Sáng 13-6, tại hội nghị lần 31 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM, sau khi giám đốc các sở báo cáo đồ án quy hoạch, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị và đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề.
Đến năm 2030, TP.HCM vẫn giữ nguyên 16 quận, 5 huyện và TP Thủ Đức
Với phân vùng đô thị trong đồ án quy hoạch chung, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin từ nay đến năm 2030, TP.HCM vẫn giữ nguyên 16 quận, 5 huyện và TP Thủ Đức. Trong giai đoạn này, TP củng cố, tăng chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các địa phương.
Trong sắp xếp 5 huyện, TP.HCM xây dựng hạ tầng hướng tới chỉ tiêu đô thị để đưa các huyện lên TP trực thuộc TP.HCM nhưng chưa phải như TP Thủ Đức.
"Giai đoạn 2030-2040, TP.HCM vẫn sẽ tổ chức các vùng đô thị gồm đô thị trung tâm, TP Thủ Đức nằm ở phía đông, các thành phố phía Nam, Tây Bắc, Tây Nam...
Lúc đó sẽ xem xét Cần Giờ nằm ở khu Nam hay là thành phố đặc biệt. Đến năm 2040, TP.HCM sẽ hình thành 5 thành phố giống như TP Thủ Đức, từ đó TP triển khai đồng bộ mô hình đa trung tâm", ông Phan Văn Mãi nói.
Với mô hình đô thị đa trung tâm, hệ thống đường sắt đô thị sẽ là một trong những phương thức kết nối chính. Ông Mãi cho rằng thời gian qua do TP không phát triển hạ tầng nên đô thị vẫn phát triển theo "vết dầu loang" từ trung tâm đi ra.
Theo dự thảo đồ án quy hoạch, TP.HCM định hướng phát triển đô thị TP.HCM theo mô hình đa trung tâm gồm phân vùng đô thị trung tâm gồm quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, một phần quận 12.
Phân vùng đô thị phía Đông: đã thành lập TP Thủ Đức. Phân vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn, một phần quận 12. Phân vùng đô thị phía Tây gồm huyện Bình Chánh. Phân vùng đô thị phía Nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần Bình Chánh và toàn bộ Cần Giờ.
Tiền đâu làm 200km metro?
Về đề án đường sắt đô thị, ông Mãi cho biết TP.HCM cần 36 tỉ USD để thực hiện, đây là con số lớn. Ông Mãi cho rằng đầu tư đường sắt đô thị phải là đầu tư công, chỉ số hạng mục đầu tư từ nguồn lực xã hội.
"Tôi đi Busan (Hàn Quốc), tôi hỏi thì người ta vẫn nói thu từ vé, thu từ đất, quảng cáo… Tất cả nguồn thu có được cũng chỉ đáp ứng 40-50%, hằng năm ngân sách phải cấp bù. Hàn Quốc có cơ chế khai thác TOD để cấp bù phần đó", ông Mãi nói.
Để có 36 tỉ USD đầu tư hệ thống đường sắt đô thị trong 10 năm, mỗi năm TP cần huy động 3 tỉ USD. Ông Mãi cho rằng với TP.HCM, đây là việc không quá khó, nhưng vấn đề là phải có cơ chế, chính sách. TP.HCM không cần phải đi vay ODA mà có thể vay ngay trong dân bằng chương trình trái phiếu đô thị. Ngoài ra, TP.HCM mỗi năm có khoảng 8-9 tỉ USD kiều hối, nếu có chính sách tốt có thể huy động được từ các nguồn lực này.
"Tôi làm việc với các ngân hàng lớn, họ cho rằng nếu TP.HCM phát hành trái phiếu đô thị dưới tên gọi trái phiếu đường sắt đô thị mà lãi suất bằng hoặc cao hơn trái phiếu Chính phủ thì mỗi năm hệ thống ngân hàng có thể huy động được 3 tỉ USD.
Vấn đề vốn, nguồn vốn không phải là vấn đề lớn mà là cơ chế chính sách", ông Mãi nói và cho biết TP.HCM cũng đã đề xuất 28 cơ chế chính sách để thực hiện.
TP.HCM sẽ dùng metro số 2 là dự án đầu tiên thí điểm các chính sách này, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành dự án. Chậm nhất đến quý 3-2024 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để triển khai metro số 2.
Về đề án TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm), TP.HCM đang hoàn thiện để trình Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM trong tháng 6 này.
Trước mắt, TP.HCM rà soát được 6 điểm TOD metro số 1, 2 và vành đai 3 để triển khai thực hiện trong năm 2024-2025. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ rà soát hàng trăm điểm dọc hệ thống đường sắt đô thị để khai thác, trả nợ khi làm hệ thống đường sắt đô thị.
Không có đường sắt đô thị không giải quyết được kẹt xe
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết khi có hệ thống đường sắt đô thị, TP mới có thể giải điểm nghẽn về giao thông hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có ý kiến "nếu chừng nào TP.HCM chưa hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị thì sẽ không giải quyết căn cơ tắc nghẽn giao thông".
Đồng thời khi làm đường sắt đô thị cũng tạo điều kiện phát triển không gian ngầm, phải định hướng "xây dựng cả một không gian ngầm rộng lớn phía dưới".