Câu chuyện liên quan đến tín dụng bất động sản tiếp tục nóng lên trong những ngày cuối năm 2022 trong bối cảnh thị trường địa ốc vẫn trong trạng thái trầm lắng.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị xem xét khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để giúp cho doanh nghiệp và người mua nhà được vay tín dụng.
HoREA cho biết, dù NHNN đã nới room tín dụng thêm 15 - 2% các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà hiện vẫn rất khó vay vốn ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ “chuẩn” tín dụng.
Do đó, Hiệp hội này đề nghị NHNN xem xét không nên giữ nguyên chuẩn tín dụng trong tình thế “bất thường” hiện nay mà nên nới chuẩn tín dụng một chút nhưng vẫn không phải là hạ thấp chuẩn tín dụng so với chuẩn tín dụng bình thường trước đây.
Cũng theo lãnh đạo HoREA, hiện nay do NNHH chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn tín dụng nên các ngân hàng thương mại không dám cho vay đối với một số trường hợp.
Thứ nhất, doanh nghiệp xin vay khoản tín dụng mới mặc dù có tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận do doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (dù chỉ thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán nên không đạt chuẩn tín dụng.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, nếu có được khoản vay mới thì doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và thanh toán khoản vay đáo hạn, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng “dìu” nhau vượt qua khó khăn.
Thứ hai, doanh nghiệp xin vay tín dụng mới và đề nghị được thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp đã hết tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận do ngân hàng không chấp thuận tài sản bảo đảm là trái phiếu nên không đạt chuẩn tín dụng.
Theo ông Châu, nếu có được khoản vay mới và được phép thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp thì đây là nguồn vốn vay quý giá, có tính chất là “vốn mồi” để doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và các khoản vay cũ, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
Thứ ba, hiện nay hầu như không có căn hộ nhà ở xã hội trên thị trường, trong khi nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang thực hiện chính sách giảm giá bán nhà, chiết khấu sâu trên dưới 50% dẫn đến giá bán căn hộ tại một số dự án khoảng 2 tỷ đồng/căn, nhưng người mua nhà ở thương mại chưa vay được tín dụng với lãi suất hợp lý.
Do đó, HoREA kiến nghị NHNN xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định một số chính sách ngắn hạn áp dụng đến hết năm 2023 để hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp và người mua nhà.
HoREA đề nghị cho phép tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm trong trường hợp doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay.
Đồng thời, cho phép tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp được trị giá tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay.
Song song với đó, Hiệp hội cũng đề nghị NHNN xem xét trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP cho phép người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 1,8 (hoặc 2) tỷ đồng/căn được hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay tín dụng (hoặc với lãi suất hợp lý do NHNN quy định) tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.
Cần bơm vốn để doanh nghiệp vận hành
Chia sẻ tại diễn đàn "Dự báo thị trường bất động sản 2023” diễn ra mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm, thị trường bất động sản Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 5% GDP cả nước nhưng vẫn phải “cứu” bởi 5% này có tính lan tỏa, tác động và hiệu ứng rất mạnh. Đặc biệt là hiệu ứng giữa thị trường bất động sản với thị trường tài chính.
“Do đó, đừng bao giờ đặt vấn đề chỉ là giải cứu thị trường bất động sản, khi đấy sự ủng hộ của xã hội và các giải pháp mà Nhà nước đưa mới mạnh hơn được. Nếu chúng ta chỉ nói là cứu các doanh nghiệp bất động sản thôi thì đây là một tâm lý rất nguy hiểm. Chúng ta đang khó khăn, sẽ còn khó khăn nhưng triển vọng là giải quyết được”, ông Thiên nói.
Chuyên gia đặt vấn đề, trong bối cảnh hiện nay, dù room tín dụng được nới thêm nhưng lãi suất cao (lên tới 16%, thậm chí còn cộng thêm các chi phí khác) thì ai vay? Hiện nay, điều kiện tài chính xấu đi, các dòng vốn cũng chưa rõ ràng.
“Nền kinh tế Việt Nam năm nay nằm trong thế rất nghịch lý, tình hình chung thì tốt nhưng bộ phận trong nước lại gặp khó khăn. Lạm phát thấp nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng cao, tiền ở đâu ra mà tăng trưởng cao? Tại sao kinh tế tăng trưởng cao, ổn định vĩ mô tốt mà thị trường chứng khoán lại lao dốc, rồi thị trường tài chính đối mặt với nhiều rủi ro, nguy cơ vỡ trận trái phiếu doanh nghiệp? Tại sao nền kinh tế tăng trưởng tốt mà giống như bị “nghẹt thở”, máu không lưu thông được?", vị này nhấn mạnh.
Bối cảnh hiện tại, theo chuyên gia, cần cấp bách “tiếp máu” cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Ông phân tích, mục tiêu ổn định vĩ mô nhưng doanh nghiệp phải có tiền để vận hành và một chỉ tiêu để đánh giá vấn đề này đó chính là nguy cơ nợ xấu, phải giữ cho nợ xấu không phình to ra.
"Cần phải bơm vốn cho doanh nghiệp để giúp giảm nợ xấu. Nhiều dự án bất động sản đang mắc kẹt do doanh nghiệp thiếu tiền triển khai tiếp. Trong khi đó, ngân hàng không thể cho vay vì nợ cũ quá hạn chưa thanh toán được. Bây giờ tiếp tục bơm vốn vào sẽ giải tỏa được nợ xấu, thế là ổn định vĩ mô", PSG.TS Trần Đình Thiên nói.
Còn theo PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần có chính sách khơi thông dòng chảy luồng tiền "đúng và trúng" đối tượng. Theo chuyên gia, quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành trong năm 2023.
Song, thay vì hỗ trợ tài chính từ phía cung (người làm) sẽ chuyển sang phía cầu (người mua) với những điều kiện vay vốn ưu đãi nhất định dành cho một số đối tượng khách hàng cụ thể khi có giao dịch được thực hiện. Bởi trước đây cũng có các gói hỗ trợ người mua nhà ở xã hội vay vốn ưu đãi và điều này góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.