Lào – Việt Nam – Trung Quốc.
"Đặc biệt, VTP sẽ đầu tư và đi vào kinh doanh tại Lào, Trung Quốc; Mở rộng kinh doanh tại Campuchia, Myanmar (trong điều kiện thuận lợi), thúc đẩy vai trò xúc tiến kinh doanh tại Thái Lan; nghiên cứu phương án mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc và Nhật Bản", ông Cường cho biết.
Liên quan đến việc chi trả cổ tức, Viettel Post dự kiến trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tổng giá trị 131,65 tỷ đồng, tương đương 10,81% vốn điều lệ. Như vậy, mỗi cổ đông sẽ được nhận 10,81% mệnh giá cổ phần (mỗi cổ phần nhận 1.081 đồng).
ĐHĐCĐ Viettel Post 2025 cũng thông qua tờ trình về việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029 đối với ông Nguyễn Thanh Nam và ông Hoàng Trung Thành và bầu bổ sung hai thành viên Hội đồng quản trị là ông Phùng Văn Cường, Tổng Giám đốc Viettel Post và bà Trần Thị Tố Mỹ, Phó Ban Đầu tư tài chính Tập đoàn Viettel.
Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên BKS nhiệm kỳ 2024 – 2029 đối với ông Nguyễn Ngọc Anh và bầu bổ sung ông Lê Quang Tiệp.
Như vậy, sau khi bầu thành viên mới, HĐQT Viettel Post nhiệm kỳ 2024 - 2029 sẽ gồm: Ông Nguyễn Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT, ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc, Phùng Việt Thắng - Thành viên HĐQT độc lập và hai thành viên mới là ông Phùng Văn Cường và bà Trần Thị Tố Mỹ.
Phần thảo luận

(Từ trái qua phải). Ông Phùng Văn Cường, Tổng Giám đốc - ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT - ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Viettel Post. (Ảnh: Hạ An).
Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế mà Viettel Post đặt ra là 4 – 6%, điều này có mâu thuẫn với mục tiêu giai đoạn 2024 – 2029 tăng trưởng 15 - 20%?
Ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT: Viettel Post đặt kế hoạch khá khiêm tốn cũng là điểm mà HĐQT và Ban lãnh đạo khá băn khoăn. Điều này do mấy nguyên nhân.
Thứ nhất là trong thị trường chuyển phát đang là lĩnh vực rất cạnh tranh, biên lợi nhuận không cao và đang giảm sút. Do đó, HĐQT và Ban lãnh đạo cũng đã đặt mục tiêu tối ưu và tăng lợi nhuận cho mảng này.
Bên cạnh đó, một số đầu tư dài hạn đã được thực hiện trong các năm qua:Trung tâm chia chọn, hệ thống kho, hạ tầng logistics. Các hoạt động này sẽ cần chi phí đầu tư và vận hành ban đầu khi công suất chưa được tối ưu.
Ông Phùng Văn Cường,Tổng Giám đốc: Trong lĩnh vực bưu chính và chuyển phát hay có câu là: “Không có giá thấp nhất chỉ có giá thấp hơn”. Bưu chính và viễn thông cũng là dịch vụ rất cạnh tranh và khó có chuyện tăng giá mà chỉ có ngày càng giảm giá.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tối ưu chi phí để gia tăng lợi nhuận. Từ năm 2025 trở đi, chúng tôi sẽ tối ưu hiệu quả, nhìn sâu vào các phân cực trong bộ máy, cắt giảm các bưu cục tỷ suất lợi nhuận quá cao hay cắt giảm các khách hàng lợi nhuận âm.
Kế hoạch mở các công viên logistics tiếp như ở Lạng Sơn?
Ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT: Chúng tôi đang phối hợp với UBND Lào Cai, Quảng Ninh và một số tỉnh khác để phát triển các cửa khẩu thông minh và các khu logistics tại các địa điểm phù hợp. Với Quảng Ninh, cửa khẩu Móng Cái cùng là một địa điểm phù hợp, chúng tôi sẽ thông tin đến cổ đông khi có các diễn biến tiếp theo.
Ông Phùng Văn Cường, Tổng Giám đốc: Vừa rồi Chính phủ có giao cho Lạng Sơn làmthí điểm cửa khẩu thông minh, dự kiến cuối tháng 6 sẽ đấu thầu dự án này. Viettel Post rất quan tâm và đang phối hợp chặt chẽ với Lạng Sơn.
Song song như vậy, VTP cũng xin chủ trương từ Chính phủ là không đợi Lạng Sơn nữa và các tỉnh khác cũng có thể làm. Hiện có Móng Cái đã lập ban chỉ đạo dự án cửa khẩu thông minh và mời Viettel Post tham gia.
Lào Cai cũng bắt đầu xúc tiến việc thực hiện dự án này, Viettel Post cũng đã đặt vấn đề và tỉnh cũng rất hoan nghênh Viettel tham gia.
Trong chiến lược của Viettel, sẽ không chỉ có Trung Quốc mà chúng tôi sẽ xúc tiến thêm cả các cửa khẩu với Lào và Campuchia như Lao Bảo hay Mộc Bài. Việc xây dựng các cửa khẩu thông minh cần sự hợp tác giữa Chính phủ hai nước.
Tuy nhiên, cửa khẩu thông minh chỉ là việc tiếp theo mà nên tăng cường đẩy mạnh các dịch vụ thông quan bởi các dịch vụ ở công viên logistics của Viettel có thể làm. Cửa khẩu thông minh chỉ khác là sẽ giúp việc thông quan chỉ thực hiện một lần do đã liên kết dữ liệu giữa hai bên.
Không nên kỳ vọng quá vào cửa khẩu thông minh bởi sớm nhất phải sang năm mới triển khai và các tỉnh hiện mới đang triển khai. Họ đang quy hoạch mấy chục ha tại cửa khẩu và yêu cầu doanh nghiệp làm cửa khẩu thông minh phải đấu thầu phần đất gắn liền.
Như vậy, chi phí đầu tư của doanh nghiệp sẽ là rất lớn còn cách tiếp cận của Viettel Post chỉ là đầu tư vào công nghệ không gắn với chi phí vật lý.
Sức cạnh tranh của VIPO Mall với các sàn TMĐT khác như Shoppe, Lazada,…?
Ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT: VIPO Mall là sàn TMĐT phục vụ tiểu thương để nhập hàng hoá mua buôn phía Trung Quốc. Các đơn hàng mua buôn thường có giá trị lớn nên người mua sẽ phải đặt cọc tiền.
Đây là dự án thử nghiệm nên VTP chưa đặt mục tiêu cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử khác như Shoppe, Tiktok, Lazada.
Viettel Post sẽ tham gia vào lĩnh vực TMĐT nhưng sẽ không cạnh tranh trực tiếp mà áp dụng mô hình riêng để phát huy lợi thế của hệ sinh thái, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây cũng sẽ là một dự án trọng điểm của Viettel Post trong thời gian tới.
Lợi nhuận quý I/2025 của Viettel Post là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Bình Minh, Kế toán trưởng : Đến thời điểm này, lợi nhuận sau thuế quý I/2025 của Viettel Post khoảng 80 tỷ đồng.
Dự kiến ngày 29/4, chúng tôi sẽ công bố kết quả kinh doanh quý I/2025, trong đó có chi tiết doanh thu, lợi nhuận. Kết quả lợi nhuận chính xác khi công bố cũng sẽ không sai lệch quá nhiều so với lợi nhuận khoảng 80 tỷ đồng.
Các động lực tăng trưởng của Viettel Post trong các năm tới?
Ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT: Động lực tăng trưởng của Viettel Post trong các năm tới gồm 4 mảng. Thứ nhất là phát triển hạ tầng mạng lưới cho chuyển phát. Thứ hai là mảng kho vận, lĩnh vực này đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Thị trường này được xác định quy mô sẽ lớn gấp 2 – 3 lần thị trường chuyển phát.
Thứ ba là vận tải, đây cũng là thị trường cạnh tranh lớn nhất bởi có tới hàng trăm nghìn doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, Viettel Post có lợi thế là kết nối cả cửa khẩu,…
Thứ tư là dịch vụ. Như tôi đã thông tin, Viettel Post sẽ không cạnh tranh trực tiếp với Shoppe mà tìm hướng đi khác.