Tổng giá trị thanh toán không tiền mặt qua Payoo đã tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Thanh toán QR vẫn đi đầu về tốc độ tăng trưởng với mức tăng 2,5 lần, theo sau là thanh toán thẻ quốc tế với mức tăng 64%, thẻ nội địa tăng 7%. Trong đó, hình thức thanh toán không tiếp xúc qua NFC được ưa chuộng hơn, chiếm hơn 65% trong tổng số giao dịch qua thẻ.
Người dân thoải mái hơn cho các chi tiêu ăn uống, du lịch
F&B là dịch vụ nhanh chóng có phản ứng tích cực đón đầu sự hồi phục trong năm 2024. Một cuộc khảo sát trên 3000 doanh nghiệp F&B vừa qua cho thấy khoảng 80% doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn tích cực và có nguồn lực để phát triển trong năm 2024, với gần 52% có kế hoạch mở rộng. Theo dự báo, năm nay giá trị thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng 10,92% so với năm 2023.
Năm qua, Payoo cũng tập trung mảng F&B và mở rộng tập khách hàng thuộc nhóm này, ghi nhận mức chi tiêu tăng cao. Cụ thể, số lượng và giá trị giao dịch lĩnh vực F&B qua hệ thống tăng tương ứng 38% và 54%. Hình thức thanh toán qua thẻ quốc tế vẫn thống trị nhưng giảm nhẹ với 65% số lượng giao dịch, tiếp đến là quét mã QR với 30% và thẻ nội địa với 5%.
Ngoài ăn uống, du lịch cũng là mảng được phục hồi mạnh mẽ với số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế liên tục tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm nay tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023 và thậm chí tăng hơn 3% so với cao điểm trước dịch (2019). Ghi nhận của Payoo trong nửa đầu năm nay cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng thẻ quốc tế phát hành tại nước ngoài qua nền tảng thanh toán Payoo tăng 2.6 lần về số lượng và 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở các mảng: ăn uống, mua sắm tại trung tâm thương mại.
Bán lẻ bùng nổ với mức tăng bằng lần
Nhóm ngành hàng ghi nhận mức tăng lớn nhất trong nửa năm vừa qua là vàng bạc đá quý và trang sức. Hai quý đầu năm nay do giá vàng tăng, cộng hưởng với nhu cầu trang sức của người dân tăng lên trong những dịp lễ 14/2, 8/3 nên kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp mảng này khá khả quan, tăng 2,5 lần về số lượng và 4 lần về giá trị so với cùng kỳ.
Dư địa tăng trưởng thị trường thuốc bán lẻ còn lớn khiến các doanh nghiệp dược phẩm tích cực mở rộng. Trên hệ thống Payoo, mảng bán lẻ dược phẩm ghi nhận mức tăng 2 lần số lượng và 2,4 lần giá trị giao dịch.
Bán lẻ các thiết bị công nghệ sau một năm sụt giảm mạnh năm nay cũng có đà hồi phục tốt. Trên nền tảng Payoo, số lượng và giá trị giao dịch ở các doanh nghiệp thuộc mảng này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn giữ đà ổn định với mức tăng trưởng 50% số lượng và 30% giá trị. Đặc biệt, nhóm trung tâm thương mại – nơi tập trung các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm và F&B tăng 30% số lượng và 15 % giá trị so với cùng kỳ.
Với số liệu tăng trưởng của các lĩnh vực kể trên, Payoo cho rằng bên cạnh nguyên nhân thị trường hồi phục, tiêu dùng trở lại thì phần lớn lại đến từ sự chuyển dịch của người dùng từ tiền mặt sang thanh toán điện tử. Từ cuối tháng 6 năm nay, Napas, Mastercard và Payoo sẽ phối hợp triển khai chương trình khuyến mãi trên toàn quốc với sự tham gia của gần 40 đối tác, hàng trăm thương hiệu và hàng ngàn cửa hàng.
Thanh toán QR phổ biến nhưng đi kèm nhiều rủi ro
Thống kê của Payoo cho thấy, thanh toán QR qua Payoo đã tăng trưởng trung bình 3 lần/năm trong vòng 3 năm qua. Tỷ trọng thanh toán QR trong các hình thức thanh toán ở nhiều lĩnh vực vượt hơn 30%. Trong đó, top 5 lĩnh vực có số lượng giao dịch QR nhiều nhất theo thứ tự là: Dịch vụ ăn uống; Siêu thị và cửa hàng tiện lợi; Thời trang, mỹ phẩm; Giải trí (vé xem phim/xem kịch/âm nhạc…), Nội thất và đồ dùng gia đình, Cửa hàng bán lẻ khác.
Tuy vậy, thanh toán QR càng phát triển thì các hình thức lừa đảo dựa trên hình thức thanh toán này càng gia tăng, dù cho người dùng và doanh nghiệp đều có ý thức nâng cao tinh thần cảnh giác.
Đơn cử, các trường hợp QR của cửa hàng bị dán đè xảy ra ở một vài nơi, khiến người mua không để ý quét QR giả mạo và chuyển vào sai tài khoản, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Một hình thức gian lận phổ biến khác là giả hình ảnh đã thanh toán xong, người bán nhìn vào một màn hình giả thông tin đã thanh toán, không kịp kiểm tra lại đã giao hàng cho khách. Hoặc để kiểm tra, khách phải đợi nhân viên mở điện thoại, vào ứng dụng ngân hàng kiểm tra tiền vào tài khoản mới giao hàng. Trong trường hợp cùng lúc hai hoặc ba khách hàng thanh toán, nhân viên sẽ bối rối và mất thời gian để xác định xem số tiền nào là của ai.
Về phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo toàn ngành về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán rà soát quy trình, quy định nội bộ.
Ngày 1/7 tới, theo quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực giao dịch bằng sinh trắc học.