Thị trường trong nước giảm liền hai tuần sau khi có chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp. Sau các nhịp điều chỉnh, VN-Index đã để mất các ngưỡng kỹ thuật quan trọng như MA50, MA100, … Đóng cửa phiên 21/4, VN-Index giảm 9,98 điểm, tương đương đánh mất với 0,95% so với tuần trước, xuống 1.042,91 điểm.
Thanh khoản tuần này giảm về mức thấp nhất trong 5 tuần vừa qua. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng đang có chuỗi bán ròng sang tuần thứ 3 liên tiếp.
Chia sẻ trong “Tiêu điểm chứng khoán cuối tuần”, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS) cho biết VN-Index vừa trải qua một tuần giảm điểm, mặc dù mức giảm không quá lớn. Những dấu hiệu của đợt điều chỉnh này đã được dự báo thông qua một số tín hiệu từ trước đó.
Ông Tuấn dẫn chứng, mặc dù thị trường có hai tuần tăng điểm tích cực nhưng nhóm thép lại tiếp tục tìm về mặt bằng giá thấp hơn. Sau đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có dấu hiệu đạt đỉnh, một số mã thậm chí có dấu hiệu điều chỉnh trước so với thị trường. Dù nhóm chứng khoán và bất động sản vẫn đang thể hiện nỗ lực tăng điểm, nhưng một số mã trong trạng thái vượt đỉnh bất thành và điều chỉnh đi xuống.
Ngoài ra, giá trị giao dịch về mức thấp cùng với giao dịch từ phía nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự ủng hộ cho thấy nhịp điều chỉnh chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, nhà đầu tư cần phải kiên nhẫn hơn nữa để tìm thấy một cơ hội tốt hơn.
Thông thường trong một xu hướng đi lên, thị trường luôn tạo ra một trend thứ cấp (secondary trend) điều chỉnh. Việc xuất hiện secondary trend là một điều tất yếu, vì ngay cả khi kinh tế vĩ mô tốt lên, triển vọng doanh nghiệp tích cực hơn nhưng lợi nhuận doanh nghiệp không thể cải thiện ngay được.
Bàn về tín hiệu khi thị trường hoàn tất một nhịp điều chỉnh, ông Tuấn cho rằng cần phải hội tụ hai yếu tố.
Yếu tố đầu tiên là điểm số, đó là khi các nhóm cổ phiếu lớn có mức chiết khấu tương đối lớn so với đỉnh để hấp dẫn dòng tiền mới, dòng tiền của những người đã chốt lời, dòng tiền của những người có tầm nhìn xa, họ sẵn sàng tham gia, thậm chí mạo hiểm để đầu tư.
Yếu tố thứ hai là thời gian, thị trường cần thời gian để các dòng cổ phiếu luân phiên điều chỉnh, từ đó tạo ra một mặt bằng giá mới để thu hút dòng tiền. Theo lý thuyết, trend thứ cấp sẽ kéo dài 3 – 6 tuần. Trong trường hợp, nhịp điểu chỉnh ngắn hơn 1 – 2 tuần thì phải đi kèm với điều kiện là giá chiết khấu nhanh.
“Qua quan sát thời gian gần đây, cổ phiếu bất động sản đã chững lại đà tăng sau đó điều chỉnh, hiện chỉ còn một số mã vẫn đang trên đỉnh. Nhóm chứng khoán một số mã hàng đầu vẫn cách đỉnh một đoạn ngắn, tuy nhiên đã có một vài mã khác thậm chí đã vượt đỉnh.
Vì vậy tín hiệu mà tôi đang chờ là những cổ phiếu đó quay đầu. Lý do là bởi triển vọng kinh doanh và các yếu tố tích cực khác của doanh nghiệp có thể bị “xói mòn” dần khi thị trường bước vào các nhịp điều chỉnh, nếu bản thân cổ phiếu không có điểm gì nổi trội so với mặt bằng chung”.
Ngoài ra, chuyên ra gợi ý một tín hiệu cho thấy thị trường đã chỉnh xong là khi quan sát thấy những cổ phiếu được coi là vững vàng nhất, minh bạch và kết quả kinh doanh tốt chất bắt đầu điều chỉnh tương đối thì đó có thể coi là đáy ngắn hạn của thị trường.