Thời sự

Đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam thấp hơn nhiều Thái Lan, Singapore Malaysia

Phát biểu tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững diễn ra sáng 5/6, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh chuyển đổi số hiện phải song hành cùng chuyển đổi xanh. Hoạt động này đã trở thành xu thế tất yếu của doanh nghiệp nếu muốn tận dụng các cơ hội kinh doanh mới.

Theo bà Hương, thuật ngữ “Chuyển đổi kép” - xu hướng chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh xoay quanh ba trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.

Tại Việt Nam, công nghệ số và chuyển đổi số cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: BTC).

 

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp rất nhiều trở ngại. Theo Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2023, đầu tư vốn cho hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện.

Mức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) so với GDP của Hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm. Năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm ngoái, xếp hạng thấp hơn cả xếp hạng của năm 2021.

Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này và nhanh chóng vươn lên trên bảng xếp hạng năm 2023 như: Thái Lan đạt 1,3%, Singapore 2,2%, Malaysia 1%. 

Doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại khi đổi mới sáng tạo, 75% doanh nghiệp được khảo sát trong báo cáo khẳng định rằng, việc chưa được nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo mở dẫn đến động lực hiện thực hóa chưa rõ ràng.

Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030“ ban hành vào năm 2022 đặt mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số với các dịch vụ 5G và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, với trọng tâm là nền kinh tế số sẽ chiếm 30% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2030.

“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” đề ra các mục tiêu: Giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP. Đồng thời, xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số.

Tương tự các quốc gia khác, tại Việt Nam, công nghệ số và chuyển đổi số cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh.

Lợi ích của chuyển đổi kép là rất lớn, song nguồn vốn để thực hiện quá trình chuyển đổi này vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sử dụng quỹ phát triển DNNVV để đẩy nhanh chuyển đổi kép

Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) cho biết doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn từ quỹ để được hỗ trợ trong các hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của mình

Mục tiêu hoạt động của quỹ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của DNNVV, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động; tạo nguồn vốn hỗ trợ, phát triển DNNVV; nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước hỗ trợ DNNVV. 

 

Hiện lãi suất cho vay của Quỹ này bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại được xác định trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và có tổng tài sản lớn nhất tại thời điểm xác định lãi suất cho vay của quỹ, ông Phan Thanh Hà thông tin.  

Đây là mức ưu đãi khá hấp dẫn và không phải tổ chức tín dụng nào cũng có mức lãi suất hấp dẫn như vậy. Ngoài ra, ông Hà cũng cho biết mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của quỹ đối với một DNNVV không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của quỹ.

Bên cạnh đó, thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng tối đa không quá 7 năm. Đặc biệt, doanh nghiệp được miễn phí trả nợ trước hạn.

Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV lưu ý, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ vay vốn, doanh nghiệp nên tránh một số lỗi thường mắc như thiếu hồ sơ để xác định DNNVV, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; hồ sơ không đúng yêu cầu; số liệu giữa các hồ sơ chưa phù hợp với nhau; hồ sơ chưa chứng minh được năng lực của doanh nghiệp…

Với hình thức tài trợ vốn, quỹ này tài trợ một phần chi phí đối với các hạng mục đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh của DNNVV đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định.

"Đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tìm kiếm các nguồn tài trợ cho hoạt động chuyển đổi kép của mình", ông nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm