Trên đảo New Caledonia (Pháp), một loài dương xỉ đơn giản, khiêm tốn được gọi là dương xỉ fork đã được xác định là có bộ gene dài nhất so với bất kỳ sinh vật sống nào được biết đến, phá vỡ mọi kỷ lục từ trước đến nay.
Bộ gene này dài hơn bộ gene con người 50 lần và dài hơn 7% so với bộ gene từng xác lập kỷ lục dài nhất. Nó chứa 416 nhiễm sắc thể trong mỗi tế bào, so với 23 nhiễm sắc thể của con người. Nếu được tách ra, chiều cao của nó có thể vượt qua cả tháp đồng hồ Big Ben ở London.
"Khám phá này đặt ra nhiều câu hỏi mới và thú vị về giới hạn trên của những gì có thể xảy ra về mặt sinh học. Chúng tôi hy vọng sẽ giải đáp được những bí ẩn này vào một ngày nào đó", tiến sĩ Ilia Leitch, trưởng nhóm nghiên cứu cấp cao tại Vườn bách thảo Royal ở quận Kew (Anh), nói.
Tuy nhiên việc có mã di truyền phức tạp không phải lúc nào cũng là một lợi thế. Bộ gene lớn hơn đòi hỏi nhiều tài nguyên hơn để sao chép, sửa chữa và phiên mã, trong khi trình tự DNA lớn hơn cần nhân lớn hơn, và do đó cần tế bào lớn hơn để chứa. Tiến sĩ Leitch nói với Reuters rằng "có lẽ không có gì ngạc nhiên khi những loài có bộ gene lớn hơn có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn".
Theo các nhà nghiên cứu, các kỹ thuật hiện đại có thể không đủ để giải trình tự bộ gene của cây dương xỉ fork. Và ngay cả khi đã được giải trình tự, vẫn có thách thức tính toán trong việc lấy dữ liệu và "gắn kết chúng lại với nhau theo cách phản ánh về mặt sinh học những gì đang diễn ra".
Loài có bộ gene nhỏ nhất
Sở hữu bộ gene nhỏ nhất hiện nay là loài nấm Encephalitozoon gutis, với 2,6 cặp megabase. Trong khi đó, dương xỉ fork New Caledonian chứa 168 cặp gigabase.
Ở thực vật, loài từng giữ kỷ lục có bộ gene dài nhất là cây Paris japonica ở Nhật Bản, trong khi cá phổi cẩm thạch châu Phi (Protopterus aethiopicus) được ghi nhận có bộ gene dài nhất thế giới động vật.