Ngày 15/8/2024, các cuộc đàm phán về ngừng bắn ở Dải Gaza và trao đổi tù nhân đã được nối lại với sự tham gia của đại diện Israel, Qatar, Ai Cập và Mỹ.
Vòng đàm phán mới nhất diễn ra ngày 25/8/2024 tại Cairo, với sự tham gia của Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) William Burns, Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdul Rahman Al Thani và Giám đốc Cơ quan tình báo Ai Cập Abbas Kamel. Đoàn Israel do Giám đốc Cơ quan tình báo (Mossad) David Barnea dẫn đầu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thăm Trung Đông từ 18 -21/8/2024 nhằm thúc đẩy các bên đạt được thoả thuận. Hamas không tham gia đàm phán, nhưng cử người đến theo dõi kết quả đàm phán.
Đây là vòng đàm phán ở cấp cao nhất từ trước tới nay. Mọi người hy vọng sẽ đạt được thoả thuận, nhưng sau kết thúc phiên đàm phán chiều 25/8/2024, đoàn Israel và Hamas đã rời Cairo về nước mà không đạt được kết quả nào. Các bất đồng cơ bản vẫn không được giải quyết.
Các điều kiện của Israel
Tel Aviv một lần nữa khẳng định rằng họ sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào dẫn đến kết thúc chiến tranh, cũng như sẽ không rút khỏi cửa khẩu Rafah, hành lang Philadelphia và trục Netzarim. Israel nói rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào được ký kết đều phải cho phép họ tự do tiếp tục các hoạt động quân sự ở Gaza nếu thấy cần thiết.
Trở ngại chính là sự hiện diện quân sự của Israel ở Dải Gaza. Israel đòi duy trì một lực lượng để nắm quyền kiểm soát hành lang Philadelphia, cửa khẩu Rafah nằm dọc theo biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập và trục Netzarim là ranh giới phân chia giữa miền nam và miền bắc Gaza. Israel đòi lập các trạm kiểm soát tại đây để ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí từ Ai Cập và đưa vũ khí lên phía bắc Gaza, ngăn chặn Hamas xây dựng lại lực lượng vũ trang của mình.
Thủ tướng Netanyahu tuyên bố, chừng nào Hamas nhất quyết đòi quân đội Israel (IDF) rút hoàn toàn khỏi hành lang Philadelphia thì sẽ không có thỏa thuận nào.
Cả Hamas và Ai Cập đều không chấp nhận yêu cầu này của Israel, cho rằng đây là vi phạm độc lập, chủ quyền của Ai Cập, quyền tự do đi lại của người Palestine ở Gaza. Đáng lưu ý là trong thời gian chiếm đóng Dải Gaza từ 1967 đến 2004, Israel đã xây dựng các chốt kiểm soát tại Rafah, Philadelphia, nhưng sau khi rút khỏi Gaza năm 2005, Israel đã ký thoả thuận trao lại quyền kiểm soát các cửa khẩu này cho chính phủ Ai Cập.
Israel khẳng định, chiến tranh chỉ có thể kết thúc sau khi tiêu diệt Hamas với tư cách là một lực lượng quân sự và chính trị. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, ông Netanyahu chỉ quan tâm việc lấy lại con tin chứ không quan tâm đến cấm dứt chiến tranh. Chấm dứt chiến tranh mà không tiêu diệt được Hamas có nghĩa là ông không thực hiện được mục tiêu đề ra cho chiến dịch quân sự, dẫn đến khả năng chính phủ của ông sụp đổ, ông phải ra đi và tổ chức bầu cử sớm.
Israel đã tuyên bố ngay từ đầu rằng nhiệm vụ của họ là chiến đấu cho đến khi Hamas bị tiêu diệt. Theo quan điểm của Israel, các mục tiêu của hành động quân sự vẫn chưa đạt được. Các con tin vẫn chưa được trả lại, Hamas vẫn chưa hoàn toàn mất quyền kiểm soát Gaza và Gaza vẫn chưa an toàn 100% cho Israel. Israel tin rằng cho đến khi đạt được các mục tiêu, sự thù địch sẽ không thể dừng lại.
Quan điểm của Hamas
Ngày 31/5/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một “Kế hoạch hoà bình” ở Gaza gồm ba giai đoạn, trong đó Israel và Hamas đàm phán về việc trao đổi con tin, chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch và tiến hành tái thiết Dải Gaza.
Tổng thống J. Biden đã yêu cầu Thủ tướng Israel B. Netanyahu rút lực lượng Israel khỏi biên giới Gaza với Ai Cập như một phần của giai đoạn đầu của thỏa thuận ngừng bắn, để các cuộc đàm phán có thể tiếp tục. Đây là những nguyên tắc đã được các bên liên quan, trong đó có Israel và Hamas thoả thuận ngày 2/7/2024 và Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc ủng hộ trong nghị quyết 2735 ngày 10/6/2024.
Hamas yêu cầu Israel phải có nghĩa vụ tuân theo những gì đã được thỏa thuận và nhấn mạnh “bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, quyền tự do cho người dân trở lại nơi ở của họ ở phía Bắc, cung cấp viện trợ nhân đạo, tái thiết Gaza và thỏa thuận trao đổi con tin và những người bị giam giữ”.
Đáng chú ý là Ai Cập cũng kiên quyết đòi “Israel phải rút quân hoàn toàn khỏi cửa khẩu Rafah và hanh lang Philadelphia” mà họ đã chiếm đóng tháng 5 vừa qua.
Hamas tuyên bố sẵn sàng trả lại các con tin cho Israel. Tuy nhiên, con tin là một trong những át chủ bài trong đàm phán. Nếu Hamas trả lại toàn bộ hoặc phần lớn con tin mà quân đội Israel vẫn ở lại Gaza, thì sau này sẽ không có gì để mặc cả nữa. Đối với Hamas, đây là một vấn đề cơ bản và họ chỉ có thể trao trả toàn bộ con tin cho Israel khi Israel cam kết chấm dứt hoàn toàn chiến sự và rút hết quân đội về nước.
Theo lãnh đạo Hamas, không có gì đảm bảo quân đội Israel sẽ không nối lại các hoạt động quân sự sau khi các con tin được thả sau 6 tuần. Ngoài ra còn có sự khác biệt giữa các bên về danh sách tù nhân Palestine mà Israel phải trả tự do theo các điều khoản của thỏa thuận. Theo số liệu mới nhất, 115 con tin vẫn đang bị Hamas giam giữ.
Hamas cho rằng Israel đang sử dụng chiến lược “câu giờ” và kéo dài xung đột ở Gaza. Đến nay, Thủ tướng Netanyahu vẫn từ chối lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, bác bỏ việc rút quân khỏi Gaza.
Hamas cho biết họ không muốn tham gia “các cuộc đàm phán chỉ vì mục đích đàm phán” để Israel lấy đó làm vỏ bọc cho việc tiếp tục chiến tranh. Hamas cũng khẳng định rằng họ đã hợp tác với các nỗ lực hòa giải của Qatar và Ai Cập một cách có trách nhiệm, đồng thời đã xem xét mọi đề xuất nhằm ngăn chặn hành động gây hấn chống lại người Palestine, tiến tới ký kết thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi tù nhân.
Lãnh đạo Hamas Hossam Badran cho rằng “Việc Netanyahu nhất quyết giữ lại lực lượng ở Rafah, Philadelphia và Netzarim thể hiện rõ ý định của Israel tiếp tục cuộc xâm lược kéo dài chiến tranh và không muốn đạt được thỏa thuận cuối cùng. Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì ít hơn việc rút lực lượng chiếm đóng. Washington phải gây áp lực buộc Netanyahu phải chấp nhận ngừng bắn”.
Đàm phán thất bại do Mỹ "thiên vị" Israel?
Vòng đàm phán hiện nay về thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza giữa Israel và Hamas đang lâm vào ngõ cụt, đứng trước nguy cơ sụp đổ, có lẽ do Mỹ đưa ra đề xuất mới với nội dung thiên vị cho đồng minh Israel.
Đề xuất mới của Mỹ được đưa ra sau khi Ngoại trưởng A. Blinken gặp Thủ tướng Israel B. Netanyahu hoàn toàn thể theo quan điểm của Tel Aviv đòi duy trì sự hiện diện của quân đội Israel (IDF) tại cửa khẩu Rafah, hành lang Philadelphia trên biên giới giữa Dải Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập và trục Netzarim là ranh giới chia đôi dải Gaza thành hai nửa Nam và Bắc. Đây chính là yêu cầu của Thủ tướng Netanyahu.
Ngoài việc kiểm soát các khu vực trên, Israel còn đòi kiểm soát việc hồi hương những người di tản từ phía nam Dải Gaza về phía bắc. Israel đòi được quyền bác bỏ tên các tù nhân mà Hamas yêu cầu trả tự do. Đây là các điều khoản quan trọng nhất mà cả Ai Cập và Hamas không thể chấp nhận.
Hamas cho rằng đề xuất mới nhất được đưa ra trong các cuộc đàm phán chỉ phù hợp với các điều kiện của Israel, trong đó đáng chú ý là việc Hamas cũng cho rằng đề xuất này cũng phản ánh quan điểm của Israel trong việc duy trì quyền kiểm soát các khu vực chiến lược ở Gaza.
Đề xuất mới này hoàn toàn khác với những gì đã được các bên thoả thuận ngày 2/7/2024 và trái với nội dung kế hoạch của Tổng thống Mỹ J.Biden đề xuất ngày 31/5/2024 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ tại nghị quyết 2735 ngày 10/6/2024, trong đó quy Israel phải rút hết quân đội và chấm dứt vĩnh viễn chiến sự tại Dải Gaza.
Trong khi đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby đã nói rõ rằng, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Israel.
Trước vòng đàm phán mới giữa Israel và Hamas, ngày 13/8/2024, Mỹ đã phê duyệt gói viện trợ vũ khí cho Israel trị giá 20 tỷ USD gồm 50 máy bay chiến đấu F-15, F-16 và 50 nghìn quả đạn cối và xe vận tải quân sự nhằm “đảm bảo an ninh cho Israel”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Trung Đông, đưa tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng các máy bay chiến đấu F-35C, F/A-18 Block 3 và các tàu khu trục hộ tống tới khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken rời khu vực mà vẫn không giải quyết được những khác biệt giữa Israel và Hamas, thoả thuận về một lệnh ngừng bắn đã trở nên xa vời hơn. Cả Israel và Hamas đều cho rằng việc đạt được thỏa thuận sẽ không dễ dàng.
Tình hình hết sức phức tạp bởi cuộc xung đột có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông bất cứ lúc nào.
Việc ngày 25/8/2024 ngay sau khi các cuộc đàm phán Cairo thất bại, Hezbollah đã bắn 320 phát tên lửa Kachiusha vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Israel và việc Israel dùng 100 máy bay chiến đấu tấn công trả đũa Hezbollah ở miền Nam Lebanon báo hiệu căng thẳng bắt đầu leo thang. Ngoài ra, Iran vẫn chưa từ bỏ kế hoạch trả đũa Israel về vụ ám sát người đứng đầu Văn phòng Chính trị Hamas Ismail Haniyeh ngày 31/7/2024 vừa qua. Bất kỳ sự leo thang nào, cũng không thể loại trừ sự can thiệp của Iran.
Việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza sẽ góp phần tránh một cuộc chiến tranh tổng lực và xoa dịu tình hình căng thẳng ở Trung Đông. Thoả thuận này chỉ có thể đạt được khi Mỹ và các nhà hoà giải thuyết phục các bên chấp nhận một giải pháp dựa trên sáng kiến của Tổng thống Mỹ J. Biden đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ cũng như Israel và Hamas chấp nhận ngày 2/7/2024.